Mơ về trung tâm tài chính quốc tế TPHCM
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu đến cuối năm 2019, hoàn thiện đề cương đề án xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Từ đó, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép TP xây dựng trung tâm tài chính quốc tế theo cơ chế, chính sách đặc thù. Một ý tưởng mang tính 'big bang', nhưng liệu TP đã đủ điều kiện để trở thành trung tâm tài chính trong tương lai gần?
Sau khi chủ đề này được ĐTTC đăng tải trên số báo ra ngày 22-7, chuyên gia tài chính Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN), đã có những trao đổi thẳng thắn về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông có thể phân tích những nội dung cơ bản của trung tâm tài chính và lợi ích nó đem lại?
Ông PHẠM XUÂN HÒE: - Theo đối tượng khách hàng phục vụ và tầm ảnh hưởng, Trung tâm tài chính quốc tế (IFC) phải là Trung tâm tài chính toàn cầu (global IFC), là các TP có đủ năng lực đóng vai trò là trung gian kết nối giữa các tổ chức tài chính với khách hàng trên phạm vi toàn cầu.
Các trung tâm này có mức lan tỏa toàn cầu do có sự chuyên môn hóa ở cấp cao, với rất nhiều sản phẩm và dịch vụ tài chính, có hệ thống mạng lưới kinh doanh toàn cầu, tính thanh khoản thị trường ở mức rất cao và hệ thống pháp luật chuẩn mực, được coi là hệ quy chiếu của thị trường tài chính thế giới.
Về lợi ích IFC đem lại. Trước hết, sự ra đời của các IFC giúp giải quyết tình trạng thông tin bất cân xứng trong hoạt động tài chính. Trong thế giới tài chính, thông tin được coi là “nguyên liệu” quan trọng nhất. Một công ty tài chính tiếp cận được với nguồn thông tin dồi dào, có giá trị sẽ có lợi thế rất lớn với các đối thủ về “nguyên liệu sản xuất”.
Do đó, các công ty tài chính luôn có xu hướng tập trung tại cùng một địa điểm, bởi điều này sẽ khiến nguồn thông tin trở nên đa dạng và có chất lượng hơn.
Thứ hai, sự ra đời của các IFC giúp tạo ra nền kinh tế tri thức và tính quy mô trong hoạt động tài chính. Cụ thể, sự quy tụ các tổ chức tài chính tại một địa điểm giúp liên kết các thị trường với nhau, tập hợp được các nguồn lực trong quản lý tài chính, kỹ thuật, hệ thống pháp luật và thanh toán.
Qua đó làm giảm chi phí ngành, đồng thời tạo ra tính cạnh tranh trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính. Đây cũng là nơi thu hút và tạo ra nguồn nhân lực có tay nghề cao.
Thứ ba, sự quy tụ của tổ chức tài chính trong các IFC tạo điều kiện cho phép hình thành các mối quan hệ tin tưởng, thể chế hóa các quy tắc giao dịch trong hoạt động tài chính. Nhờ đó, các tổ chức tài chính có thể triển khai và đảm bảo kết quả đầu ra của các dự án tài chính, hoạt động phát hành chứng khoán, bảo lãnh phát hành các sản phẩm tài chính cấu trúc… với chi phí tương đối thấp trong thời gian rất ngắn.
- Vậy hiện nay địa phương nào có tiềm năng xây dựng IFC nhất, thưa ông?
Vấn đề thể chế về tiền tệ, tài chính ở tầm quốc gia và hạ tầng về tài chính, sẽ là thách thức lớn nhất với việc hình thành và phát triển IFC tầm cỡ khu vực cho TPHCM.
- Khi nghiên cứu đánh giá lợi thế để trở thành nơi có thể hình thành phát triển IFC của Việt Nam với 19 tiêu chí của 4 nhóm, được cho điểm từ 0-5, gồm nhóm về thị trường (7 tiêu chí); nhóm hạ tầng sẵn có, tiềm năng phát triển (7 tiêu chí); nhóm về hành chính công (2 tiêu chí); nhóm về an ninh (3 tiêu chí).
Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tính toán mức điểm xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp: TPHCM 333 điểm, Hà Nội 256 điểm, Đà Nẵng 128 điểm, Hải Phòng 97 điểm, Bắc Ninh 81 điểm, Quảng Ninh 71 điểm, Lạng Sơn 47 điểm.
Như vậy, có thể thấy TPHCM có ưu thế vượt trội để trở thành IFC. Về vị trí địa lý, TP có thể kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm kinh tế phát triển công nghiệp, hàng hóa, dịch vụ vùng Đông Nam bộ; kết nối kinh tế các nước trong khu vực và tương lai liên thông với trung tâm tài chính khu vực như Singapore, Hồng Kông khá thuận.
Về kinh tế, TPHCM đứng đầu cả nước về GRDP, đóng góp lớn nhất về thu ngân sách. Tiềm năng phát triển của TPHCM rất mạnh cả về hàng hóa, dịch vụ cũng như tài chính. Đặc biệt vừa qua Chính phủ đã có đồng ý về cơ chế đặc thù cho TPHCM, nếu có thể nên lấy TPHCM thành đặc khu kinh tế tự do để thử nghiệm các thể chế kinh tế tài chính.
- Là ứng cử viên số 1 nhưng hiện tại TPHCM đã có đủ các điều kiện để thành IFC, thưa ông?
- Tôi được biết TPHCM đã 20 năm theo đuổi mục tiêu có IFC, nhưng đến nay vẫn bất thành. Muốn tăng trưởng phải có vốn. IFC sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho TP, nhưng còn nhiều điều kiện hiện tại và trong tương lai gần TP dường như rất khó đạt được. Bởi để hình thành IFC tầm cỡ khu vực, cần có 3 nhóm điều kiện bắt buộc:
Nhóm 1, đó là luật chơi và hạ tầng kết nối cuộc chơi. Đã hội nhập, điều kiện về môi trường kinh doanh phải đạt chuẩn quốc tế. Trong đó, thể chế, chính sách là quan trọng nhất, nhưng TPHCM đang thiếu vắng.
Ở tầm quốc gia, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất và chính sách điều tiết rất quan trọng với nhà đầu tư tài chính, quỹ quốc tế, dòng vốn tự do di chuyển, việc mua bán ngoại tệ không hạn chế. IFC cần không gian chính sách thuế rất ưu đãi, liệu TP có được cơ chế đặc thù về thuế và trở thành thiên đường về miễn giảm thuế để thu hút giới tài chính về đây hoạt động như Dubai của UAE.
Dù tình hình chính trị ổn định của Việt Nam có thể là một lợi thế, nhưng giải quyết vấn nạn tham nhũng vẫn là thách thức với cả nước, trong đó có TPHCM. Về mặt hạ tầng kết nối như viễn thông và internet, có diện tích lớn để xây dựng với TP không khó khăn. Nhưng việc phải có trung tâm trung chuyển khách chất lượng sẽ là thách thức lớn, khi sân bay và hệ thống giao thông TP hiện đang gặp vấn nạn.
Nhóm 2, điều kiện về “sân chơi” và hàng hóa. Đây là điều kiện tự TPHCM không thể giải quyết. Vì hạ tầng về thị trường tài chính chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế nên chưa thể kết nối với hạ tầng tài chính các trung tâm tài chính ở khu vực.
Trong khi đó, hệ thống tài chính trong nước vẫn đang “bơi” trong tái cấu trúc để đạt đến chuẩn quốc tế; thị trường chứng khoán nhỏ bé; thị trường bảo hiểm mới đi ở chặng đường đầu.
Đặc biệt, sự có mặt của các định chế tài chính hàng đầu thế giới, ngân hàng và quỹ đầu tư lớn của thế giới gần như thiếu vắng ở TP. Bên cạnh đó, loại hình sản phẩm dịch vụ tài chính như kêu gọi vốn cho cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ; quản lý thuế và tối ưu hóa trách nhiệm thuế xuyên biên giới; quản lý quỹ doanh nghiệp khu vực và toàn cầu… cũng chưa có tại TPHCM.
Nhóm 3, là điều kiện về con người, cần có nguồn nhân lực có trình độ cao và kỹ năng cao để xử lý các nghiệp vụ phức tạp. Nhóm điều kiện này thực ra không khó đối với một TP năng động như TPHCM.
Chỉ cần có chính sách đãi ngộ tốt, thực sự cầu thị thu hút nhân tài, nguồn nhân lực, thì người Việt và cả người nước ngoài đang làm tại các IFC lớn trên thế giới như New York, London, Singapore… sẵn sàng về Việt Nam.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/mo-ve-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tphcm-70556.html