Trong quý 1 năm 2024, Pháp đã chuyển 150 quả bom dẫn đường hiện đại cho Ukraine để đối phó với Nga, đó chính là loại bom AASM-250 Hammer (Air-Sol Modulaire - loại bom có điều khiển với tầm bay mở rộng). Loại bom này được đưa vào trang bị cho Không quân và Hải quân Pháp năm 2007.
Những quả bom AASM có nguyên lý hoạt động tương đối khác so với dòng bom rơi tự do JDAM-ER của Mỹ và UMPK của Nga, khi bom của Mỹ và Nga chỉ được trang bị bộ khí động học, có tầm bay tương đối gần.
Bom AASM được trang bị động cơ phụ là một tên lửa đẩy nhỏ, giúp cho máy bay chiến đấu Su-27 và MiG-29 của Không quân Ukraine, có thể thả bom AASM không chỉ ở độ cao lớn, mà cả từ độ cao cực thấp, nhưng tầm bay của bom vẫn đạt đến cự ly lên tới 60 km.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hứa với người đồng cấp Ukraine, Tổng thống Zelensky, là sẽ không ngừng cung cấp thêm cho Kiev loại bom này, để tấn công các mục tiêu của Nga trên chiến trường Ukraine.
Còn lực lượng không quân chiến thuật của Nga cũng đã tăng cường sử dụng bom lượn có điều khiển, được cải tiến từ bom thường (FAB) trên chiến trường Ukraine. Do vậy việc so sánh hai loại bom đều được cải tiến từ bom thường của Nga và Pháp, có nhiều điểm thú vị.
Bom AASM-250 Hammer là loại bom dẫn đường do Công ty Safran Electronics & Defense của Pháp phát triển, nó được thiết kế để thả từ nhiều loại máy bay khác nhau và có thể tấn công cả mục tiêu đứng yên cũng như di chuyển với độ chính xác cao.
Bom AASM-250 Hammer có thiết kế dạng module, nghĩa là nó có thể được lắp ráp với nhiều loại thiết bị dẫn đường và đầu đạn khác nhau, để phù hợp với nhiều nhiệm vụ cụ thể. Phiên bản tiêu chuẩn bao gồm một quả bom thường nặng 250 kg, nhưng nó cũng có thể tích hợp với các mẫu bom nhỏ hơn, hoặc thậm chí lớn hơn, tùy thuộc vào mục tiêu cần phá hủy.
Ngoài bom AASM-250 Hammer, Safran Electronics & Defense còn sản xuất các loại bom tương tự nặng 125 kg, 500 kg và 1.000 kg. Nhưng Paris vẫn chưa cung cấp chúng cho Kiev. Ví dụ, AASM-1000 được thiết kế để phá hủy các cây cầu, cơ sở công nghiệp và các vị trí quân sự kiên cố.
Còn bom cánh lượn có điều khiển bằng mô-đun UMPK của Nga được cải tiến từ loại bom thường (loại có rất sẵn trong kho vũ khí của Nga), được trang bị thêm mô-đun cánh lượn UMPK. Bom không có động cơ phụ trợ, mà cự ly bay dựa hoàn toàn vào tốc độ, độ cao thả bom của máy bay.
FAB-500 M là một loại bom phá đa năng, được Liên Xô phát triển và sản xuất từ thời Chiến tranh Lạnh. Phiên bản bom FAB-500 M-62 có chiều dài 2.425 mm, với đường kính 400 mm. Trọng lượng toàn bộ của bom là 500 kg và khối lượng của chất nổ là 300 kg. Thuốc nổ là loại Torpex, có sức nổ lớn hơn TNT khoảng 50%.
Về kích thước của bom AASM-250, có chiều dài khoảng 3 mét với đường kính 0,2 mét, sải cánh của nó là 0,9 mét; do vậy sức công phá không thể bằng bom FAB-500 M-62 của Nga. Theo các nhà phân tích, bom AASM-250 phù hợp với cuộc chiến tranh chống nổi dậy, còn FAB-500 M-62 phù hợp cho cuộc chiến tổng lực.
Hiện Không quân Nga có các loại bom dẫn đường cải tiến từ bom thường gồm FAB-250/500/1000/1500. Nhưng loại được Không quân Nga sử dụng nhiều nhất là FAB-500-M54 và FAB-500-M62, chúng mạnh hơn nhiều so với AASM-250 Hammer của Pháp.
Về giá thành, theo thông tin được công khai, giá một quả bom AASM-250 Hammer có giá 250.000 USD/ quả; trong khi một quả bom FAB-500 M54 của Nga có giá khoảng 50.000 USD, cộng với mô-đun dẫn hướng UMPK có giá khoảng 20.000 USD. Như vậy giá của bom Nga rẻ hơn nhiều lần bom của Pháp.
Tầm bay của bom FAB-500 M54 khi trang bị mô-đun cánh lượn là khoảng 60 km, nhưng bù lại máy bay phải thả bom từ độ cao lớn. Việc thiếu động cơ đẩy của bom Nga được bù đắp bằng cánh gấp lớn, khiến bom của Nga rẻ hơn và ít bị phát hiện hơn nhiều; nhưng tầm bay cũng tương đối xa.
Do đó, bom của Nga và Pháp có cự ly bay tương tự như nhau, nhưng khả năng tàng hình của bom Nga tốt hơn bom Pháp, do không bộc lộ bất kỳ tín hiệu nhiệt nào; đồng thời giá thành rẻ hơn.
Tuy nhiên, bom AASM-250 Hammer có độ chính xác cao hơn so với FAB của Nga với UMPC. Chúng không chỉ được trang bị các thiết bị dẫn đường như của bom Nga, mà còn được trang bị đầu dò hồng ngoại; nên có thể tiêu diệt được cả mục tiêu di động. Nhưng đổi lại giá thành lại bị đội lên.
Tuy nhiên mặt trái của động cơ đẩy như đã đề cập, làm cho bom AASM-250 Hammer hiển thị rõ hơn trong phổ hồng ngoại, nên chúng dễ bị radar phát hiện và bắn hạ bởi hệ thống phòng không Tor-M2, Pantsir-S1 và các hệ thống phòng không khác.
Máy bay chiến đấu của Nga cũng có thể tham gia bắn hạ bom AASM-250 Hammer bằng tên lửa không đối không tầm ngắn R-74 và tầm trung R-27ET; khi loại bom này vừa phát xạ hồng ngoại, vừa phản xạ sóng radar.
Hơn nữa, lực lượng không quân chiến thuật Nga có thể đánh chặn các vụ thả bom từ máy bay MiG-29 và Su-27 của Ukraine bằng tên lửa R-37M (tầm bắn lên tới 230 km) và R-77-1 (tầm bắn lên tới 110 km); điều này tiếp tục mang lại lợi thế cho bom dẫn đường của Nga. (Nguồn ảnh: Topwar, Ukrinform, Wikipedia).
Tiến Minh (Theo Topwar)