'Mổ xẻ' những bất cập của mô hình trường đại học ở Việt Nam
Trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, việc tổ chức và hoạt động của mô hình ĐH cũng nảy sinh một số vấn đề vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ ngay về cơ cấu tổ chức của ĐH; mối quan hệ, liên kết giữa các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc trong ĐH.
Ngày 4/6, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Về mô hình tổ chức, hoạt động của các đại học (ĐH) Việt Nam”. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Giáo sư (GS) Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN chủ trì hội thảo.
Hội thảo còn có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Hoàng Minh Sơn; lãnh đạo nhiều trường ĐH của Việt Nam, lãnh đạo một số địa phương và nhiều chuyên gia giáo dục, nhà khoa học.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, theo quy định của Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018 (Luật số 34/2018/QH14) hiện hành, thuật ngữ “ĐH” không chỉ được dùng để chỉ các ĐH với tư cách là “tổ hợp các trường ĐH, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp”, bao gồm các “ĐH quốc gia” và “ĐH vùng” hiện nay, mà còn mở ra hành lang pháp lý cho việc hình thành các ĐH đa ngành, đa lĩnh vực được phát triển lên từ các trường ĐH truyền thống.
Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai thi hành Luật, việc tổ chức và hoạt động của mô hình ĐH cũng nảy sinh một số vấn đề vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ ngay về cơ cấu tổ chức của ĐH; mối quan hệ, liên kết giữa các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc trong ĐH; trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị; những bất cập trong thực thi quy định pháp luật về tự chủ ĐH liên quan đến các hoạt động chuyên môn, học thuật trong đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như trong thực thi quyền tự chủ về tài chính, tài sản.
Tại hội thảo, Giáo sư Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho hay, kể từ năm 2013 đến nay, ĐHQGHN được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong các lĩnh vực tổ chức, hoạt động và đã thực hiện tốt các quyền này. Song đơn vị cũng gặp khó khăn trong việc triển khai mô hình hội đồng các trường ĐH thành viên. Việc phân định mức độ tự chủ của các trường ĐH thành viên trong bức tranh tự chủ chung của ĐHQGHN; việc phân loại tổ chức, cơ chế chính sách về điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc của ĐHQGHN.
“Về cơ chế chính sách và các quy định khác của pháp luật, ĐHQGHN gặp phải các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn đối với các dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Cơ chế chính sách trong việc ký hợp đồng lao động và bổ nhiệm người lao động vào các vị trí quản lý lãnh đạo đối với một số ngành nghề đặc thù có nhiều cán bộ khoa học trình độ cao còn hạn chế, bất cập. Các quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự của ĐHQGHN vẫn chưa được thể chế hóa theo luật định”, GS Lê Quân nói.
Cũng theo GS Lê Quân, tự chủ không có nghĩa là “mặc đồng phục cho các trường”. Tự chủ cho phép các cơ sở đào tạo phát triển những ngành thế mạnh, trong đó có những ngành khoa học cơ bản cần được tập trung đầu tư.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh nêu vấn đề, mô hình tự chủ ĐH của Việt Nam đang có chiều hướng phát triển và đã được cụ thể hóa trong Luật 34. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là việc thực thi tự chủ ĐH ở Việt Nam, đặc biệt là mô hình tự chủ của ĐHQG TP Hồ Chí Minh thì phương thức quản trị nào là phù hợp, có thể mang lại hiệu quả cao? Do đó, lãnh đạo ĐHQG TP Hồ Chí Minh kiến nghị, cần làm rõ một số vấn đề trong mô hình quản trị như: Vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng, đoàn thể; quyền hạn và trách nhiệm, mối quan hệ giữa hội đồng ĐH, giám đốc, hội đồng trường, viện thành viên…
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Chủ tịch Hội đồng ĐH Huế phân tích, tính chính danh của 2 ĐHQG là ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh và 3 ĐH vùng gồm ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế đã được quy định trong Luật 34 do Chính phủ thành lập, nên có sự “khác biệt” với các “trường ĐH” nếu được nâng cấp thành “ĐH” theo tinh thần của Luật 34, như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có thể trở thành ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ có thể trở thành ĐH Cần Thơ. Những “ĐH” này do Hội đồng trường Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Hội đồng trường ĐH Cần Thơ thành lập, không có tư cách pháp nhân, tài khoản và quy chế tổ chức. Hoạt động của các “trường trong trường” này còn khá mới và lúng túng.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, mô hình ĐH 2 cấp có những ưu điểm nổi bật, và là xu hướng chung của các ĐH trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những bất cập, tồn tại, chưa quyết liệt để tạo mô hình gọn nhẹ giảm đầu mối hành chính; các khoa, trường trùng nhau về chuyên môn ngay từ khi thành lập và điều này vẫn đang hiện hữu.
GS Từ Quang Hiển, nguyên Giám đốc ĐH Thái Nguyên đề xuất, hãy mạnh dạn cho ĐH vùng mạnh lên và không cắt xén quyền hạn của trường ĐH thành viên. ĐH thành viên khi vào ĐH vùng thì phải thuận lợi hơn nên phải có cơ chế phù hợp cho trường thành viên phát triển. Đồng thời, phải đầu tư cho ĐH quốc gia và ĐH vùng đến nơi đến chốn, trở thành "ĐH đẳng cấp quốc tế", trong đó phải đầu tư "nâng cấp" đội ngũ nhà giáo, cho đi đào tạo ở nước ngoài nâng cao trình độ...
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, tự chủ ĐH là một chủ trương lớn. Trường ĐH theo mô hình nào thì cũng phải tăng hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao tính cạnh tranh, mục tiêu mang lại những giá trị tốt nhất cho giảng viên, sinh viên. Dù theo mô hình nào thì cũng phải đảm bảo tính hệ thống trong mô hình ĐH quốc gia, mô hình ĐH vùng và tính hệ thống của hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam.
"Phải có quan điểm, nhận thức đúng đắn về tự chủ ĐH. Giá trị của trường ĐH là những giá trị trường mang lại cho xã hội chứ không phải là trường có quyền nhiều hay quyền ít", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ.