Mổ xẻ siêu tàu sân bay bằng băng tuyên chiến với Hitler
Trong Thế chiến 2, Anh thực hiện dự án chế tạo siêu tàu sân bay bằng băng để đương đầu với tàu ngầm U-boat của phát xít Đức. Theo thiết kế, tàu chiến đặc biệt này của Anh dài hơn 609m, rộng hơn 91m và nặng 2 triệu tấn.
Tàu chiến của Anh chịu nhiều thiệt hại do tàu ngầm U-boat và chiến hạm của phát xít Đức gây ra trong Thế chiến 2. Nhằm đối phó với tình hình này, Anh thực hiện một dự án chế tạo siêu tàu sân bay bằng băng có tên Habbakuk.
Theo một số tài liệu, dự án Habbakuk do nhà khoa học Anh Geofrey Pyke đề xuất với Thủ tướng Winston Churchill năm 1942.
Sau khi nghe đề xuất của ông Pyke, Thủ tướng Churchill cho rằng dự án này là ưu tiên lớn nhất của Anh.
Ông Pyke dự định đóng một siêu tàu sân bay dài hơn 609m, rộng hơn 91m và nặng 2 triệu tấn.
Nhà khoa học Pyke cho rằng sử dụng băng để đóng siêu tàu sân bay có nhiều ưu điểm như có thể nổi trên mặt nước, thuận tiện sửa chữa và có thể được sử dụng trong thời gian dài.
Theo thiết kế, siêu tàu sân bay làm từ băng trang bị 40 pháo nòng kép và các pháo phòng không. Siêu chiến hạm này cũng có đường băng dài để máy bay cất và hạ cánh.
Vì vậy, dự án Habbakuk được triển khai với việc các kỹ sư Anh thực hiện đóng một siêu tàu sân bay từ những tảng băng khổng lồ tại hồ Patricia của Canada.
Nguyên mẫu của siêu tàu sân bay làm từ băng dài hơn 18m, rộng 9m và nặng 1000 tấn. Băng được duy trì nhiệt độ để không tan chảy vào mùa hè.
Trong quá trình đóng siêu tàu sân bay làm từ băng, các nhà khoa học Anh gặp một số vấn đề khó khắc phục như đóng tàu với kích thước lớn không khả thi hay tốc độ di chuyển chậm chỉ khoảng 11-12 km/h.
Với những điểm hạn chế trên, cuối cùng dự án Habbakuk bị hủy bỏ dù đã tiêu tốn khoảng 2,5 triệu USD. Nguyên mẫu của siêu tàu sân bay bị bỏ lại và mất tới 3 năm thì băng mới tan chảy hoàn toàn.