Mốc 1.300 điểm, ngưỡng tâm lý với các nhà đầu tư?

Tháng 'Ngâu' đã đi qua nhưng dường như thị trường vẫn đang thử thách sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư khi vẫn chưa bứt hẳn qua ngưỡng 1.300 điểm. PGS. TS Võ Đình Trí - Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp cho rằng, nhà đầu tư có phần lạc quan nhưng cũng còn những yếu tố khiến họ lo ngại.

PGS. TS Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp

PGS. TS Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp

Đặc biệt, thời gian qua khi các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tục, lý do nhiều khi không phải từ nội tại của thị trường Việt Nam, mà là do họ cơ cấu lại danh mục.

Ngoài ra, cũng có nhiều yếu tố mà khiến nhà đầu tư cũng phải cân nhắc trong thời điểm giữa tháng 9 này, nhất là ngày 17-18 tới, Fed sẽ có một cuộc họp quyết định quan trọng về câu chuyện lãi suất, cùng với đó là bối cảnh về kinh tế khác, ví dụ như tình hình kinh tế của Trung Quốc.

“Xét về hiệu suất đầu tư của chỉ số VN-Index so với từ đầu năm đến nay cũng không có chênh lệch nhiều so với các thị trường khác, các chỉ số lớn của Mỹ như S&P 500 hay NASDAQ. Tuy nhiên, chính vì VN-Index chưa tăng được nhiều nên cũng sẽ là một yếu tố mang lại kỳ vọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới”, PGS. TS Võ Đình Trí nhận định.

Về vấn đề giảm lãi suất của Fed, PGS. TS Võ Đình Trí cho biết, giới quan sát quốc tế cũng như các nhà phân tích, khả năng Fed giảm lãi suất trong lần họp tới này gần như chắc chắn. Vấn đề là sẽ giảm bao nhiêu. Hiện nay có hai khả năng giảm ở mức 25 điểm và 50 điểm, nhưng khả năng sẽ giảm 25 điểm sẽ cao hơn. Bởi lẽ vẫn còn những yếu tố chưa thực sự rõ ràng để Fed có thể ra quyết định cắt giảm ở mức cao hơn.

Một cái khó của kinh tế Mỹ lúc này là một nền kinh tế nhiều gam màu trộn lẫn. Ví dụ chỉ số lạm phát ở Mỹ đã giảm, các ngân hàng trung ương khác cũng bắt đầu cắt giảm lãi suất. Nhưng các con số về việc làm của Mỹ như tỉ lệ thất nghiệp đang giảm đi nhưng số người mà yêu cầu giải quyết trợ cấp thất nghiệp trong tháng 8 lại ít hơn kỳ vọng, nên bức tranh thị trường lao động của Mỹ rất bất thường, nhiều gam màu không rõ ràng, vừa có yếu tố tốt đan xen những yếu tố không tốt. Do vậy Fed vẫn còn thăm dò trong đợt tháng 9 này và sau đó có thể có quyết định tiếp theo ở tháng 12.

Về tác động của triển vọng nâng hạng của Việt Nam, PGS. TS Võ Đình Trí cho rằng, việc thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng bởi tổ chức FTSE sẽ tác động tốt tới thị trường. Với những nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý cũng như thị trường Việt Nam như thông tư mới với câu chuyện cung cấp thông tin bằng tiếng Anh, giải quyết được câu chuyện Prefunding… là những động thái tích cực hơn cho thị trường.

“Tôi rất lạc quan về câu chuyện tháng 9 này khi FTSE đánh giá lại các điều kiện của Việt Nam và có thể ích cực ủng hộ Việt Nam trong đợt xếp hạng vào tháng 9/2025”, ông Trí cho hay.

Liên quan đến triển vọng thị trường, PGS. TS Võ Đình Trí cho biết, hiện nay đối với thị trường thế giới vẫn luôn vẫn có hai nhóm rất rõ. Một nhóm lạc quan và một nhóm dè chừng với diễn biến của thị trường. Nhóm dè chừng lo ngại rằng nền kinh tế, đặc biệt thị trường chứng khoán của Mỹ quá nóng và quá tập trung vào trong một số nhóm doanh nghiệp có vốn hóa lớn. Họ lo ngại rằng vẫn còn khả năng kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh cứng.

Trong khi đó, nhóm lạc quan thấy rằng nền kinh tế Mỹ nội tại vẫn mạnh. Nguồn lực kinh tế và các điều kiện kinh tế của thị trường Mỹ vẫn còn rất khỏe để hỗ trợ cho câu chuyện tăng trưởng của thị trường chứng khoán của Mỹ. Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Mỹ cũng chỉ tăng ở mức khoảng 15% - 16%, so với lịch sử có những năm thị trường chứng khoán Mỹ tăng 20% - 30% là câu chuyện đã từng xảy ra, nên khả năng tăng vẫn có thể tiếp tục.

Giới đầu tư cũng kỳ vọng rất nhiều vào trong đợt bầu cử Mỹ sắp tới. Lịch sử cho thấy những năm trước bầu cử và một năm sau bầu cử thường là kinh tế sẽ khởi sắc.

Còn tại Việt Nam cũng đang có nhiều yếu tố thuận lợi, đặc biệt là xu hướng giảm lãi suất của Mỹ cũng như các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, sức ép của USD cũng giảm đáng kể. Câu chuyện về tỷ giá không phải là lo ngại lớn từ nay đến cuối năm. Trong khi đó, câu chuyện thu hút vốn FDI, câu chuyện về xuất khẩu, thặng dư xuất khẩu cũng có yếu tố tích cực. Và đặc biệt, tháng 9 năm nay lại có một quyết định quan trọng của Fed, nên nhà đầu tư sẽ cân nhắc và thận trọng chờ các quyết định này.

PGS. TS Võ Đình Trí khuyến nghị nhà đầu tư nên chờ đợi vì có nhiều yếu tố bất định vào tháng 9, thị trường có biên độ dao động cao... Với những nhà đầu tư thận trọng, giai đoạn này nên ưu tiên yếu tố phòng thủ nhiều hơn, chờ các tín hiệu rõ ràng hơn sau cuộc họp của Fed sắp tới trong tháng 9.

Còn đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp, khi thị trường có những biến động lớn thường thì đó lại là những cơ hội. Đối với những nhà đầu tư không có đủ các điều kiện như những nhà đầu tư chuyên nghiệp nên thận trọng hơn trong tháng 9. Về nhóm ngành, những lĩnh vực vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng là ngân hàng, tài chính, chứng khoán và nhóm bán lẻ.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/moc-1300-diem-nguong-tam-ly-voi-cac-nha-dau-tu-155400.html