Mộc bản Triều Nguyễn tại Lâm Đồng được lưu trữ trên các nền tảng số
Theo thông tin từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, hàng ngàn tấm Mộc bản Triều Nguyễn tại trung tâm hiện đã được ứng dụng AI để lưu trữ và giới thiệu đến người dân, du khách nhờ áp dụng các nền tảng số.

Mộc bản Triều Nguyễn ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV.
Cụ thể, Mộc bản Triều Nguyễn được việc trưng bày ảo trên website Mocban.vn. Bên cạnh đó, trung tâm đã sử dụng công nghệ 3D Mapping là kỹ thuật dùng ánh sáng để tạo hiệu ứng 3D cho bề mặt mà nó tiếp xúc nhằm tạo các khối hình ảnh tương tác trong không gian 3 chiều.
Được biết, Mộc bản Triều Nguyễn có 33.976 tấm, được tạm chia thành hơn 100 đầu sách với nhiều chủ đề như: Lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa - giáo dục, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự, văn thơ.
Là một dạng lưu trữ đặc biệt của Việt Nam và rất hiếm có trên thế giới, Mộc bản Triều Nguyễn được bảo quản nghiêm ngặt và khoa học. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài, đã có khoảng 500 trăm mộc bản đã bị xuống cấp, trong đó 114 mộc bản hư hỏng nặng (chiếm 22,8%) và 386 mộc bản hư hỏng trung bình (chiếm 77,2%). Các tấm mộc bản sau quá trình xử lý hóa học được hong phơi, xử lý hoàn thiện (xử lý vết nứt, vết côn trùng...)
Vào năm 2023, tại TP Đà Lạt (cũ) đã diễn ra Lễ công bố hoàn thành dự án “Bảo tồn khẩn cấp mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV”. Dự án được Quỹ Bảo tồn Văn hóa Đại sứ Hoa Kỳ viện trợ năm 2020 với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhiều cán bộ lưu trữ tay nghề cao, giàu kinh nghiệm.
Chính vì vậy, việc ứng dụng AI và lưu trữ, bảo tồn Mộc bản Triều Nguyễn là một trong những phương pháp tối ưu để “bảo quản” kho tài liệu quý giá này trước áp lực thời gian. Điều này cũng giúp cho công chúng, du khách dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu lịch sử Việt Nam.
Tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, khi du khách tham quan chạm tay lên màn hình, có thể nhìn thấy hình ảnh sinh động về Mộc bản Triều Nguyễn. Khách tham quan cũng có thể xem quy trình biên soạn và khắc in mộc bản gồm các công đoạn tuyển chọn thợ khắc, chuẩn bị vật liệu, biên soạn và khắc, in mộc bản được thể hiện sinh động thông qua công nghệ trình chiếu Hologram.
Được biết, mặc dù Mộc bản Triều Nguyễn được giới thiệu đến đông đảo công chúng nhưng vẫn tuân thủ Luật Lưu trữ năm 2024 và các quy định khác về an ninh mạng, bí mật nhà nước, sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, đảm bảo tính toàn vẹn, chính xác, khách quan của tài liệu được xem là nguyên tắc bất biến nhằm ngăn chặn nguy cơ AI diễn giải sai lệch, xuyên tạc bản chất lịch sử…
Mộc bản được làm chủ yếu bằng kỹ thuật khắc ngược ký tự Hán Nôm trên gỗ để in ra sách được sử dụng phổ biến trong thời kỳ phong kiến. Năm 1975, bộ Mộc bản Triều Nguyễn đã được giao về Cục Lưu trữ Nhà nước, bảo quản tại nhà Dòng Chúa cứu thế. Từ năm 1984 đến nay, Mộc bản Triều Nguyễn được chuyển về bảo quản tại khu biệt điện Trần Lệ Xuân cũ, nay là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.