'Móc túi' bệnh nhân bằng độc quyền phân phối thuốc

Năm 2002, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang thực hiện quy chế đấu thầu các loại dược phẩm điều trị bệnh để đưa vào danh mục sử dụng chung cho toàn ngành, nhằm loại bỏ hiện tượng độc quyền phân phối dược phẩm ở các bệnh viện (BV) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một số y, bác sĩ của BV Phụ sản (PS) Tiền Giang đã không vượt qua được sự cám dỗ hoa hồng do các hãng dược phẩm trích chi để được độc quyền phân phối.

Luôn kê toa bằng loại thuốc đắt tiền

Đầu năm 2006, thông qua danh sách trúng thầu mà ngành y tế đưa sang UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt, có tới hàng chục loại thuốc kháng sinh được phép sử dụng ở các BV, nhưng ở BVPS chỉ ưu tiên sử dụng thuốc kháng sinh hiệu Faclor, còn các hiệu khác chỉ dùng cho những đối tượng có bảo hiểm y tế. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Faclor có giá phân phối là 3.400 đồng/viên, trong khi đó một loại thuốc cùng công năng khác (như Cephalexin 500 mg) chỉ có 500 đồng/viên. Theo phác đồ điều trị tại BVPS Tiền Giang, mỗi sản phụ sau khi sinh phải uống thuốc kháng sinh liên tục trong 8 ngày, mỗi ngày 3 viên, tổng cộng là 24 viên. Với việc ưu ái sử dụng kháng sinh Faclor, BVPS Tiền Giang đã buộc một sản phụ phải chi đến 71.600 đồng sau khi sinh. Nếu sử dụng thuốc Cephalexin thì mỗi sản phụ chỉ tốn 12.000 đồng, khoản chênh lệch 50.000 đồng là một khoản tiền không nhỏ đối với dân nghèo ở nông thôn.

Ưu tiên bán thuốc của chồng sếp

Theo điều tra của chúng tôi, mỗi tháng BVPS trực tiếp sử dụng khoảng trên 10.000 viên Faclor, đó là chưa kể con số các y, bác sĩ kê toa bảo người nhà bệnh nhân ra quầy thuốc đặt bên trong khuôn viên BV mua sử dụng theo chỉ định. Ngoài thuốc kháng sinh Faclor, BVPS còn ưu tiên sử dụng thuốc chống ói cho trẻ sơ sinh và sản phụ hiệu AIR-S. Cả hai loại thuốc này đều do một người đàn ông tên Liêm cung cấp. Ngoài lượng thuốc đưa vào BV sử dụng trực tiếp, người đàn ông này còn gởi tại quầy thuốc trong khuôn viên BV một lượng lớn để bán theo toa của các y, bác sĩ. Theo những thông tin mà chúng tôi có được, người đàn ông tên Liêm là chồng của thạc sĩ Cao Hoàng Oanh, Phó Giám đốc BVPS Tiền Giang. Vì vậy, các y, bác sĩ ở BVPS Tiền Giang mới xì xào bảo đó là thuốc của bà phó giám đốc, cần phải ưu tiên kê toa để giữ tình cảm với cấp trên. Để các y, bác sĩ ưu tiên kê toa hai loại thuốc của mình, hằng tháng ông Liêm chấp nhận bồi dưỡng 600.000 đồng vào tài khoản Công đoàn BVPS Tiền Giang. Theo một cán bộ BVPS Tiền Giang, số tiền mà ông Liêm nộp cho Công đoàn chỉ là con số lẻ, không thấm gì so với khoản hoa hồng 10% trên doanh số thuốc đã tiêu thụ cho một vài cá nhân có quyền thế ở đây. Bình quân mỗi năm, BVPS Tiền Giang có doanh số trên 4 tỉ đồng thuốc các loại.

Những bất thường ở cổng sau

Ngay sau khi tách ra từ BV Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, Ban Giám đốc đã chỉ đạo bảo vệ không cho xe ra vào BV ở cổng chính trên đường Hùng Vương mà buộc tất cả bệnh nhân và thân nhân vào BV phải đi bằng cổng phụ nằm trên đường Thủ Khoa Huân. Lúc đầu, ai cũng thấy việc mở cổng sau là nhằm vào mục đích độc quyền khai thác bãi giữ xe. Sau đó, người ta mới vỡ lẽ đây là đường đi ngắn nhất từ BVPS Tiền Giang đến BV tư nhân Anh Đức. Theo một số CB-CNV BV, Giám đốc BVPS Trương Thị Phương chủ trương mở cổng sau để có đủ điều kiện hỗ trợ BV tư nhân còn non trẻ Anh Đức bằng cách tăng cường những kíp mổ có trình độ chuyên môn cao giúp BV này giải quyết những ca sinh bằng phẫu thuật theo yêu cầu của sản phụ. BVPS Tiền Giang còn cho BV Anh Đức mượn dụng cụ phẫu thuật trong thời gian dài. BVPS Tiền Giang còn là nơi đứng ra khắc phục những “sự cố” lâm sàng của BV Anh Đức, cũng như chuyển sang đây chăm sóc dịch vụ sau khi sinh. Theo điều tra của chúng tôi và nội dung đơn tố cáo của tập thể CB-CNV BV, giữa bác sĩ Phương và chủ nhân BV Anh Đức có mối quan hệ mật thiết: Chủ BV Anh Đức là em chồng của bác sĩ Phương.

Làm rõ 6 trường hợp tử vong

Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, đoàn thanh tra BVPS Tiền Giang đang tiến hành làm rõ nguyên nhân tử vong 6 trường hợp sản phụ và trẻ sơ sinh xảy ra tại BV này trong thời gian từ tháng 7-2006 đến tháng 2-2007. Cụ thể:

- Ngày 3-7-2006, sản phụ Phan Thị Kim Loan (36 tuổi, ngụ phường 3, TP Mỹ Tho) khi sinh bằng phương pháp mổ bắt con đã tử vong.

- Ngày 7-7-2006, sản phụ Nguyễn Thị Bình (29 tuổi, ngụ xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho) tử vong tại BVPS Tiền Giang.

- Ngày 10-12-2006, sản phụ Trần Thị Hằng (32 tuổi, ngụ xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo) sau khi mổ bắt con truyền đến... 3 lít máu thì bị tử vong.

- Ngày 3-1-2007, chị Lê Thị Bé Chín (ngụ xã Tân Phong, huyện Cai Lậy), khi được chuyển đến phòng mổ của BVPS để mổ bắt con, sau đó chuyển sang khoa nhi BV Đa khoa thì trẻ tử vong.

- Ngày 6-1-2007, chị Phùng Thị Phương Hiếu (ngụ xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, Tiền Giang) khi sinh con tại BVPS, con chị tử vong sau khi sinh mổ.

- Sản phụ Huỳnh Lê Yến Ly (35 tuổi, ngụ phường 6, TP Mỹ Tho) mổ bắt con và tử vong lúc 19 giờ ngày 25-1-2007.

Hoàng Hùng - Minh Sơn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phong-su-ky-su/moc-tui-benh-nhan-bang-doc-quyen-phan-phoi-thuoc-188031.htm