Mời Chủ tịch Trung Quốc về quê ngoại, Tổng thống Pháp thể hiện 'ngoại giao quyến rũ'
Chuyến đi tới vùng núi Pyrenees đã tạo cơ hội cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trò chuyện trực tiếp để giải quyết các khác biệt về thương mại và chính sách đối ngoại.
Ngày 7/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới vùng núi Pyrenees ở miền Nam nước Pháp. Đây là một hoạt động đặc biệt ngoài các chương trình nghị sự chính tại Paris trong chuyến thăm Pháp từ ngày 5-7/5 của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Tạo bầu không khí thân thiện, cởi mở
Điểm đến vùng núi Pyrenees là nơi có nhiều ý nghĩa với Tổng thống Macron vì đây là nơi sinh của bà ngoại ông. Đây cũng là nơi ông và phu nhân Brigitte thường xuyên có các kỳ nghỉ Hè và nghỉ Đông, leo núi và trượt tuyết.
Đây được coi là một cử chỉ “đáp lễ” sau khi ông Tập Cận Bình năm ngoái đã mời ông Macron tới dinh thự của thống đốc tỉnh Quảng Đông, nơi cha của vị Chủ tịch Trung Quốc từng sinh sống.
Các cố vấn của Tổng thống Pháp mô tả chuyến đi Pyrenees là chuyến đi phá vỡ nghi thức ngoại giao thông thường để hai nhà lãnh đạo có cơ hội trò chuyện trực tiếp mà không có nhiều trợ lý, cố vấn vây quanh.
Một trong những mục tiêu chính trong chuyến đi của ông Macron là thuyết phục ông Tập Cận Bình giảm bớt sự mất cân bằng thương mại giữa hai khu vực, mang lại khả năng tiếp cận tốt hơn cho các công ty châu Âu ở Trung Quốc và giảm thiểu trợ cấp cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
Thể hiện sự nhiệt tình của chủ nhà, Tổng thống Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte Macron đã chào đón Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện tại sân bay trong thời tiết lộng gió.
Tiếp đó, hai nhà lãnh đạo và hai phu nhân đã tới nhà hàng "L'Etape du Berger" tại Col du Tourmalet. Sau khi xem các vũ công địa phương trình diễn điệu múa truyền thống, họ đã thưởng thức các đặc sản địa phương như thịt cừu, jambon, pho-mát, rượu vang và bánh việt quất.
Trái ngược với thời tiết mưa tuyết lạnh giá ở bên ngoài, bữa trưa tại vùng núi tuyết mang bầu không khí thân thiện, ấm áp, cởi mở và thẳng thắn. Chủ tịch Trung Quốc dành lời khen ngợi cho jambon và pho-mát ở đây. Tại đây, ông Macron đã tặng ông Tập Cận Bình một chiếc chăn len được sản xuất tại Pyrenees, một chiếc áo thi đấu Tour de France và chai rượu armagnac có xuất xứ gần đó - một loại rượu mạnh đang có nguy cơ bị trừng phạt thương mại của Trung Quốc.
Với những nỗ lực và sự tiếp đón thịnh tình tại Pháp, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết ông hoan nghênh nhiều cuộc đàm phán cấp cao hơn về xung đột thương mại giữa hai nước..
Bên lề chuyến thăm, ngày 6/5, các công ty Pháp và Trung Quốc đã ký kết một số thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực từ năng lượng, tài chính cho đến vận tải. Trong đó, đáng chú ý là thỏa thuận giữa tập đoàn Orano của Pháp và công ty Năng lượng mới vonfram Hạ Môn của Trung Quốc nhằm thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu” trong ngành công nghiệp pin. Ngoài ra còn có biên bản ghi nhớ giữa công ty Fives của Pháp và công ty Envision của Trung Quốc về hợp tác lắp ráp pin ở Pháp; hợp đồng cung cấp hệ thống điện kéo giữa công ty Alstom và Tập đoàn New United cho các tuyến tàu điện ngầm ở Bắc Kinh và Vũ Hán; hợp đồng giữa thành phố Đông Quan và tập đoàn Suez của Pháp về xử lý bùn thải đô thị...
Theo tuyên bố mới đây từ Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp Pháp, Trung Quốc sẽ cho phép nhập khẩu ngay lập tức thức ăn protein có nguồn gốc từ lợn cũng như nội tạng lợn từ Pháp. Cả hai bên đồng ý “tăng cường trao đổi” về việc mở cửa thị trường mỹ phẩm Trung Quốc cho các công ty Pháp, nhằm đáp ứng nhu cầu kinh tế lâu đời của châu Âu.
Xây dựng mối quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo
Đây không phải lần đầu ông Macron cố gắng thiết lập các mối quan hệ cá nhân bên ngoài quan hệ ngoại giao lễ nghi với các nhà lãnh đạo, ngay cả với những người có nhiều quan điểm khác biệt, nhằm nỗ lực giao hảo giảm thiểu bất đồng.
Lời mời ông Tập Cận Bình đến vùng núi Pyrenees gợi nhớ đến việc ông Macron cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump dự lễ diễu bình Ngày Quốc khánh Pháp vào năm 2017, hay chuyến đi cùng người đồng cấp Nga Vladimir Putin tới nơi nghỉ dưỡng mùa Hè ở pháo đài Bregancon của Tổng thống Pháp ở phía Đông Nam nước Pháp vào năm 2019.
Rõ ràng, ông Macron đã rất cố gắng để tạo dấu ấn cá nhân trong chính sách đối ngoại với các đối tác quan trọng với nước Pháp.
Ông Bertrand Badie, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Sciences Po Paris (Pháp), nhận định “ngoại giao quyến rũ” với những cử chỉ thân thiện thể hiện tình cảm cá nhân thường là lợi thế của Tổng thống Emmanuel Macron.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát mong chờ những kết quả hơn thế. Ông Hosuk Lee-Makiyama, Giám đốc tổ chức nghiên cứu ECIPE có trụ sở tại Brussels, kỳ vọng chuyến thăm Pháp của ông Tập Cận Bình đạt được những tiến bộ cụ thể về thương mại nhằm tạo ra một số không gian chính sách mà hai nước có thể cần nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11.
“Đó là vì lợi ích của cả hai bên, việc cần làm là giải quyết một số vấn đề thực tế trước tháng 11/2024. Cả ông Macron và ông Tập Cận Bình đều không muốn một 'cuộc chiến' trên hai mặt trận”, ông Hosuk Lee-Makiyama nhận định.
Theo dữ liệu của Ủy ban châu Âu, 27 thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã thâm hụt thương mại 396 tỷ Euro (tương đương 426,25 tỷ USD) với Trung Quốc vào năm 2022. Con số này cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 250,3 tỷ Euro vào một năm trước đó.
Các nhà sản xuất rượu cognac của Pháp đã tham dự hội nghị kinh doanh hai nước vào ngày 7/5 khi ông Tập Cận Bình có bài phát biểu mà ông Macron mô tả là “thái độ cởi mở” đối với tranh chấp thương mại giữa hai nước.