Mới có 1,86% doanh nghiệp tìm hiểu tương đối kỹ về CPTPP
Dù 86% doanh nghiệp đã biết hoặc tìm hiểu về CPTPP, nhưng mới chỉ có khoảng 1,86% doanh nghiệp tìm hiểu tương đối kỹ về Hiệp định.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương về kết quả thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”, ngoại trừ Australia giảm và Singapore giữ mức tương đương (do Việt Nam đã ký FTA với 2 nước này trước đó), xuất khẩu sang các thị trường khác trong năm 2019 đều tăng mạnh so với năm trước. Trong 6 đối tác đã thực thi CPTPP, xuất khẩu sang Canada tăng mạnh nhất (29,8%), sau đó là Mexico (26,3%).
Bộ Công Thương đánh giá, kết quả thực thi Hiệp định CPTPP trong vòng một năm kể từ khi chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam là tích cực. Điều này càng khẳng định sự phù hợp với những dự báo và đánh giá về tác động của Hiệp định đối với Việt Nam được đưa ra trước đây. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc thực thi CPTPP vẫn còn một số tồn tại.
Cụ thể, theo báo cáo của các địa phương, chỉ có khoảng 40% số tỉnh, thành phố có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước thành viên CPTPP. Nhiều tỉnh, thành phố cho biết số lượng doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm đến thị trường các nước thành viên CPTPP còn khiêm tốn.
Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, khoảng 86% doanh nghiệp đã biết hoặc tìm hiểu về Hiệp định CPTPP, trong đó chỉ có khoảng 1,86% doanh nghiệp tìm hiểu tương đối kỹ về CPTPP. Dù các hội thảo, hội nghị được tổ chức khá nhiều và đa dạng nhưng sự thờ ơ của các doanh nghiệp đã ảnh hưởng đáng kể đến khả năng nắm bắt và tận dụng các cơ hội do Hiệp định CPTPP đem lại.
Về kết quả thực hiện các FTA, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA (ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia-New Zealand, Chile và Liên minh kinh tế Á - Âu) năm 2019 là 123,11 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2004, Việt Nam mới có 2 đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 7 tỷ USD.
Xét về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân sang các thị trường đối tác FTA kể từ khi có Hiệp định FTA thì Ấn Độ đạt bình quân 35,7%/năm, Hàn Quốc đạt 29,2%/năm, Chile 28,9%/năm và Trung Quốc 20,9%/năm.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các thị trường đối tác FTA của Việt Nam năm 2019 là 186 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2004, Việt Nam mới có 2 đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 12,4 tỷ USD. Như vậy, về tổng thể, Việt Nam vẫn nhập siêu từ các thị trường có FTA.