Mỗi con tàu của ngư dân không chỉ là mưu sinh mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng!
Loạt bài Tàu vỏ thép 67: 'Thuyền to, thiệt hại kép', theo những người thực hiện, tác giả Đình Thiệu và nhóm phóng viên VOV miền Trung, giúp thính giả, độc giả có cái nhìn toàn diện, đa chiều về những con tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ, 'đánh bắt không hiệu quả, chủ tàu vỡ nợ'.
Trong khi đó, từ bao đời nay, ngư dân gắn bó với nghề biển như máu thịt. Mỗi con tàu của ngư dân đánh bắt trên biển không chỉ là vì mưu sinh mà còn góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Quá trình thực hiện công phu, không chỉ nêu lên những bất cập tồn tại mà còn đề xuất giải pháp, loạt bài này đã được trao Giải B Giải Báo chí Quốc gia năm 2022 và được công chúng nhiệt thành đón nhận.
Đỉnh điểm về số phận tàu vỏ thép 67
Giữa tháng 3/2022, một tàu vỏ thép ở tỉnh Quảng Ngãi đóng từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) được đưa ra bán đấu giá để thi hành án vì chủ tàu vỡ nợ.
Con tàu gần 14 tỷ đồng mới hoạt động vài năm, chỉ bán đấu giá 2 tỷ đồng nhưng cuộc đấu giá bất thành vì không có người mua. Cả nước có hơn 1.000 tàu cá, trong đó 335 tàu vỏ thép được đóng mới từ vốn vay theo Nghị định 67. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác, nhiều chủ tàu đã lâm cảnh nợ nần, phá sản…
Nhà báo Đình Thiệu và nhóm tác giả VOV miền Trung đã đi thực tế và thực hiện loạt phóng sự Tàu vỏ thép 67: “Thuyền to, thiệt hại kép” phản ánh thực trạng trên cũng như thay những người ngư dân chất phác nói lên tiếng lòng của họ.
Theo tác giả Đình Thiệu, đối với “tàu vỏ thép 67”, từ khi có chủ trương, con tàu đầu tiên đóng mới được hạ thủy cách đây 8 năm, anh và nhóm phóng viên đã theo dõi và thực hiện các phóng sự về số phận các con tàu. Những chuyến biển đầu tiên tàu gặp trục trặc, hư hỏng máy đã dấy lên mối lo ngại về số phận những con tàu vỏ thép 67. Đặc biệt, vào năm 2017, hàng loạt con tàu vỏ thép 67 của ngư dân tỉnh Bình Định mới đóng đi được vài chuyến biển đã hỏng phải nằm bờ khiến nhiều chủ tàu lâm cảnh nợ nần. Một số cơ sở đóng tàu “qua cầu rút ván”, khi xảy ra sự cố kỹ thuật thì tìm cách đẩy khó xuống ngư dân, thoái thác trách nhiệm.
“Đề tài chúng tôi đề cập lần này là đỉnh điểm về số phận tàu vỏ thép 67, liên quan cuộc sống nhiều ngư dân, chủ tàu. Tàu vỏ thép 67 đánh bắt không hiệu quả, chủ tàu vỡ nợ, bị khởi kiện ra tòa không đơn thuần là tranh chấp dân sự bình thường mà liên quan đến một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Cả chủ tàu và ngân hàng cho vay đều bị thiệt hại. Ngư dân lâm vào bước đường cùng, vô gia cư, còn ngân hàng không thu hồi được vốn vay. Điều này đã lộ ra những lỗ hổng lớn trên con tàu vỏ thép 67. Điều quan trọng là lãnh đạo cơ quan đã kịp thời chỉ đạo chúng tôi đi sâu tìm hiểu thực tế, lên đề cương và kế hoạch triển khai thực hiện loạt phóng sự này”, nhà báo Đình Thiệu nói.
Nhà báo Đình Thiệu và cộng sự đã mất hơn 1 tháng đi khắp các làng chài ven biển miền Trung, gặp gỡ với nhiều chủ tàu, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy sản để nắm bắt và phân tích sâu về thực trạng này.
Anh gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin vì vào thời điểm đó, nhiều chủ tàu đã vỡ nợ, nhà cửa bị ngân hàng siết, họ phải đi thuê nhà ở hoặc chạy đôn chạy đáo khắp nơi để làm ăn. Một số người không còn tàu phải xin đi bạn (làm thuê) cho các tàu cá khác để kiếm sống.
“Mỗi chuyến đi biển kéo dài cả tháng, chúng tôi phải đợi họ về mới gặp được nhân vật. Thậm chí có chủ tàu bỏ xứ đi vào miền Nam để trốn nợ, đi làm thuê, làm mướn đủ nghề tận phía Nam xa xôi. Chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian, tìm mọi cách mới kết nối được với các chủ tàu. Khó khăn hơn nữa là khi làm việc với các đơn vị ngân hàng cho vay, họ tìm cách né tránh, viện nhiều lý do để từ chối cuộc gặp. Vì vậy, để thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian, đi lại nhiều lần mới thu thập đầy đủ thông tin cho bài viết” - anh Đình Thiệu chia sẻ.
Buồn, lo và tiếc nuối!
Nội dung của Loạt phóng sự này đã nói lên tâm tư, nguyện vọng của các chủ tàu 67, phía ngân hàng cho vay, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. Với loạt phóng sự “Tàu vỏ thép 67: Thuyền to, thiệt hại kép”, giúp thính giả, độc giả có cái nhìn toàn diện, đa chiều về những con tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Nhóm tác giả mạnh dạn nêu lên những bất cập tồn tại và đề xuất giải pháp “cứu tàu vỏ thép 67”. Mong muốn chính quyền, cơ quan chức năng địa phương và các bộ ngành Trung ương, Chính phủ cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn để những con tàu này tiếp tục vươn khơi đánh bắt, hiện thực hóa mục tiêu hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ.
Nhà báo Đình Thiệu chia sẻ, trong quá trình thực hiện tác phẩm, trong anh có rất nhiều cung bậc cảm xúc, vừa buồn, vừa lo và tiếc nuối. Buồn và lo vì một chủ trương lớn về chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển nhưng lộ ra nhiều lỗ hổng lớn từ khâu giám sát thi công, thẩm định năng lực cơ sở đóng tàu, thiết kế, hợp đồng tín dụng, phương án trả nợ, giám sát hiệu quả chuyến biển, kể cả giải quyết tranh chấp và để lại hậu quả quá lớn
Tiếc nuối là vì trước khi lâm cảnh nợ nần, tán gia bại sản, các chủ tàu vỏ thép 67 từng là ngư dân giỏi, một thời lẫy lừng ở các làng biển miền Trung nay trở thành người vô gia cư. Họ còn là những hạt nhân, tấm gương nông dân sản xuất giỏi được tuyên dương. Trước khi tham gia vay vốn đóng tàu vỏ thép 67, họ từng có đội tàu vỏ gỗ mạnh, có người vài ba chiếc trở lên đánh bắt hiệu quả. Nhờ tàu vỏ gỗ họ đã xây dựng nên cơ nghiệp, nhà cửa khang trang. Vì dính vào con tàu vỏ thép 67, bây giờ họ trở nên tay trắng và không còn cơ hội để sửa sai vì phần lớn họ đã lớn tuổi.
“Điều mà chúng tôi thấy vô lý nhất là chuyện sổ đỏ của ngư dân. Theo quy định, tài sản thế chấp để vay vốn chính là con tàu, vậy mà một số Ngân hàng thu luôn cả sổ đỏ nhà đất của ngư dân để làm thế chấp. Đến khi chủ tàu vỡ nợ, ra tòa, ngân hàng siết luôn cả nhà ở lẫn sổ đỏ, đẩy ngư dân ra đường.
Tôi cứ ám ảnh mãi hình ảnh ông Lê Chí Thức - chủ một tàu vỏ thép ở tỉnh Quảng Ngãi, nhân vật mà chúng đã đề cập trong phần đầu của loạt bài. Khi gặp chúng tôi, vừa nói ông vừa khóc tức tưởi, ấm ức như bị dồn nén bấy lâu mà không biết kêu ai. Trước khi chúng tôi ra về, ông cứ nắm lấy tay chúng tôi mà nói: năm nay chú đã 70 tuổi rồi, “trăm sự nhờ các cháu”, làm sao giúp chú lấy lại cái sổ đỏ nhà ở để chú có nhà ở những ngày cuối đời. Chúng tôi day dứt mãi”, nhà báo Đình Thiệu bày tỏ.
Loạt phóng sự “Tàu vỏ thép 67: Thuyền to, thiệt hại kép” sau khi được phát sóng trên Chương trình Thời sự VOV1 và đăng trên Báo điện tử vov.vn của Đài Tiếng nói Việt Nam đã tạo hiệu ứng rất mạnh mẽ và nhận được phản hồi tích cực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều nội dung quan trọng được nêu trong Loạt phóng sự như: cơ cấu lại khoản nợ, cách tính lãi suất, nợ xấu và thời gian trả nợ của chủ tàu đối với ngân hàng cho vay; Nâng mức hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, thuyền viên; Hỗ trợ một lần đối với tàu sửa chữa, đăng kiểm; Quy định chuyển đổi chủ tàu… cũng được đưa vào Dự thảo Nghị định mới.
Hy vọng từ nay, mỗi “con tàu 67” vươn khơi sẽ mang lại nguồn lực kinh tế cho ngư dân, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước hùng mạnh cũng như khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.