Mọi công dân đều phải thượng tôn pháp luật
Trong hai ngày 14 - 15/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở hai phiên tòa xét xử sơ thẩm ba bị cáo: Phạm Thị Đoan Trang (sinh năm 1978, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội), Trịnh Bá Phương (sinh năm 1985) và Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1972, cùng trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) về hành vi tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các bản án Tòa đã tuyên đối với ba bị cáo này là những lời khẳng định rõ ràng: Mọi công dân đều phải thượng tôn pháp luật.
Từ góc nhìn tiêu cực...
Trong vụ án Phạm Thị Đoan Trang, cơ quan tố tụng xác định: Trong khoảng thời gian từ ngày 16/11/2017 đến ngày 5/12/2018, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, bị cáo Đoan Trang còn trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân.
Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, hành vi của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang đã xâm phạm khách thể là an ninh quốc gia, với động cơ mục đích phạm tội là nhằm chống phá chính quyền, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước… Bị cáo là người có tư tưởng tiêu cực, chủ ý chống đối đường lối, chủ trương của Nhà nước. Các sự kiện chính trị, các chính sách pháp luật của Nhà nước đều bị Phạm Thị Đoan Trang phản ánh một cách tiêu cực, phiến diện, một chiều.
Trong tham gia giao thông, mặc dù quyền của công dân là được tự do đi lại, nhưng việc đi lại đó phải tuân thủ theo quy định của Luật An toàn giao thông. Luật quy định đi bên phải đường. Người tham gia giao thông không thể vin vào cớ tự do đi lại mà tùy ý đi bên trái đường. Mọi người có thể tự do đi trên đường, nhưng việc tự do đó vẫn buộc phải theo khuôn khổ pháp luật cho phép, nếu vượt ra ngoài hành lang này, tai nạn giao thông rất dễ xảy ra và đương nhiên người vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt.
Tương tự, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật quy định. Theo đó, khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, công dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ nhà nước, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác. Trong đó, pháp luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện quyền tự do báo chí, gồm: Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông tin có nội dung xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; gây chiến tranh tâm lý; gây chia rẽ các tầng lớp nhân dân…
Trong vụ án này, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang bị xác định là đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, để tự do chà đạp lên các quy định của pháp luật, nhằm xâm phạm trật tự an ninh quốc gia, tuyên truyền, kích động chiến tranh tâm lý, gây hoang mang trong nhân dân, thể hiện mục đích chống phá, bôi nhọ, xuyên tạc đường lối chính sách… Trong các sự kiện, bị cáo Đoan Trang đều nhìn nhận dưới góc cạnh tiêu cực và tuyên truyền sự tiêu cực đó, lôi kéo một số phần tử cực đoan cùng tham gia chống đối. Bị cáo không nhìn nhận và đánh giá khách quan thành quả của sự kiện mà chỉ chăm chăm vào sự tiêu cực để phản đối, để xuyên tạc và tuyên truyền, khiến dư luận nhân dân hoang mang.
Đến tuyên truyền, kích động cho hành vi sai trái
Vào các ngày 9, 10, 11/01/2020, lực lượng quân đội thực hiện xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn và Công an thành phố Hà Nội thực hiện công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Lợi dụng mạng xã hội Facebook, mặc dù không có mặt, không chứng kiến sự việc xảy ra và không có quyền, lợi ích gì liên quan tại Đồng Tâm, nhưng Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm đã cố ý liên tục thực hiện việc phát trực tiếp các video, đăng tải các bài viết, trạng thái, chia sẻ trên tài khoản cá nhân "Trịnh Bá Phương", "Nguyễn Thị Tâm", "Tâm Dương Nội" các nội dung liên quan đến sự việc ở xã Đồng Tâm.
Các thông tin và nội dung phát tán, chia sẻ này đã xuyên tạc, bịa đặt tình hình diễn ra tại Đồng Tâm, phỉ báng chính quyền, kích động nhân dân chống đối chính quyền, thóa mạ, hạ uy tín lực lượng chức năng, xúc phạm uy tín danh dự của người khác, gây hoang mang trong nhân dân nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quá trình điều tra, bị cáo Trịnh Bá Phương không khai nhận hành vi và giữ quyền im lặng. Nhưng tại phiên tòa, bị cáo công khai đả phá Đảng và chính quyền, nói xấu các lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ… Điều này thể hiện rất rõ ràng quan điểm, tư tưởng của bị cáo Phương có thái độ chống phá quyết liệt Đảng và Nhà nước.
Về phần mình, bị cáo Nguyễn Thị Tâm khai: khi xảy ra sự việc tại Đồng Tâm, bị cáo có sự đồng cảm nên đã có một số bài viết để chia sẻ. Bị cáo không đến Đồng Tâm, không có người nhà hay quyền lợi gì ở Đồng Tâm. Bị cáo đăng tải các bài viết là lấy thông tin trên mạng và suy diễn theo nhận thức của mình mà không được kiểm chứng. Bị cáo Tâm thừa nhận hành vi của mình là sai, bị cáo ăn năn hối cải, xin rút kinh nghiệm và không tái phạm, đồng thời xin Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho mình.
Hai bị cáo Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm thực hiện hành vi phạm tội trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội đang diễn biến phức tạp tại xã Đồng Tâm. Chính quyền, hệ thống chính trị ở địa phương và các lực lượng chức năng đang nỗ lực tập trung giải quyết ổn định tình hình "điểm nóng" này nên mức độ tác động của các thông tin, nội dung xuyên tạc, bịa đặt phát tán trên mạng xã hội đã gây hậu quả rất nghiêm trọng. Các thông tin và nội dung phát tán của bị cáo Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm đã thu hút nhiều lượt người xem, tương tác, chia sẻ, bình luận có nội dung tiêu cực, phản đối chính quyền, các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, vu cáo chính quyền vi phạm dân chủ, nhân quyền.
Trong khi đó, chính những người trong cuộc của vụ án Đồng Tâm - những bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ" xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đều đã thừa nhận hành vi sai trái của mình.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đồng Tâm, từ phần xét hỏi, tranh luận đến khi nói lời sau cùng, hầu hết các bị cáo đều chủ động bày tỏ sự hối hận và nói lời xin lỗi với gia đình 3 cán bộ, chiến sĩ Công an đã hy sinh. Giải thích cho hành vi phạm pháp của mình, nhiều người cho rằng do họ có nhận thức pháp luật hạn chế, do bị lôi kéo, dụ dỗ nên đã mù quáng đi theo... Tự họ nhận thấy hành vi phạm tội của mình là rõ ràng, không thể chối cãi, không cần thiết phải bào chữa thêm, không cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Từ nhận thức đó, họ ý thức được hành vi của mình và hứa sẽ trở thành công dân tốt, cam đoan về sau sẽ không bao giờ vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Nhà nước.
Nói lời sau cùng tại Tòa, bị cáo Bùi Thị Đục xin nhận hết tội, xin được tha lỗi và hứa sẽ không bao giờ vi phạm pháp luật nữa. Bị cáo đề nghị các luật sư dừng bào chữa và xin các gia đình bị hại tha lỗi cho bị cáo.
Bị cáo Lê Đình Quân cho rằng mình bị dụ dỗ nên đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Bị cáo đề nghị các luật sư không bào chữa cho bị cáo nữa và mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Tương tự bị cáo Lê Đình Quân, các bị cáo: Nguyễn Thị Bét, Mai Thị Phần, Nguyễn Văn Tuyển, Bùi Văn Niên... cũng cho rằng do thiếu hiểu biết nên các bị cáo đã bị lôi kéo thực hiện hành vi sai trái. Nhận thức được sai phạm của mình, các bị cáo xin lỗi gia đình bị hại, đồng thời cam đoan sẽ luôn chấp hành các quy định của Nhà nước, của pháp luật. Các bị cáo mong được hưởng khoan hồng để có mức án thấp nhất, sớm có cơ hội quay trở về với gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội.
Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý thích đáng. Mọi hành động sai trái, lợi dụng quyền tự do cá nhân để chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích quốc gia, xâm hại quyền và lợi ích của người khác… đều bị lên án và có hình phạt tương xứng. Công dân ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều phải thượng tôn pháp luật. Tôn trọng và chấp hành theo quy định của pháp luật cũng chính là tôn trọng quyền và nghĩa vụ mà công dân đó được pháp luật trao cho.