Mỗi cuộc khủng hoảng đều tạo ra một di sản và Covid-19 cũng không ngoại lệ
Thị trường thế giới từ sau Covid-19 sẽ không còn như ngày hôm qua. Nhưng đó không phải là dự cảm cho những điều tồi tệ.
Covid-19 được xem là một cú sốc toàn cầu và có tính cấu trúc chứ không phải tạm thời và cục bộ. Gọi là cú sốc cấu trúc vì có thể sẽ tạo ra nhiều thay đổi lớn đối với nền kinh tế, thậm chí, nhiều lĩnh vực sẽ không quay về trạng thái cân bằng trước đó. Nhiều ngành nghề sẽ thay đổi từ cách làm việc, mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất.
Khác với những cú sốc tiền tệ, chứng khoán, giá dầu, khi thị trường chỉ mất một thời gian ngắn để phục hồi, lần này, COVID-19 đẩy mọi nền kinh tế vào thế thủ, làm đứt tất cả các chuỗi liên kết cung cầu, vốn là thành quả của toàn cầu hóa hàng chục năm qua. Có thể nói, thị trường thế giới từ COVID-19 sẽ không còn như ngày hôm qua. Nhưng đó không phải là dự cảm cho những điều tồi tệ.
Đại học Paris Dauphine nhận định: "Các kế hoạch chấn hưng kinh tế'' hậu COVID-19 sẽ khiến thế giới thôi bám chặt lấy phương thức tăng trưởng dễ dãi bất chấp các hệ quả về sinh thái, khí hậu, môi trường và xã hội. Còn với doanh nghiệp, những thay đổi hậu COVID-19 sẽ là xúc tác cho một tư duy mới, dám chấp nhận từ bỏ các thói quen và cách vận hành theo quán tính.
20 năm qua, cấu trúc kinh tế thế giới vẫn mặc định hai cực với một bên là Mỹ, châu Âu tiêu thụ và phần còn lại cung cấp đầu vào chủ yếu là Trung Quốc để đảm bảo cho tiêu dùng được giữ ở giá thấp nhất. Mỗi năm, Trung Quốc đều đặn cung ứng cho thị trường thế giới một khối lượng hàng hóa khổng lồ trị giá hơn 2.000 tỷ USD. Nhưng COVID-19 đang thổi lên tư duy giảm phụ thuộc đã nhen nhóm những năm gần đây.
Không cải thiện năng lực sản xuất, doanh nghiệp không những gặp rủi ro phụ thuộc mà hoàn toàn có thể bị xóa sổ. "Hai nhà máy điện than lớn ở Vương quốc Anh đóng cửa trong một ngày" - tít báo đầy phấn khởi trên CNBC ngày 1/4 có thể đã lạc giữa rừng thông tin về các ca nhiễm COVID-19. Bầu trời New Dehli, Hà Nội đã lâu lắm mới thấy lại trời xanh, dãy Himalaya sau 30 năm mới lộ diện. Tất cả là vì môi trường được "thở" khi nhà máy đóng cửa.
COVID-19 chính là dịp để rất có thể, chính sách tới đây của các chính phủ sẽ quyết liệt hơn cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững, vốn chỉ là chuyện đem bàn khi đến hẹn lại lên. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp nhìn trước được những nhu cầu mới sẽ trở thành ưu tiên của ngày mai.
Một nền kinh tế thâm dụng lao động và tài nguyên đang bên sườn dốc thì một nền kinh tế khác lại nổi lên. Thế giới và mọi hoạt động của cuộc sống con người đang bị thay đổi bằng một cuộc "di dân" lên không gian số. Không phải đến đại dịch COVID-19 mà kỷ nguyên này đã bắt nguồn từ cuộc cách mạng 4.0, COVID-19 chỉ là tác nhân thúc đẩy.
Thời kỳ chuyển tiếp từ offline lên online mà từ người dân cho đến doanh nghiệp vẫn cứ ung dung, có thể sẽ được ngay lập tức được định hình. Hậu COVID-19 chắc chắn sẽ là thời của kinh tế số, khi ngay trong những ngày này, một khái niệm kinh tế mới đã thành hình đó là nền kinh tế tại nhà.
Nhưng mọi thích nghi và hiện thực hóa những tư duy cấp tiến của nhà lãnh đạo sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu đi vốn liếng quý giá nhất là người lao động. "Doanh nghiệp có thể chết, nhưng con người của các doanh nghiệp đó không chết". Nhưng tư duy này vẫn còn quá khan hiếm.
Với câu hỏi "Doanh nghiệp đang có kế sách gì để cầm cự?", cả 4 cuộc khảo sát tình hình "sức khỏe" doanh nghiệp do VCCI, Ban nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân, Đại học Kinh tế quốc dân và Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam thực hiện đều cho ra chung một kết quả đó là kế sách ưu tiên nhất của doanh nghiệp lúc này lại chính là cắt giảm nhân sự.
Cách nhìn nhận thủ cựu rằng "lực lượng lao động chỉ đem đến gánh nặng chi phí" cần phải được thay đổi. Bởi quá trình tái phục hồi sau dịch tới đây, nguồn lao động mới chính là lợi thế cạnh tranh mềm của nền kinh tế Việt Nam, vốn con người mới là thứ vốn khó tích lũy nhất của doanh nghiệp. Trong bài viết về "điều sẽ tái cấu trúc lại kinh tế Việt Nam" mới đây của CNN, ngoài công nghệ, tác giả cũng đề cao nhân tố hạnh phúc của người lao động.
Mỗi cuộc khủng hoảng đều để lại một di sản, cuộc khủng hoảng COVID-19 chưa hẹn ngày toàn thắng lần này có thể thay đổi mãi mãi trật tự thế giới như lời của Henry Kissinger. Trong cái thế mới chớm thay đổi này, cuộc khủng hoảng đồng thời lại trở thành cơ hội, đặc biệt là cho doanh nghiệp.