Mối đe dọa về 'chủ nghĩa dân tộc vắc-xin COVID-19'

Chủ nghĩa bảo hộ là một chủ đề lặp đi lặp lại xuyên suốt đại dịch COVID-19, kể từ khi một số quốc gia tranh giành nhau để có được vắc-xin ngừa SARS-CoV-2.

Trong bối cảnh diễn ra sự chậm trễ trong sản xuất ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng vắc-xin, các chuyên gia cảnh báo rằng cái gọi là chủ nghĩa dân tộc vắc-xin sẽ gây tác hại lâu dài trong công tác đối phó toàn cầu đối với đại dịch COVID-19.

Sự lo ngại về việc các quốc gia có thể hạn chế xuất khẩu vắc-xin dưới danh nghĩa giữ lại để tiêm chủng trong nước, đã trở nên rõ nét khi cuối tuần qua. Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ sử dụng các biện pháp Brexit khẩn cấp để hạn chế xuất khẩu vắc-xin COVID-19 qua biên giới Cộng hòa Ireland vào Anh. Tuy EU đã phải dỡ bỏ quyết định trên vì vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Bắc Ireland, London và Dublin nhưng tình hình vẫn làm dấy lên lo ngại về sự chậm trễ vắc-xin ở Canada. Tất cả điều này tạo ra một bức tranh rối bời trong mối quan hệ giữa Anh và EU, vốn đã chả mấy “cơm lành, canh ngọt” từ sau Brexit và càng xấu đi trong bối cảnh các chủng COVID-19 mới, nguy hiểm hơn xuất phát từ Anh.

Các chuyên gia cảnh báo,“chủ nghĩa dân tộc vắc-xin COVID-19” sẽ gây tác hại lâu dài trong công tác đối phó với đại dịch trên toàn cầu.

Các chuyên gia cảnh báo,“chủ nghĩa dân tộc vắc-xin COVID-19” sẽ gây tác hại lâu dài trong công tác đối phó với đại dịch trên toàn cầu.

“Những gì chúng ta đang thấy không có gì đáng ngạc nhiên. Đây chỉ là ví dụ mới nhất về việc kiểm soát xuất khẩu vắc-xin được áp dụng theo cách không tích cực đối với công tác phòng chống đại dịch toàn cầu” - Giáo sư chuyên ngành luật sức khỏe toàn cầu và khoa học chính trị Steven Hoffman thuộc Đại học York ở Toronto (Canada) nhận định. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng chủ nghĩa dân tộc vắc-xin có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia giàu mua được vắc-xin và những quốc gia nghèo đang phải đối mặt về khả năng hạn chế mua vắc-xin. “Chủ nghĩa dân tộc vắc-xin chỉ có thể phục vụ các mục tiêu chính trị ngắn hạn. Song cuối cùng, đó là chủ nghĩa thiển cận và tự chuốc lấy thất bại. Chúng ta chẳng thể kết thúc đại dịch ở bất kỳ đâu cho đến khi chúng ta kết thúc được nó trên phạm vi toàn cầu” - ông Tedros phát biểu.

Giáo sư Hoffman đánh giá rằng chủ nghĩa dân tộc vắc-xin là một ví dụ khác cho thấy thế giới không hề có sự chuẩn bị để đối đầu với đại dịch. “Chúng ta cần tìm ra và đạt được một thỏa thuận toàn cầu về cách đối phó đại dịch ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, trước khi vắc-xin được phát triển và sẵn sàng triển khai. Trên thực tế, mọi hành động đều là quá muộn” - GS. Hoffman cho biết. “Đây sẽ là cú sốc sẽ mang lại cho chúng ta một hệ thống quản trị toàn cầu mà chúng ta cần để giải quyết các mối đe dọa trong thế kỷ 21. Chúng ta đã nhìn thấy sự tồi tệ thế nào trong hiện tại, cần phải thay đổi cấu trúc quản lý trong tương lai nhằm chuẩn bị tốt hơn trong các lần đối phó đại dịch tới” - ông Hoffman khẳng định.

Giới chuyên gia cảnh báo căng thẳng về nguồn cung vắc-xin ở châu Âu có thể dẫn đến những xung đột kinh tế và chính trị sâu rộng hơn, làm gián đoạn chiến lược hợp tác toàn cầu chống COVID-19. Nếu chính phủ các nước triển khai những bước đi “hung hăng”, các nước còn lại có thể hành động đáp trả bằng việc “giam” những lô hàng chứa thành phần quan trọng để sản xuất vắc-xin hay lên kế hoạch tự sản xuất dù biết tham vọng này sẽ rất khó thực hiện nếu không có sự trợ giúp từ các nhà sản xuất.

Kịch bản này có thể gây ra “phản ứng dây chuyền ở nhiều nơi, ngay cả những nơi ít ngờ nhất”, khiến công tác phòng chống dịch ngày càng gặp khó khăn.

H. A (Theo CBC)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/moi-de-doa-ve-chu-nghia-dan-toc-vac-xin-covid-19-n186265.html