Năng lực phòng thủ của Iran và Israel

Diễn biến nóng gần đây giữa Israel và Iran đã gây lo ngại về xung đột lan rộng tại 'chảo lửa' Trung Đông. Vậy tương quan khả năng phòng thủ của hai quốc gia này đang ở mức độ nào?

Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel được triển khai gần Jerusalem ngày 15/4. Ảnh: THX/TTXVN

Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel được triển khai gần Jerusalem ngày 15/4. Ảnh: THX/TTXVN

Đối với Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi, cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel tối 1/10 đã kết thúc, trừ khi Israel quyết định trả đũa. Ngoại trưởng Araqchi nêu bật: “Trong kịch bản đó, phản ứng của chúng tôi sẽ mạnh mẽ và quyết liệt hơn”.

Iran tuyên bố việc phóng hơn 180 tên lửa nhằm vào Israel tối 1/10 để đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và chỉ huy Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Abbas Nilforoushan. Iran cũng nhấn mạnh tên lửa chỉ nhắm mục tiêu vào cơ sở quân sự của Israel.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh cáo sẽ đáp trả, ông nói: "Iran đã phạm một sai lầm lớn vào đêm nay và họ sẽ phải trả giá”.

Mỹ cho biết sẽ hỗ trợ Israel để đảm bảo Iran phải đối mặt với "hậu quả nghiêm trọng" cho cuộc tấn công tối 1/10. Lầu Năm Góc cũng xác nhận rằng họ đã bắn khoảng một chục tên lửa đánh chặn nhắm vào tên lửa của Iran.

Giáo sư Simon Wolfgang Fuchs tại Đại học Hebrew cho biết IRGC cũng đưa ra cảnh báo đanh thép rằng nếu các nhà máy lọc dầu của Iran trở thành mục tiêu, họ sẽ trả đũa vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Mỹ tại khu vực. Trong khi đó, theo giáo sư Fuchs, Israel không quan tâm đến việc hạ nhiệt căng thẳng.

Nếu Israel nhắm vào các cơ sở dầu mỏ hoặc thậm chí là các cơ sở hạt nhân của Iran, tình hình ở toàn bộ Trung Đông sẽ trở nên thực sự khó lường.

Trang Axios (Mỹ) dẫn một số nguồn thạo tin cho biết Israel có thể trả đũa cuộc tấn công tên lửa tối 1/10 của Iran bằng cách nhắm vào cơ sở hạ tầng chiến lược, chẳng hạn như giàn khoan dầu của Tehran.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng ông sẽ không ủng hộ cuộc tấn công của Israel vào các địa điểm hạt nhân của Iran.

Ông Fuchs cho rằng nhiều chính khách Israel coi tình hình hiện tại là cơ hội ngàn năm có một để đảo lộn toàn bộ Trung Đông và làm suy yếu Iran một cách đáng kể. Vậy Iran và cả Israel sở hữu khả năng phòng thủ như thế nào trước viễn cảnh bị tấn công?

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei (thứ 2, trái) tham quan triển lãm của Lực lượng hàng không vũ trụ thuộc IRGC tại Tehran, ngày 19/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei (thứ 2, trái) tham quan triển lãm của Lực lượng hàng không vũ trụ thuộc IRGC tại Tehran, ngày 19/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo The Military Balance 2023, do Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh công bố: Iran có 610.000 binh sĩ đang phục vụ, bao gồm 350.000 người trong quân đội, 190.000 người trong IRGC, 18.000 người thuộc hải quân, 37.000 người trong không quân và 15.000 người thuộc phòng không. Iran cũng có quân dự bị là 350.000 người. Nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với nam giới Iran trên 18 tuổi, với một số trường hợp miễn trừ.

Israel có 169.500 binh sĩ đang tại ngũ, bao gồm 126.000 người trong quân đội, 9.500 thành viên trong hải quân và 34.000 người trong không quân. Israel có quân dự bị là 465.000 người. Israel áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với hầu hết nam thanh niên và nữ thanh niên trên 18 tuổi, với một số trường hợp miễn trừ.

Hệ thống phòng không của Israel dựa vào Vòm sắt (Iron Dome). Hệ thống này trang bị radar phát hiện tên lửa đang bay tới, tốc độ và hướng của nó. Sau đó, trung tâm điều khiển sẽ tính toán xem liệu tên lửa có gây ra mối đe dọa cho các thị trấn của Israel hay không. Tên lửa không gây đe dọa lớn được rơi xuống các cánh đồng trống. Nếu chúng mang nhiều rủi ro, Vòm sắt sẽ phóng tên lửa để bắn hạ chúng. Bệ phóng chứa 20 tên lửa đánh chặn.

Có 10 khẩu đội Vòm sắt rải rác khắp Israel. Israel còn sở hữu các hệ thống khác đánh chặn tên lửa tầm trung và tầm xa. David's Sling đánh chặn tên lửa có phạm vi từ 40km đến 300km. Hệ thống Arrow đánh chặn tên lửa có phạm vi lên tới 2.400km.

Về phần mình, vào tháng 2, Iran đã triển khai tổ hợp phòng không Azarakhsh tầm ngắn, tầm thấp. Azarakhsh có nghĩa là "sét đánh" trong tiếng Ba Tư. Azarakhsh được trang bị radar và hệ thống quang điện để phát hiện và đánh chặn mục tiêu. Nó có thể được lắp trên xe.

Iran có nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không khác nhau. Trong đó bao gồm hơn 42 tên lửa tầm xa S-200, S-300 do Nga sản xuất và Bavar-373 sản xuất nội địa; hơn 59 tên lửa tầm trung MIM-23 Hawk, HQ-2J và Khordad-15 và 279 tên lửa tầm ngắn CH-SA-4, 9K331 Tor-M1 do Trung Quốc sản xuất.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Aljazeera, DW)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/nang-luc-phong-thu-cua-iran-va-israel-20241003143810048.htm