Mới: Đề nghị cho phép loại trừ một số khoản thu để cải cách tiền lương

'Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 34/2021/QH15'.

Sáng nay, 13-11, Quốc hội nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025

Về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, một số ý kiến cho rằng, tình hình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp năm 2024 chậm được cải thiện, đề nghị sớm có giải pháp khắc phục

Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp khắc phục về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm tính hiệu quả, chặt chẽ, tránh gây thất thoát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Nội dung này được thể hiện tại khoản 3 Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Một số ý kiến đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất là những công trình trọng điểm quốc gia, cũng như những công trình trọng điểm ở địa phương, chuyển kinh phí tại các công trình triển khai chậm sang thực hiện các công trình, dự án có khả năng thực hiện, giải ngân cao.

Theo UBTVQH, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của một số Bộ, ngành, địa phương còn chậm; trung bình cả nước mới chỉ đạt 47,3% dự toán Quốc hội giao, giảm cả về giá trị và tỷ lệ so với cùng kỳ; trong đó vốn ngoài nước chỉ đạt 24,33% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ (28,37%).

Vì vậy, trong những tháng cuối năm, với mục tiêu giải ngân 95% dự toán được giao, UBTVQH đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo sát sao, quyết liệt, chủ động có giải pháp khắc phục, nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của các Bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất là những công trình trọng điểm quốc gia, công trình trọng điểm ở địa phương.

Về dự toán ngân sách nhà nước 2025, nhiều ý kiến nhất trí với dự toán thu NSNN năm 2025 như phương án Chính phủ trình. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, tính toán dự toán thu cân đối xuất nhập khẩu, thu từ dầu thô ở mức cao hơn.

UBTVQH cho rằng, thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu là khoản thu 100% NSTW, trong khi nguồn thu này chịu tác động rất lớn từ sự biến động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới khi nền kinh tế đất nước đã tham gia sâu, rộng, toàn diện trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu. Do đó, việc dự ước các khoản thu này ở mức cao có khả năng ảnh hưởng đến thu NSTW trong trường hợp không đạt dự toán, ảnh hưởng đến khả năng cân đối và triển khai thực hiện nhiệm vụ chi theo kế hoạch. Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ như phương án Chính phủ trình, song đề nghị Chính phủ trong quá trình điều hành cần theo dõi sát sao tình hình biến động kinh tế thế giới để có giải pháp điều hành thu phù hợp, bảo đảm tăng thu NSNN ở mức cao nhất.

Trước một số ý kiến đề nghị cho phép các địa phương được phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện đầu tư, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, tại dự thảo Nghị quyết đã quy định việc cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải các tiền lương còn dư để đầu tư, song để bảo đảm chặt chẽ trong quản lý, sử dụng nguồn lực này.

Về ý kiến đề nghị cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu NSĐP dành để cải cách tiền lương, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH đã thể hiện nội dung này tại khoản 5 Điều 3 Dự thảo Nghị quyết theo hướng: “Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 34/2021/QH15”.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/moi-de-nghi-cho-phep-loai-tru-mot-so-khoan-thu-de-cai-cach-tien-luong-post595329.antd