Mỗi địa danh hành chính là nguồn cội, văn hóa… 1 vùng miền

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã hiện nay cần lường trước những tác động trong quản lý xã hội và tâm lý văn hóa cộng đồng.

Trên các số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã thông tin về các vấn đề liên quan đến sắp xếp 80 phường, xã tại TP.HCM. Một trong những điều được nhiều người dân quan tâm là đặt tên mới cho các đơn vị hành chính (ĐVHC) được hình thành sau khi sắp xếp như thế nào để vừa có ý nghĩa vừa giữ được hồn cốt văn hóa và được người dân đồng tình, ủng hộ.

Bởi thực tế có trường hợp gặp sự phản ứng với việc đặt tên ĐVHC mới do mỗi nơi có một cách làm khác nhau. Hoặc ghép các địa danh cũ tạo ra địa danh mới... vô nghĩa; hoặc sử dụng một địa danh cũ chung cho địa giới hành chính mới làm biến mất các địa danh khác mang tính lịch sử, gây bức xúc cho cộng đồng hay đặt ra địa danh mới “vô hồn” vì không liên quan gì đến địa danh cũ...

 TS Nguyễn Thị Hậu. Ảnh: THUẬN VĂN

TS Nguyễn Thị Hậu. Ảnh: THUẬN VĂN

1. Việc sáp nhập, chia tách ĐVHC ở nước ta đã trải qua vài lần. Vào những năm 1960, khi sáp nhập các tỉnh miền Bắc, quanh Hà Nội có các tỉnh mang địa danh mới là Hà Tây, Hà Bắc, Nam Hà...

Giai đoạn sau năm 1975, cả nước xuất hiện các tỉnh mới có tên ghép như Bình - Trị - Thiên, Hà - Nam - Ninh, Phú - Khánh, hoặc tên mới như Hoàng Liên Sơn, Bình Thuận, Tiền Giang, Hậu Giang... Khi nghiên cứu lịch sử và các khoa học liên quan, trong đó có khoa học quản lý nhà nước, tình trạng các địa danh hành chính thay đổi như vậy gây ra không ít khó khăn.

Từ nhiều năm nay, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa, nghiên cứu lịch sử hành chính cũng rất băn khoăn, vì việc đặt ra những tên gọi, địa danh mới cần phải vừa hợp lẽ (mang tính khoa học, lâu dài) vừa hợp tình (có sự đồng thuận của cộng đồng), nhất là đối với sự thay thế các địa danh có truyền thống lâu dài, mang yếu tố lịch sử, văn hóa.

Sự quan tâm của dư luận xã hội về vấn đề này đều với mong muốn làm sao có sự thống nhất cao giữa chính quyền - người dân, để tên gọi mới hài hòa các yếu tố văn hóa - xã hội cũng như phản ánh được giá trị lịch sử từ hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm phát triển của địa phương. Bởi từ địa danh của các địa phương sẽ phản ánh lịch sử của cả đất nước.

 Người dân quận 8, TP.HCM, bày tỏ ủng hộ với việc đặt tên mới cho những phường được sáp nhập thành Rạch Ông, Hưng Phú và Xóm Củi. Ảnh: THUẬN VĂN

Người dân quận 8, TP.HCM, bày tỏ ủng hộ với việc đặt tên mới cho những phường được sáp nhập thành Rạch Ông, Hưng Phú và Xóm Củi. Ảnh: THUẬN VĂN

2. Khái niệm địa danh hiểu đơn giản, đó là danh từ riêng - tên riêng để chỉ một vùng đất, tên núi sông và các địa hình khác nhau. Đó là tên địa phương (làng, xã, huyện, tỉnh, quận, TP... ), tên địa điểm, vùng địa lý, khu vực (nông nghiệp, khu công nghiệp...), tên các quốc gia, châu lục, các khu vực tự nhiên... được ghi lại trên bản đồ. Có hai loại địa danh phổ biến là địa danh dân gian và địa danh hành chính.

Địa danh dân gian thường là tên gọi nơi chốn, địa hình cảnh quan tự nhiên ở một khu vực, vùng miền, một đất nước. Địa danh dân gian thường biểu hiện bằng ngôn ngữ địa phương nên đa dạng, phản ánh lịch sử và văn hóa cộng đồng. Địa danh dân gian tồn tại trong ngôn ngữ, thói quen sử dụng, ký ức của cộng đồng.

Địa danh hành chính là địa danh ghi trên văn bản do chính quyền nhà nước ở Trung ương ban hành, được coi là tên gọi chính thức của các cấp hành chính như thôn, làng, xã, huyện, tỉnh, quận, TP, công trình nhân tạo (như kênh đào).

Địa danh hành chính phản ánh lịch sử (thay đổi) địa giới, có thể sử dụng địa danh dân gian nhưng phần nhiều là đặt ra tên gọi mới, có thể thay đổi theo tổ chức hành chính hoặc sau những biến cố, sự kiện lịch sử.

Trên bản đồ, địa danh được hiểu là tên các đối tượng địa lý thể hiện trên bản đồ, cả địa danh dân gian và địa danh hành chính. Việc ghi nhận địa danh trên văn bản hành chính hay trên bản đồ là việc “chính thức hóa” tên gọi một địa điểm, địa phương, khu vực, vùng miền, các địa hình tự nhiên hay nhân tạo.

Một trong những đặc điểm nổi bật của địa danh nước ta là sự đa dạng về ngôn ngữ, do đất nước có 54 dân tộc anh em, có nhiều vùng địa hình từ núi cao, trung du đến đồng bằng, ven biển, biển và hải đảo. Đa dạng theo không gian (phân bố của các cộng đồng tộc người) và theo thời gian (lịch sử thống nhất đất nước và hình thành các tổ chức hành chính). Địa danh ở vùng miền nào thông thường được đặt bằng ngôn ngữ của các cộng đồng ở đó.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân lịch sử - xã hội nên ngày nay địa danh ngày càng phức tạp về mặt ngôn ngữ. Việc sử dụng chung một “ngôn ngữ hành chính” cũng là yếu tố làm cho địa danh các vùng miền có nguy cơ biến đổi theo xu hướng mất dần phương ngữ.

Như vậy, có thể nhận thấy địa danh dân gian hay hành chính đều bắt nguồn từ thực tiễn và phản ánh đời sống xã hội - lịch sử - văn hóa. Hệ thống địa danh của một địa phương rất quan trọng, có giá trị để “nhận diện” sự khác biệt, độc đáo, có trường hợp trở thành một “thương hiệu” và đó còn là nguồn vốn xã hội, tài nguyên văn hóa bản địa.

 Trước đó, việc đổi tên thị trấn Diên Khánh (Khánh Hòa) khi trở thành phường sẽ là phường Phú Thành đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: XUÂN HOÁT

Trước đó, việc đổi tên thị trấn Diên Khánh (Khánh Hòa) khi trở thành phường sẽ là phường Phú Thành đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: XUÂN HOÁT

3. Chúng ta có thể khảo sát việc đặt địa danh các ĐVHC ở Nam Bộ dưới triều Nguyễn để phần nào rút ra kinh nghiệm hữu ích.

Năm 2008, khi xuất bản công trình “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nói rằng có thể coi địa danh hành chính Nam Bộ bắt đầu từ năm 1698. Trước đó, Nam Bộ là vùng đất dân cư thưa thớt, đất hoang rừng rậm bao trùm, phần lớn diện tích chưa được khai khẩn. Việc cấu tạo địa giới và địa danh hành chính dưới triều Nguyễn chủ yếu bằng cách dùng từ Hán - Việt và áp dụng các nguyên tắc dựa vào địa hình thiên nhiên; dựa vào khu dân cư, nghề nghiệp; căn cứ vào trình độ văn hóa cao thấp; căn cứ vào sự đi lại thuận tiện hay cách trở; theo đúng nguyên tắc tổ chức hệ thống hành chính đã có sẵn từ trước ở miền Trung.

Điều này cũng được phản ánh qua “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức. Hệ thống địa danh hành chính và dân gian ghi chép trong công trình này thật sự là vốn tư liệu quý giá về ngôn ngữ, về tự nhiên và đời sống cộng đồng, về quá trình thiết lập hành chính vùng đất Gia Định.

Những công trình lịch sử, công trình về địa bạ, địa chí trong thời Nguyễn cho biết hệ thống địa danh nói chung và địa danh hành chính thời Nguyễn được ghi nhận vào giai đoạn đất nước thống nhất sau hơn 200 năm chia cắt Đàng trong, Đàng ngoài. Quá trình tổ chức lại địa giới, quy mô hành chính được triều Nguyễn tiến hành từ từ để thích hợp với thực tế lịch sử - xã hội mới.

Việc đặt tên địa danh mới trên cả nước khi ấy khá khoa học, nhờ vậy cho đến nay nhiều địa danh dân gian vẫn tồn tại, những địa danh hành chính, nhất là tên các tỉnh vẫn được sử dụng. Tất cả đã trở thành ký ức cộng đồng bền vững, thân thuộc, một “dấu chỉ” để nhận diện đặc trưng văn hóa từng địa phương. Vì vậy, hệ thống địa danh này rất có giá trị và cần được tham khảo.

Mặc dù việc sáp nhập giai đoạn 2019-2021 còn nhiều vấn đề nhưng theo kế hoạch trong giai đoạn 2023-2025, cả nước dự kiến sáp nhập 49 huyện, 1.247 xã, tức là ngần ấy địa danh có thể phải thay đổi. Qua đó, dự kiến giảm 13 huyện, 624 xã, tức là có khoảng ngần ấy địa danh có thể “biến mất”. Làm cách nào để có “quỹ địa danh” đáp ứng nhu cầu đó, lẽ ra phải là một việc cần được nghiên cứu và dự kiến từ nhiều năm trước.

Việc sáp nhập các ĐVHC cấp huyện, xã hiện nay cần lường trước những tác động trong quản lý xã hội và tâm lý văn hóa cộng đồng. Có thể cộng đồng dân cư sẽ lưu giữ trong truyền khẩu, trong ký ức những địa danh lịch sử đã thay đổi nhưng sự lưu truyền ấy không thể lâu dài như hồi thế kỷ 18, 19 bởi tác động của xã hội hiện đại.

Xóa một địa danh là mất một di sản văn hóa, đồng nghĩa với việc mất đi một phần gốc rễ cội nguồn và gây nên những tổn thương nhất định đến sự cố kết cộng đồng dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa nhanh chóng và mạnh mẽ.

Những tên mới quá lạ lẫm, nhiều băn khoăn

Hồi tháng 3, UBND huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) có thông báo kết luận của chủ tịch UBND huyện này về việc hai xã Diên Đồng và Diên Xuân sau khi sáp nhập sẽ có tên mới là xã Đồng Xuân. Còn tên gọi thị trấn Diên Khánh khi trở thành phường sẽ thành phường Phú Thành.

Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng tên gọi Đồng Xuân giống với một tên gọi hành chính của tỉnh Phú Yên. Còn tên gọi mới của thị trấn Diên Khánh quá lạ lẫm và không có ý nghĩa đối với mảnh đất Diên Khánh.

Sau khi lấy ý kiến cử tri, huyện Diên Khánh thống nhất lầy tên xã là Xuân Đồng, còn tên thị trấn Diên Khánh thì tiếp tục nghiên cứu.

Hay như ở Nghệ An, người dân hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu cũng bày tỏ băn khoăn, phản đối việc đặt tên cho xã mới sau khi sáp nhập hai xã này thành Đôi Hậu.

TS NGUYỄN THỊ HẬU

Nguồn PLO: https://plo.vn/moi-dia-danh-hanh-chinh-la-nguon-coi-van-hoa-1-vung-mien-post799846.html