Mỗi già làng, người có uy tín là một 'trụ cột' trong tuyên truyền, vận động đồng bào

Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn 13 thôn, làng thuộc 2 huyện Chư Prông và Đức Cơ (tỉnh Gia Lai). Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh trên địa bàn, trong những năm qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty Bình Dương đã thường xuyên quan tâm chăm lo, phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng.

Đội 1 (Công ty Bình Dương) đứng chân ở làng Ó-Kly và làng Neh-Xo, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông với 100% công nhân là người dân tộc Jrai của hai làng này. Quá trình tuyên truyền, vận động người dân vào làm công nhân và thực hiện quy trình chăm sóc, khai thác mủ cao su, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... lãnh đạo, chỉ huy Đội 1 luôn phối hợp với già làng, trưởng thôn, người có uy tín.

Thiếu tá QNCN Phan Đức Chung trao đổi công việc với già làng Kpuih HNơ.

Thiếu tá QNCN Phan Đức Chung trao đổi công việc với già làng Kpuih HNơ.

Thiếu tá QNCN Phan Đức Chung, Bí thư chi bộ, Đội trưởng Đội 1 chia sẻ: Đội 1 giống như một “mắt xích” trong hệ thống chính trị của làng. Vì phần lớn người dân trong độ tuổi lao động ở làng Ó-Kly và làng Neh-Xo đều làm công nhân cho Đội 1 và mọi công tác tuyên truyền, vận động nhân dân - công nhân đều có sự phối hợp giữa lãnh đạo, chỉ huy Đội 1 với già làng, trưởng thôn, người có uy tín. Sự phối hợp này mang lại hiệu quả rất tốt vì không ai hiểu người dân mình, đồng bào mình hơn già làng, trưởng thôn, người có uy tín. Hằng tuần, hằng tháng, chỉ huy Đội gặp gỡ trao đổi thông tin với già làng, trưởng thôn, người có uy tín xác định những nội dung, biện pháp khả thi để triển khai tuyên truyền.

Gặp chúng tôi, già làng Kpuih HNơ, ở làng Neh-Xo phấn khởi khoe, làng Neh-Xo đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang đề nghị cấp trên công nhận làng đạt chuẩn nông thôn mới. Theo già làng Kpuih HNơ, trước đây, 3 tiêu chí xây dựng nông thôn mới khó thực hiện nhất là nhà ở, thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Sau khi Chi bộ làng Neh-Xo thảo luận, bàn bạc và nhận định muốn tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nhà ở kiên cố thì phải triển khai một trong những giải pháp quan trọng là tuyên truyền, vận động người dân vào làm công nhân cho Đội 1. Nhờ đó, đời sống của bà con nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao, nhiều gia đình xây dựng được nhà ở kiên cố, bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, làng về đích nông thôn mới.

Theo Thượng tá Lê Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty Bình Dương, trên địa bàn công ty đứng chân và thực hiện nhiệm vụ có 37 già làng, trưởng thôn, người có uy tín. Đây là những người có kiến thức, kinh nghiệm, cống hiến và uy tín trong cộng đồng. Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty và các đơn vị luôn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, phát triển kinh tế và kỹ năng tuyên truyền cho già làng, trưởng thôn, người có uy tín. Đồng thời thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, tặng quà, động viên để già làng, trưởng thôn, người có uy tín để họ phấn khởi, yên tâm cống hiến cho cộng đồng.

“Mỗi già làng, trưởng thôn, người có uy tín là một “trụ cột” trong tuyên truyền, vận động đồng bào vào làm công nhân cho đơn vị; triển khai các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”, đồng chí Bí thư Đảng ủy Công ty Bình Dương khẳng định.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/moi-gia-lang-nguoi-co-uy-tin-la-mot-tru-cot-trong-tuyen-truyen-van-dong-dong-bao-742029