Mời giáo sư, phó giáo sư dạy trường chuyên không đúng Luật Giáo dục

Mời phó giáo sư, giáo sư dạy trường trung học phổ thông chuyên vừa trái Luật Giáo dục vừa khó đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa có Dự thảo Tờ trình về việc đề nghị thông qua Nghị quyết Quy định một số chính sách đặc thù đối với trường trung học phổ thông chuyên; chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển của tỉnh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế gửi Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, Dự thảo có nội dung đáng chú ý là, "giáo viên có trình độ phó giáo sư, giáo sư về công tác tại trường chuyên, có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên được hỗ trợ tiền thu hút với mức 1,0 tỷ đồng một người."

Cá nhân người viết cho rằng, việc mời phó giáo sư, giáo sư dạy trường trung học phổ thông chuyên vừa trái Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) vừa khó đáp ứng yêu cầu chuyên môn - cũng là hai bất cập lớn của Dự thảo.

Mời phó giáo sư, giáo sư dạy trường phổ thông chuyên vừa trái Luật Giáo dục vừa khó đáp ứng yêu cầu chuyên môn. (Ảnh minh họa: T.D)

Mời phó giáo sư, giáo sư dạy trường phổ thông chuyên vừa trái Luật Giáo dục vừa khó đáp ứng yêu cầu chuyên môn. (Ảnh minh họa: T.D)

Đưa phó giáo sư, giáo sư về dạy phổ thông là trái Luật Giáo dục

Điều 68 Luật Giáo dục 2019 quy định: 1. Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học đáp ứng tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm. 2. Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Như vậy, lãnh đạo trường đại học không thể kí quyết định chuyển công tác phó giáo sư, giáo sư về dạy trường trung học phổ thông chuyên vì trái Luật Giáo dục.

Phó giáo sư, giáo sư muốn công tác ở trường phổ thông chỉ còn 2 cách: thứ nhất, xin nghỉ việc ở trường đại học và nộp đơn thi/xét tuyển ở trường trung học phổ thông; thứ hai, hợp đồng dạy thỉnh giảng ở trường trung học phổ thông.

Bởi, Điều 22 Luật Viên chức (Luật số 58/2010/QH12) chỉ quy định độ tuổi tối thiểu để đăng ký dự tuyển viên chức mà không quy định độ tuổi tối đa. Vậy nên, phó giáo sư, giáo sư không bị ràng buộc độ tuổi (trước độ tuổi nghỉ hưu theo quy định) khi đăng kí thi/xét tuyển viên chức.

Và, điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT ngày 10/10/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục như sau: Thỉnh giảng là việc cơ sở giáo dục mời nhà giáo hoặc người có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo đến: giảng dạy các môn học, học phần được quy định trong chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp và đại học.

Phó giáo sư, giáo sư dạy phổ thông - bất cập chuyên môn

Thứ nhất, nhiệm vụ của giáo sư và phó giáo sư được quy định tại Điều 3 Quyết định 37/2018/QĐ-TTg quy định về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư do Thủ tướng Chính phủ ban hành, cụ thể (trích):

- Thực hiện nhiệm vụ của giảng viên theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, chế độ làm việc của giảng viên và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Biên soạn chương trình, giáo trình và sách phục vụ đào tạo khác; giảng dạy, hướng dẫn đồ án, khóa luận tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ, luận văn chuyên khoa, chuyên đề, luận án tiến sĩ và thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn khác theo quy định.

- Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng đào tạo.

- Rèn luyện đạo đức, tác phong khoa học, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ cho đồng nghiệp trong tổ, nhóm chuyên môn.

- Hợp tác với đồng nghiệp về công tác chuyên môn; tham gia các hoạt động tư vấn khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ phục vụ Kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và các công tác khác.

Có thể thấy rằng, nhiệm vụ chính của phó giáo sư, giáo sư là nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực cấp cao: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Phó giáo sư, giáo sư có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực hẹp nhưng phương pháp giảng dạy thường không tốt (ngoại trừ giảng viên các trường sư phạm) cũng khó dạy học thành công ở bậc phổ thông.

Tôi lấy ví dụ, giảng viên A có học hàm giáo sư môn Văn, dạy tổng hợp ngành Văn của một trường đại học X thì khó dạy giỏi môn Ngữ văn ở bậc trung học phổ thông, vì thiếu phương pháp sư phạm. Nhiều giảng viên có học hàm phó giáo sư, giáo sư bị sinh viên chê là "tiến sĩ gây mê" (dạy buồn ngủ) cũng bởi phương pháp giảng dạy đơn điệu, nhàm chán.

Hơn nữa, theo Điều 3 Quyết định 37/2018/QĐ-TTg thì không có nội dung nào quy định phó giáo sư, giáo sư dạy bậc trung học phổ thông.

Thứ hai, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ giáo dục và đào tạo ban hành tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/20218 có nội dung như sau:

Chương trình giáo dục trung học phổ thông giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực của người lao động, ý thức và nhân cách công dân; khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động; khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Có thể khẳng định, mục tiêu của giáo dục phổ thông (trung học phổ thông) yêu cầu thấp hơn nhiều so với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ở các cơ sở giáo dục đại học, sau đại học. Việc phó giáo sư, giáo sư về giảng dạy trường phổ thông là lãng phí nguồn chất xám cho các cơ sở giáo dục đại học - hiện đang rất "khát" những người có học hàm này.

Cùng với đó, phó giáo sư, giáo sư dạy bậc trung học phổ thông khó thích nghi nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh theo quy định tại Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT, chẳng hạn:

- Tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh và cha mẹ học sinh của lớp được phân công; thực hiện công tác giáo dục hòa nhập trong phạm vi được phân công; tham gia tổ chức các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp trường trở lên...

Phó giáo sư, giáo sư dạy bậc phổ thông phải có thời gian làm quen, học hỏi, kể cả đào tạo lại thì mới đáp ứng những nhiệm vụ này. Tuy vậy, tôi cho rằng phó giáo sư, giáo sư rất khó thích nghi một số nhiệm vụ chuyên môn như soạn giáo án, bồi dưỡng thường xuyên, giáo dục học sinh hòa nhập...

Người thầy dạy bậc trung học phổ thông khó hơn dạy sinh viên các trường đại học. Ở bậc đại học, giảng viên hướng dẫn sinh viên tự học tự nghiên cứu là chủ yếu, còn bậc phổ thông thầy cô phải cầm tay chỉ việc nên ngoài kiến thức thì kĩ năng cũng rất quan trọng.

Ngoài ra, phó giáo sư, giáo sư chưa chắc đã đào tạo được nhiều học sinh giỏi vì khó nắm bắt đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi học sinh trung học phổ thông như giáo viên dạy bậc học này. Thầy cô phải giỏi chuyên môn và nghiệp vụ (phương pháp, tâm lí) thì mới đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước.

Thay lời kết

Khoản 1 Điều 2 Thông tư 20/VBHN-BGDĐT, văn bản hợp nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 30/5/2014 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên nêu rõ mục tiêu của trường chuyên như sau:

Mục tiêu của trường chuyên là phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu của các em về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện; giáo dục các em thành người có lòng yêu nước, tinh thần vượt khó, tự hào, tự tôn dân tộc; có khả năng tự học, nghiên cứu khoa học và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tiếp tục đào tạo thành nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Tôi cho rằng, muốn đào tạo được nhiều học sinh giỏi ở trường chuyên thì nhà trường phải có đội ngũ thầy cô giỏi, quản lí giỏi, đòi hỏi việc tuyển dụng giáo viên dạy trường chuyên cần khắt khe về yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ.

Vì vậy, tôi đồng tình với Dự thảo điều động, chấm dứt hợp đồng làm việc đối với giáo viên giảng dạy tại trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ do Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đang đề xuất. Theo đó, thầy cô dạy môn chuyên nếu thi giáo viên giỏi cấp tỉnh không đạt giải sẽ bị điều động, chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo tôi, kể cả giáo viên được biên chế (hợp đồng không xác định thời hạn) trước ngày 1/7/2020 nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc thì Sở Giáo dục Hòa Bình cũng nên chuyển công tác thầy cô ra khỏi trường chuyên. Thay vào đó, Sở Giáo dục sẽ điều động giáo viên giỏi ở các trường khác vào thay vị trí là hợp tình hợp, lí.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/moi-giao-su-pho-giao-su-day-truong-chuyen-khong-dung-luat-giao-duc-post225007.gd