Môi giới bất động sản lo ngại khi 'hoạt động chui'

Thị trường bất động sản đang ấm dần lên, môi giới háo hức quay trở lại cuộc chơi. Thế nhưng, phía sau sự sôi động ấy là nỗi lo lớn vì chưa có chứng chỉ hành nghề.

Giá nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM lên đến hàng trăm triệu đồng/m2, vượt tầm với của nhiều người.

Giá nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM lên đến hàng trăm triệu đồng/m2, vượt tầm với của nhiều người.

Nửa đầu năm 2025, thị trường bất động sản ghi nhận sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên, tạo nên cục diện khá tích cực. Các chủ đầu tư tái triển khai dự án, chủ động bắt nhịp thị trường, đẩy mạnh hoạt động đầu tư cũng như mua bán - sáp nhập (M&A) quỹ đất. Các doanh nghiệp môi giới cũng không chịu “ngồi yên”.

Báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services (FERI) cho thấy, các doanh nghiệp môi giới đang đối mặt với những quyết định chiến lược quan trọng, chủ yếu liên quan đến việc lựa chọn chủ đầu tư, địa bàn hoạt động và sản phẩm phân phối, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung mới dự kiến dồi dào trong 6 tháng cuối năm 2025.

Bên cạnh đó, xu hướng Nam tiến vẫn tiếp diễn, chủ yếu để triển khai bán hàng những dự án có quy mô lớn. Các doanh nghiệp môi giới cũng lựa chọn và điều chỉnh mô hình kinh doanh để phù hợp với chu kỳ mới của thị trường. Việc lựa chọn đối tác đồng hành, hoạt động liên minh, liên kết vẫn là xu hướng tất yếu.

Nhiều người hay lấy lý do “người đẻ nhưng đất không đẻ” để viện dẫn cho đà tăng giá của bất động sản. Tuy nhiên, tình hình sẽ dần đảo chiều, nếu trong vòng một thập niên tới, tỷ lệ sinh không được cải thiện.

Bà Trịnh Thị Kim Liên, Giám đốc Kinh doanh Dat Xanh Services thông tin, trong thời gian qua, nhiều môi giới tự do đã quay trở lại hoạt động. Trong chu kỳ mới này, cả chủ đầu tư/doanh nghiệp môi giới và dòng sản phẩm phân phối đều được các cá nhân môi giới lựa chọn kỹ càng hơn.

“Khảo sát về các yếu tố được nhân viên kinh doanh lựa chọn khi quay lại làm việc tại các doanh nghiệp môi giới cho thấy: 33% chọn lương thưởng, hoa hồng, phúc lợi; 27% ưu tiên môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến; 24% chọn sản phẩm phù hợp, dễ bán; 15% lựa chọn uy tín công ty; và các ý kiến khác chiếm 1%”, bà Liên nói.

Cũng theo bà Liên, trong nửa cuối năm 2025, các doanh nghiệp môi giới sẽ tập trung vào việc ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự nhằm đáp ứng tốt nhu cầu bán hàng. Việc lựa chọn kỹ càng thị trường, phân khúc, chủ đầu tư và đối tác để hợp tác, triển khai kinh doanh sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Dù ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường và sự trở lại của các nhà đầu tư, nhưng nhiều môi giới đang lo lắng vì chưa có chứng chỉ hành nghề.

Chị Lê Thu, hiện là môi giới nhà đất tại TP.HCM, dù đã hành nghề gần 4 năm nhưng vẫn chưa có chứng chỉ môi giới. “Từ giữa năm ngoái, khi có quy định yêu cầu môi giới phải có chứng chỉ hành nghề, tôi đã đăng ký học tại một cơ sở và nộp đơn chờ thi lấy bằng, nhưng đến nay vẫn chưa được thi vì không biết cơ sở nào tổ chức sát hạch, cấp bằng. Tôi đã hỏi thăm nhiều nơi mà vẫn không có câu trả lời”, chị Thu nói.

Tương tự, nhiều người làm môi giới bất động sản đã tham gia khóa học từ năm 2024, khi quy định còn đang là dự thảo, chưa có hiệu lực. Chương trình học đã kết thúc từ cuối năm ngoái, nhưng đến nay vẫn chưa được thi lấy chứng chỉ.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản với gần 800 môi giới tại TP.HCM cho biết, ngay khi có quy định về chứng chỉ hành nghề, công ty đã lên danh sách cho 100% nhân viên đi học. Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp khó khăn vì không rõ học và thi ở đâu. Từ cuối năm 2024 đến nay, mọi hoạt động đăng ký học và thi chứng chỉ đều bị đình trệ do không có cơ quan nào tổ chức. Thậm chí, lãnh đạo doanh nghiệp đã tự liên hệ nhiều cơ quan chức năng ở địa phương để xin hướng dẫn nhưng cũng không có kết quả, khiến doanh nghiệp không biết xoay xở ra sao.

Sở Xây dựng TP.HCM lý giải, hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề môi giới đang chững lại do thay đổi cơ quan tổ chức theo Nghị định 96/2024/NĐ-CP. Trước đây, theo Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Sở Xây dựng là đơn vị phụ trách tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề, nhưng hiện nay, thẩm quyền này thuộc UBND cấp tỉnh. Để đảm bảo tính liên tục trong công tác quản lý, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP.HCM ủy quyền để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, Sở cũng đang xây dựng quy trình tổ chức thi và cấp chứng chỉ theo quy định mới.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) chỉ ra, hiện có 3 vấn đề nảy sinh từ việc siết chặt hoạt động môi giới bất động sản. Một là, chất lượng đào tạo các khóa bồi dưỡng kiến thức còn hạn chế do thiếu sự quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở đào tạo. Hai là, việc không tổ chức kỳ thi sát hạch khiến hàng chục ngàn môi giới buộc phải hoạt động sai luật. Ba là, công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động môi giới bất động sản còn lỏng lẻo.

“Việc chậm triển khai các quy định mới không chỉ cản trở quá trình chuyên nghiệp hóa hoạt động môi giới, mà còn tiềm ẩn rủi ro pháp lý trong quá trình giao dịch bất động sản, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của thị trường”, ông Đính nói.

Việt Dũng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/moi-gioi-bat-dong-san-lo-ngai-khi-hoat-dong-chui-d338650.html