Mối họa từ các web-drama giang hồ học đường
Các web-drama (phim chiếu mạng) chủ đề xã hội đen, giang hồ một thời làm mưa làm gió với sự tham gia của hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi.
Trào lưu này đã chết yểu do khán giả "bội thực" nhưng sự thành công trước đó cũng kịp thời kích thích phim giang hồ học đường bùng nổ như: "Lớp trưởng tôi là đại ca", "Bạn trai tôi trùm trường", "Cô giáo tôi là trùm cuối", "Bạn gái tôi trùm trường", "Thiếu gia đi học", "Đại ca đi học"…
Các phim này có không ít cảnh đánh đấm, cảnh bạo hành bạn bè, ăn hiếp bạn học mới, trấn lột tiền, đòi tiền bảo kê, trả thù nhau. Những thủ đoạn bạo hành đa dạng từ ném bột vào người giữa lớp học, đổ nước, đổ sữa lên người đến xô đẩy, đánh đấm, giật tóc… Phim về học đường nhưng cảnh học tập chiếm không nhiều. Một tập không hơn 30 phút lại tràn ngập cảnh đánh nhau với nhiều nhân vật, phe phái trong và ngoài trường.
Ngoài ra, nhiều phim còn sử dụng lời thoại thô bạo để mắng chửi, sỉ vả nhau. Các nhân vật chính hóa thân thành những "đại ca", "chị đại" được tôn sùng, sử dụng kỹ năng võ thuật để trừng phạt kẻ được quy định là nhân vật phản diện. Đa phần tạo hình học sinh nhuộm tóc, để lộ hình xăm mà vẫn ngang nhiên vào trường như trong các phim: "Thiếu gia đi học", "Lớp trưởng tôi là đại ca".
Mặc dù chất lượng không cao, diễn viên không quá nổi tiếng, các phim giang hồ khoác áo học đường này lại đạt được hàng triệu lượt xem với hàng ngàn bình luận. Thậm chí, các phim: "Cô giáo tôi là trùm cuối", "Lớp trưởng tôi là đại ca" còn nằm trong tốp 20 thịnh hành trên YouTube. Đa phần bình luận tập trung vào khen ngợi vẻ ngoài "ngầu" của các nam, nữ chính. Hiếm hoi, một vài bình luận lo ngại cổ xúy bạo lực học đường xuất hiện nhưng nhanh chóng chìm lẫn trong các bình luận khác.
Người trong giới nhận định phim học đường có đối tượng khán giả chủ yếu là người trẻ nên chắc chắn gây mối họa lớn nếu phát triển không kiểm soát như hiện nay. "Tôi nghĩ phim học đường chỉ nên tập trung khắc họa tình cảm lứa đôi, tình bạn bè, hồi tưởng thanh xuân, gia đình, hướng đến chân - thiện - mỹ thì tốt hơn. Những phim khai thác chủ đề bạo lực học đường nhưng lại tập trung vào các cảnh bạo lực để thu hút chú ý mà không phải lên án hay đủ sức cảnh tỉnh người xem thì cần bị kiểm soát. Đó không phải là tự do sáng tạo, không có lợi ích gì cho khán giả trẻ mà đôi lúc còn gây hại khi hình ảnh lặp đi lặp lại. Tôi nghĩ cơ quan quản lý cần có trách nhiệm trong vấn đề này" - nhà báo Cát Vũ nhận định.
Đồng quan điểm, biên kịch Thu Hương cho rằng các khán giả trẻ nhận thức chưa sâu, xem quá nhiều những phim này dễ ảnh hưởng tính cách, kích động bạo lực. "Phải quản lý chặt chẽ, buộc gỡ những phim như thế. Với tác động của chúng đến thế hệ trẻ thì cần thiết cơ quan quản lý nên hành động sớm để tạo môi trường giải trí mạng lành mạnh" - biên kịch Thu Hương góp ý.