Mỗi kỹ sư là một mắt xích nâng cao năng lực sản xuất quốc gia

'Các em học không chỉ cần có việc làm, mà để góp phần xây dựng đất nước. Mỗi kỹ sư bước ra từ nhà trường là một mắt xích trong năng lực sản xuất quốc gia'.

Đó là những chia sẻ sâu sắc của Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng khi trao đổi với Báo Công Thương về tầm quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật nói chung và của ngành Công Thương nói riêng.

Trọng tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng hội nhập

Thưa ông, là một trong những trường đào tạo kỹ thuật có bề dày hơn 100 năm, ông có thể chia sẻ về những ngành nghề thế mạnh mà trường đang đào tạo hiện nay?

TS Lê Đình Kha: Hiện nay, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đào tạo 18 ngành thuộc nhóm công nghệ kỹ thuật. Trong đó chúng tôi đang tập trung đầu tư có chiều sâu vào bốn lĩnh vực kỹ thuật then chốt: Cơ khí chế tạo, Điện - Điện tử, Công nghệ ô tô và Công nghệ thông tin (CNTT) - Tự động hóa thông minh. Đây là những ngành đáp ứng trực tiếp cho chiến lược phát triển công nghiệp hiện đại của đất nước và cũng là những nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao, bền vững và khó bị thay thế bởi tự động hóa.

Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Ảnh: Ngọc Hoa

Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Ảnh: Ngọc Hoa

Cụ thể, ở ngành Cơ khí, chúng tôi đầu tư xưởng CNC, thiết bị gia công 5 trục, mô hình nhà máy thông minh mini. Ngành Điện - Điện tử có hệ thống phòng thí nghiệm năng lượng tái tạo, điều khiển thông minh. Ngành Ô tô đang tích hợp đào tạo động cơ hybrid, chẩn đoán điện tử, ADAS. Và ngành CNTT - Tự động hóa thì có phòng lab lập trình nhúng, robot, dữ liệu lớn.

Điều chúng tôi đặc biệt chú trọng là chất lượng và tính quốc tế trong đào tạo. Minh chứng là hiện đã có 4 chương trình được tổ chức kiểm định chất lượng ABET (Mỹ) công nhận đạt chuẩn quốc tế. Đây là tổ chức uy tín toàn cầu, đòi hỏi quy trình đánh giá rất nghiêm ngặt. Với chứng nhận này, sinh viên của trường có thể liên thông lên các bậc học cao hơn ở các nước phát triển hoặc trực tiếp gia nhập thị trường lao động quốc tế.

Trước nhu cầu thực tế của thị trường lao động hiện nay dành cho kỹ sư thực hành là vô cùng lớn, nhà trường liên kết với các doanh nghiệp ra sao nhằm giúp các em có việc làm ngay sau khi các em tốt nghiệp?

TS Lê Đình Kha: Nhu cầu nhân lực kỹ thuật hiện đang ở mức rất cao và có xu hướng tiếp tục tăng trong dài hạn, đặc biệt ở các ngành mũi nhọn. Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, riêng khu vực phía Nam, mỗi năm thiếu hụt khoảng 150.000 - 200.000 lao động kỹ thuật bậc trung và cao đẳng, trong đó khối ngành kỹ thuật chiếm trên 60%. Một khảo sát từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng: đến năm 2025, thành phố cần hơn 300.000 nhân lực kỹ thuật tay nghề cao, nhưng hiện mỗi năm các trường chỉ mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu thực tế.

Nhà trường đã và đang xây dựng các trung tâm đào tạo mô phỏng nhà máy thông minh, tích hợp các công nghệ mới như tự động hóa, robot, cảm biến công nghiệp và trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Ngọc Hoa

Nhà trường đã và đang xây dựng các trung tâm đào tạo mô phỏng nhà máy thông minh, tích hợp các công nghệ mới như tự động hóa, robot, cảm biến công nghiệp và trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Ngọc Hoa

Thiếu hụt không chỉ ở số lượng, mà còn ở chất lượng cụ thể là kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, khả năng làm việc nhóm, ngoại ngữ và hiểu biết công nghệ mới. Doanh nghiệp cần người “vào làm được ngay”, nhưng nhiều sinh viên ra trường vẫn phải đào tạo lại từ đầu. Chính vì vậy, mô hình đào tạo của Cao Thắng luôn đặt trọng tâm vào thực hành, doanh nghiệp đồng hành và cập nhật công nghệ sát với sản xuất.

Thuận lợi lớn nhất của chúng tôi là bề dày 119 năm đào tạo kỹ thuật thực hành, cùng mạng lưới cựu sinh viên rộng khắp, nhiều người đang giữ vị trí chủ chốt tại các nhà máy, khu công nghiệp lớn. Đây là lực lượng kết nối hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp, hỗ trợ cập nhật chương trình, đầu tư thiết bị và mở rộng cơ hội thực tập, việc làm. Thêm vào đó, nhu cầu nhân lực kỹ thuật hiện rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số. Doanh nghiệp đang ưu tiên hợp tác với các trường đào tạo uy tín, nơi sinh viên có thể làm được việc ngay.

Tuy nhiên, thách thức cũng rất rõ ràng. Công nghệ thay đổi quá nhanh, thiết bị giảng dạy dễ lạc hậu nếu không đầu tư kịp thời, trong khi nguồn lực tài chính còn hạn chế. Giảng viên kỹ thuật phải đảm nhiệm nhiều vai trò vừa dạy, vừa cập nhật công nghệ, quản lý xưởng, nghiên cứu và cả truyền thông chuyên môn. Bên cạnh đó, định kiến xã hội đối với giáo dục nghề vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn, nhất là với nữ sinh kỹ thuật.

Để vượt qua, nhà trường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Chúng tôi xây dựng mô hình “đào tạo ba bên”: nhà trường, doanh nghiệp, sinh viên. Trong đó, doanh nghiệp không chỉ là nơi tuyển dụng mà tham gia ngay từ khâu xây dựng chương trình. Từ năm 2013, tất cả các chương trình đào tạo đều có sự thẩm định và đồng hành của Hội đồng tư vấn nghề nghiệp với hơn 200 doanh nghiệp thành viên. Sinh viên được tiếp cận máy móc thực tế ngay từ năm nhất, học lý thuyết song song với thực hành, tham gia các dự án thật. Đặc biệt, năm cuối các em bắt buộc thực tập toàn thời gian tại doanh nghiệp từ 4-6 tháng, nhiều bạn còn được nhận vào làm chính thức ngay khi tốt nghiệp.

Mỗi kỹ sư là một mắt xích nâng cao năng lực sản xuất quốc gia. Ảnh: Ngọc Hoa

Mỗi kỹ sư là một mắt xích nâng cao năng lực sản xuất quốc gia. Ảnh: Ngọc Hoa

Đào tạo đúng nghề, đúng xu hướng

Trước làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0 với những đòi hỏi ngày càng cao về công nghệ và kỹ năng, nhà trường đã triển khai những giải pháp gì để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thích ứng trong bối cảnh mới?

TS Lê Đình Kha: Để thích ứng với bối cảnh sản xuất thông minh và nhu cầu nhân lực chất lượng cao, nhà trường đã và đang xây dựng các trung tâm đào tạo mô phỏng nhà máy thông minh, tích hợp các công nghệ mới như tự động hóa, robot, cảm biến công nghiệp và trí tuệ nhân tạo. Những phòng thực hành hiện đại này phần lớn được tài trợ bởi doanh nghiệp đối tác trong và ngoài nước, giúp sinh viên tiếp cận sớm với môi trường sản xuất thực tế ngay tại trường.

Song song với đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng đào tạo năng lực mềm như kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện, giao tiếp kỹ thuật, kỹ năng số và quan trọng nhất là tinh thần tự học, tự thích nghi. Sinh viên được khuyến khích tham gia các cuộc thi nghề, các dự án khởi nghiệp sáng tạo và các chương trình hướng nghiệp thực tế do trường phối hợp cùng doanh nghiệp tổ chức. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là đào tạo ra những người “có bằng”, mà là những kỹ thuật viên “nói được, làm được” có thể hội nhập ngay với dây chuyền sản xuất hiện đại và sẵn sàng thích nghi với mọi thay đổi.

Kết quả của định hướng này đã được minh chứng bằng chính cơ hội việc làm thực tế của sinh viên sau tốt nghiệp. Theo khảo sát ba khóa gần nhất, hơn 92% sinh viên thuộc các ngành kỹ thuật mũi nhọn như Cơ khí, Điện - Điện tử, Ô tô, CNTT - Tự động hóa có việc làm chỉ trong vòng 6 tháng sau tốt nghiệp.

Về thu nhập, mức lương khởi điểm của sinh viên dao động từ 10 đến 14 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, nhiều bạn làm tại doanh nghiệp FDI hoặc các tập đoàn công nghệ có thể đạt từ 18 đến 22 triệu đồng ngay từ năm đầu đi làm. Đáng mừng hơn, không ít sinh viên sau 2-3 năm đã trở thành tổ trưởng kỹ thuật, kỹ sư quản lý, hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực gia công cơ khí, lập trình phần mềm, mở Garage ô tô…

Có được kết quả này là nhờ phương châm đào tạo lấy thực hành làm trung tâm. Suốt ba năm học, sinh viên Cao Thắng dành tới 60% thời lượng chương trình cho các hoạt động thực hành, với ba kỳ thực tập tại doanh nghiệp được thiết kế theo lộ trình rõ ràng. Điều đó giúp các em hiểu sâu quy trình sản xuất, văn hóa doanh nghiệp, chuẩn hóa kỹ năng ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, một lợi thế không thể thay thế trên thị trường lao động đang ngày càng thực dụng và cạnh tranh khốc liệt.

-Trân trọng cảm ơn ông!

“Quan điểm xuyên suốt của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đó là không đào tạo thật nhiều, mà đào tạo thật trúng, đúng nghề, đúng xu hướng. Các em học không chỉ để có việc, mà để góp phần xây dựng đất nước. Mỗi kỹ sư thực hành bước ra từ nhà trường là một mắt xích trong năng lực sản xuất quốc gia, là người kiến tạo trong nền kinh tế số và công nghiệp 4.0” - TS Lê Đình Kha nhấn mạnh.

Đỗ Nga - Ngọc Hoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/moi-ky-su-la-mot-mat-xich-nang-cao-nang-luc-san-xuat-quoc-gia-409609.html