Tin nóng công nghệ 8/7: iOS 26 beta 3 thêm tính năng mới, Huawei phủ nhận sao chép AI của Alibaba
Apple phát hành iOS 26 beta 3 sửa lỗi chuông và thêm tính năng mới, Huawei phủ nhận sao chép Qwen của Alibaba, vũ trụ sẽ co dần lại trong 7 tỷ năm tới... là tin KHCN nổi bật ngày 8/7.
1. iOS 26 Beta 3: vá lỗi nhạc chuông, thêm Visual Intelligence và cải tiến pin

Ảnh minh họa: Phone Arena
Apple vừa phát hành iOS 26 Beta 3, mở rộng cho người dùng Public Beta dự kiến trong tháng 7 và bản ổn định ra mắt tháng 9. Bản cập nhật giải quyết một lỗi nghiêm trọng khiến nhiều mẫu iPhone, như iPhone 15 Pro Max, không đổ chuông khi có cuộc gọi đến.
Một trong các tính năng nổi bật là Visual Intelligence cho ảnh chụp màn hình: hai phím “Ask” cho phép đặt câu hỏi về nội dung trong ảnh, và “Image Search” để tìm thêm thông tin liên quan. Apple cũng bổ sung thêm nhiều tùy chọn màu sắc mới cho hình nền mặc định (Shadow, Dusk, Sky, Halo), cải thiện thời lượng pin và khắc phục tình trạng máy nóng hoặc chậm chạy trên một số thiết bị.
2. Điện thoại Apple và Samsung ngày càng khác biệt về chiến lược phần cứng

Điện thoại cao cấp của Apple và Samsung. Ảnh: Phone Arena
Apple và Samsung đang có hướng đi phân kỳ rõ rệt trong việc phát triển điện thoại cao cấp. Samsung dự kiến đưa Galaxy S26 Ultra siêu mỏng (dưới 8 mm) ra đầu năm 2026, tiếp tục tinh thần của S25 Edge, trang bị pin 5.000 mAh sử dụng công nghệ pin mật độ cao nhằm giữ dung lượng lớn dù thân máy mỏng; đồng thời nâng cấp RAM lên 16 GB để hỗ trợ AI và chạy đa nhiệm tốt hơn.
Trong khi đó, Apple giữ hướng tích hợp hơn là chạy theo xu hướng siêu mỏng. iPhone 17 Pro Max dày khoảng 8,76 mm, tăng pin 5.000 mAh thay vì giảm độ dày như trước, kết hợp RAM 12 GB đủ dùng cho Apple Intelligence nhưng không đua theo Samsung. Ngoài ra, Apple chuẩn bị ra mắt dòng iPhone 17 Air "siêu mỏng" chỉ 5,5 mm nhưng dung lượng pin chỉ khoảng 2.800 mAh, bù lại bằng công nghệ pin silic-anô mới giúp tăng 15% dung lượng so với pin truyền thống.
3. Samsung Electronics ghi nhận lợi nhuận Q2 sụt giảm 56%

Khách hàng xem các sản phẩm tại một cửa hàng của Samsung ở Seoul. Ảnh: Reuters
Samsung Electronics ước tính lợi nhuận hoạt động quý 2/2025 đạt khoảng 4,6 nghìn tỷ won, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn nhiều so với dự báo 6,2 nghìn tỷ won của giới phân tích. Doanh thu quý này cũng dự kiến giảm nhẹ 0,1% xuống còn 74 nghìn tỷ won so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kém tích cực bao gồm các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc từ Mỹ, điều chỉnh giá trị tồn kho trong mảng chip nhớ và việc chậm cấp phép, giao hàng các dòng HBM mới cho NVIDIA.
Mảng sản xuất hợp đồng (foundry) cũng tiếp tục lỗ do công suất sử dụng thấp. Samsung cho biết họ đang đánh giá và triển khai lô chip HBM cao cấp, đồng thời kỳ vọng lợi nhuận có thể hồi phục dần trong quý III.
4. Huawei phủ nhận cáo buộc sao chép AI từ Alibaba

Mô hình AI Qwen do Alibaba phát triển. Ảnh: Reuters
Noah Ark Lab – đơn vị nghiên cứu AI của Huawei đã bác bỏ lời tố cáo từ nhóm HonestAGI rằng mô hình Pangu Pro Moe của họ đã “sao chép” một phần từ Qwen 2.5 14B của Alibaba. Báo cáo trên GitHub cho rằng mô hình của Huawei cho thấy “mức tương quan bất thường” và có thể được phát triển bằng cách “upcycling” thay vì huấn luyện từ đầu.
Trong phản hồi, Huawei khẳng định Pangu Pro Moe là sản phẩm được tự phát triển toàn bộ trên nền tảng chip nội địa Ascend, với thiết kế kiến trúc và tính năng kỹ thuật độc lập, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các giấy phép mã nguồn mở.
Cuộc tranh cãi phản ánh áp lực cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực AI nội địa Trung Quốc, đặc biệt giữa các “ông lớn” như Huawei và Alibaba sau khi startup DeepSeek giới thiệu R1 vào đầu năm nay. Alibaba chưa đưa ra bình luận, trong khi danh tính và phương pháp của HonestAGI vẫn còn gây tranh cãi.
5. Vũ trụ sẽ bắt đầu co lại trong 7 tỷ năm tới

Một nhóm vật lý từ Cornell, Đại học Giao thông Thượng Hải và các tổ chức khác đã mô phỏng dựa trên dữ liệu khảo sát thiên văn, bao gồm Dark Energy Survey và DESI, cho thấy vũ trụ hiện đang mở rộng nhưng sẽ đạt điểm cực đại và bắt đầu co lại trong khoảng 7 tỷ năm tới, dẫn đến kết thúc bằng một kịch bản “Big Crunch” vào khoảng 33,3 tỷ năm sau Big Bang. Điều này đặt dấu chấm hỏi cho giả thuyết “Big Freeze”, tức vũ trụ sẽ mở rộng mãi mãi.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng năng lượng tối đang suy yếu dần trong vòng 4 - 5 tỷ năm qua, cho thấy lực đẩy giãn nở hiện không đủ để chống lại lực hấp dẫn. Khi đạt kích thước lớn nhất, khoảng 69% so với hiện tại, vũ trụ sẽ quay đầu co lại, cuối cùng sụp đổ thành một điểm duy nhất. Mô hình này có sai số khá lớn vì phụ thuộc vào cách hiểu về năng lượng tối, nên vẫn cần thêm dữ liệu từ các dự án thiên văn tương lai để xác nhận.