Mỗi kỷ vật - một cuộc đời, một khúc tráng ca

Từng trang nhật ký, từng lá thư hoen màu theo thời gian như những mảnh ghép thiêng liêng, tái hiện cuộc đời và lý tưởng cao đẹp của những con người đã ngã xuống vì đất nước.

Trong căn nhà lưu niệm của gia đình ông Nguyễn Đình Cảnh (SN 1952, ở thôn Hưng Mỹ, xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên), những kỷ vật quý báu về liệt sỹ Công an nhân dân Nguyễn Thuận (1924-1969) được con cháu trân trọng và giữ gìn cẩn thận.

 Những kỷ vật của liệt sỹ Nguyễn Thuận được gia đình ông Nguyễn Đình Cảnh (bên phải) gìn giữ cẩn thận.

Những kỷ vật của liệt sỹ Nguyễn Thuận được gia đình ông Nguyễn Đình Cảnh (bên phải) gìn giữ cẩn thận.

10 bức thư đánh số thứ tự rõ ràng được viết trên đường hành quân và chiến đấu, 13 lời căn dặn dành riêng cho người con trai thứ hai Nguyễn Đình Cảnh cùng nhiều hình ảnh liệt sỹ Nguyễn Thuận chụp với đồng đội vẫn còn nguyên nét mực, thấm đẫm tình yêu thương dành cho gia đình, làng xóm, quê hương, ngập tràn khát vọng độc lập, tự do, khát vọng sống...

Ông Cảnh không giấu nổi xúc động khi nhớ về người cha kính yêu của mình: “Cha tôi là Phó Trưởng Công an xã Cẩm Thành từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, được kết nạp Đảng năm 1949. Năm 1955, ông được biên chế vào Công an tỉnh Hà Tĩnh.

Đầu năm 1967, chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt, cha tôi nhận được lệnh vào chiến trường miền Nam, trực tiếp tham gia chiến đấu. Khi cha ra đi, tôi tròn 15 tuổi, anh trai đi học xa nhà, 3 em còn nhỏ dại nên tôi được cha tin tưởng giao phó trọng trách yêu thương, bảo ban các em học hành; chăm sóc, động viên ông và mẹ”.

 Những lời căn dặn, những lá thư được đánh số thứ tự gửi về từ chiến trường.

Những lời căn dặn, những lá thư được đánh số thứ tự gửi về từ chiến trường.

Từ tháng 1/1968 - 5/1969, đều đặn 10 bức thư được ông Nguyễn Thuận đánh số theo thứ tự gửi về cho vợ con từ chiến trường. Ngoài việc thông báo tình hình của bản thân, địa điểm và thời gian hành quân, đóng quân trên chiến trường, thăm hỏi sức khỏe của gia đình, làng xóm, trong mỗi bức thư, ông đều không quên căn dặn, động viên vợ và các con luôn giữ vững tinh thần, ý chí.

“Điều nhớ thương là tất nhiên… nhưng phải phát huy vinh dự của gia đình, phát huy tinh thần làm chủ của mỗi người trong tình hình chống Mỹ cứu nước để góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Do đó, mọi việc nhớ thương đều phải gác lại, phải hy sinh tình cảm riêng tư để phục vụ sự nghiệp cách mạng vĩ đại và cao cả”...

Những câu chữ mang đầy tinh thần trách nhiệm, khí phách của một người chiến sỹ, một đảng viên trước vận mệnh của Tổ quốc đã trở thành chỗ dựa, niềm động viên lớn để vợ và các con vững vàng nơi hậu phương.

Sau bức thư thứ 10 được viết bằng mực đỏ, gia đình bặt tin ông. Hơn 7 năm trời đằng đẵng ngóng trông, tháng Giêng năm 1976, gia đình, vợ con đau đớn nhận được tin báo tử của liệt sỹ Nguyễn Thuận. Ông đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh ngày 27/7/1969 tại xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận).

 Ông Nguyễn Đình Cảnh luôn nhắc nhở con cháu về những hy sinh cao cả của cha ông để thêm trân quý giá trị cuộc sống hòa bình hôm nay.

Ông Nguyễn Đình Cảnh luôn nhắc nhở con cháu về những hy sinh cao cả của cha ông để thêm trân quý giá trị cuộc sống hòa bình hôm nay.

Xâu chuỗi các thông tin về thời gian, địa điểm trong những bức thư, cùng với việc kết nối dữ liệu từ đơn vị, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, ông Cảnh đã rong ruổi khắp nơi để tìm và đưa phần mộ của cha về với quê hương đất mẹ. Năm 1982, hài cốt liệt sỹ Nguyễn Thuận được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Núi Nài (TP Hà Tĩnh).

Nhớ thương, tự hào về người cha đáng kính, trân trọng những kỷ vật mà cha đã để lại cho gia đình, ông Cảnh đã ép plastic 10 bức thư, chép tay, đánh máy lại toàn bộ nội dung theo nguyên bản; đóng khung thư từ, hình ảnh của cha và treo trang trọng tại căn nhà lưu niệm của gia đình như một sự nhắc nhớ các thế hệ con cháu về những hy sinh cao cả của cha ông để thêm trân quý giá trị cuộc sống hòa bình hôm nay.

Những kỷ vật của người chồng là liệt sỹ cũng được bà Hồ Thị Hiệt (SN 1934, thôn Thanh Hòa, xã Phù Lưu, Thạch Hà) lưu giữ, bảo quản cẩn thận suốt 60 năm qua. Chồng bà Hiệt là liệt sỹ Phạm Quang Huy (1935-1965) quê xã Thụ Lộc - Can Lộc (nay là xã Phù Lưu - Thạch Hà). Ông từng tham gia kháng chiến chống Pháp, phục vụ chiến đấu cho Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

 Bà Hồ Thị Hiệt - vợ liệt sỹ Phạm Quang Huy vẫn giữ một tình yêu son sắt với chồng suốt 60 năm qua.

Bà Hồ Thị Hiệt - vợ liệt sỹ Phạm Quang Huy vẫn giữ một tình yêu son sắt với chồng suốt 60 năm qua.

Đầu năm 1963, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta bước vào giai đoạn mới, lệnh tổng động viên được ban hành, ông Huy tiếp tục xung phong lên đường nhập ngũ. Anh dũng chiến đấu trên các chiến trường ở miền Nam, tháng 11/1965, ông Huy hy sinh, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, vợ con, đồng đội.

Niềm an ủi lớn lao của gia đình là còn lưu giữ được rất nhiều kỷ vật của ông như: cuốn nhật ký dày dặn ghi lại quá trình chiến đấu, những câu chuyện về nghĩa tình đồng đội nơi chiến trường, lý tưởng cao đẹp của người lính Cụ Hồ; những bức thư, những vần thơ nhuộm thắm tình yêu, nỗi nhớ thương dành cho gia đình, vợ con, làng xóm; những chiếc huân huy chương cũ sờn theo năm tháng, chất chứa bao chiến công đáng tự hào.

“Nếu anh trở về được thì tốt, còn nếu không thì em hãy chăm sóc, nuôi dạy các con” - lời dặn trong bức thư cuối cùng của liệt sỹ Phạm Quang Huy gửi cho vợ đã trở thành động lực để 60 năm qua, bà Hiệt ở vậy thờ chồng, nuôi các con khôn lớn trưởng thành.

 Nhật ký, thư từ của liệt sỹ Phạm Quang Huy vẫn được gia đình cất giữ như báu vật.

Nhật ký, thư từ của liệt sỹ Phạm Quang Huy vẫn được gia đình cất giữ như báu vật.

Hằng năm, mỗi độ tháng Tư về, con cháu của liệt sỹ Phạm Quang Huy lại tìm về Nghĩa trang Trường Sơn - nơi yên nghỉ của ông và các đồng đội để thắp nén nhang tưởng nhớ và tri ân những hy sinh, những chiến công bất diệt của những con người bất tử.

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, những kỷ vật của các anh hùng, liệt sỹ để lại cho gia đình, đồng đội như những mảnh ghép thiêng liêng, nối liền quá khứ và hiện tại. Nhiều kỷ vật trong số đó đã hé lộ thông tin quý giá giúp gia đình, địa phương, đơn vị tìm kiếm được phần mộ của liệt sỹ, nhưng vẫn còn đó nhiều gia đình đau đáu nỗi niềm khi không biết người thân của mình đang nằm lại nơi đâu. Kỷ vật người đã khuất để lại càng thôi thúc họ phải nỗ lực kiếm tìm.

Mười bảy tuổi, chàng trai trẻ Phạm Quốc Chiến (SN 1954), ở xã Sơn Hàm (nay là xã Hàm Trường, Hương Sơn) xung phong khoác balo lên đường vào Nam chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Những tháng ngày hành quân và chinh chiến, như một thói quen, ông Chiến thường mở đầu trang thư với dòng chữ thân thuộc: “Thưa bà, cha mẹ kính mến! Các em thương nhớ! Con lại biên thư về cho gia đình lúc con đang đi làm nhiệm vụ...”.

Những câu chuyện trong điều kiện sống thiếu thốn, gian khổ ở chiến trường, những trận đánh khốc liệt, những hy sinh mất mát của đồng đội… đều được ông Chiến kể chi tiết cho bà nội, cha mẹ và các em.

 Mỗi kỷ vật của liệt sỹ là một câu chuyện kể về một cuộc đời, một khúc tráng ca.

Mỗi kỷ vật của liệt sỹ là một câu chuyện kể về một cuộc đời, một khúc tráng ca.

Thế rồi những cánh thư thưa dần. Ngày 18/7/1972, ông Phạm Quốc Chiến anh dũng hy sinh trong một trận đánh tại chiến trường miền Nam. Thế nhưng, vì điều kiện chiến tranh khốc liệt, phải đến tháng 5/1974, gia đình mới nhận được tin báo tử về ông. Và cũng từ đó đến nay, đã hơn 50 năm, gia đình liệt sỹ Phạm Quốc Chiến vẫn mòn mỏi ngóng trông, kiếm tìm phần mộ của ông.

Bà Phạm Thị Trường - em gái liệt sỹ Chiến cho biết: “Cũng có những manh mối về phần mộ của anh trai tôi, nhưng để tìm kiếm và xác minh còn là cả một quá trình dài khó khăn. Gia đình vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm để đưa anh về với quê hương bởi mãi đến khi nhắm mắt xuôi tay, cha mẹ tôi vẫn đau đáu nỗi lòng vì không biết con trai mình đã nằm lại nơi đâu”.

Mỗi kỷ vật của liệt sỹ để lại là câu chuyện kể về một cuộc đời, một khúc tráng ca. Giữ gìn và trân trọng những kỷ vật ấy cũng chính là giữ gìn ký ức lịch sử, góp phần giáo dục thế hệ sau biết trân quý hơn giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay.

Kiều Minh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/moi-ky-vat-mot-cuoc-doi-mot-khuc-trang-ca-post286787.html