Mới lạ phim chuyển thể từ chuyện tranh
Truyện tranh được chuyển thể thành phim điện ảnh hay phim truyền hình không còn xa lạ với điện ảnh thế giới. Thế nhưng đối với xứ Việt, đây là loại hình hoàn toàn mới mẻ chờ đợi người khai phá.
Bước tiên phong của phim chuyển thể từ truyện tranh Việt Nam thuộc về "Trạng Tí" và "Lời nguyền tuổi 17". Dự án điện ảnh "Trạng Tí" của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân lấy cốt chuyện từ series truyện tranh nổi tiếng "Thần đồng đất Việt".
Có thể xem "Thần đồng đất Việt" là bộ truyện tranh thiếu nhi thuần Việt thành công nhất đến thời điểm này. Hơn 15 năm qua, "Thần đồng đất Việt" đã xuất bản hơn 200 tập. Với nét vẽ hóm hỉnh, sinh động, mẫu đối đáp hài hước, các nhân vật nhỏ tuổi Tí, Sửu, Dần, Mẹo của làng Phan Thị thời Hậu Lê hiện ra đầy đáng yêu, cuốn hút.
Là cậu bé nhà nghèo nhưng tài trí hơn người, Tí thi đỗ và trở thành Trạng Nguyên nhỏ tuổi nhất của nước Đại Việt, ra làm quan phò vua giúp nước, chống lại âm mưu xâm lược của các thế lực ngoại bang. Nội dung mỗi tập trưng trổ trí thông minh, sự ham học, lém lỉnh của Trạng Tí.
Hầu hết câu chuyện của Trạng Tí đều lấy cảm hứng từ những giai thoại, sự kiện có thật về các danh sĩ, trạng nguyên nước ta như Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh... Do đó, "Thần đồng đất Việt" không chỉ thu hút độc giả nhỏ tuổi mà còn chinh phục cả người trưởng thành.
Mang tham vọng xây dựng "vũ trụ điện ảnh dân gian Việt Nam", Ngô Thanh Vân đương nhiên không thể bỏ qua hấp lực của "Thần đồng đất Việt". Từng thành công với phim "Ngày xửa ngày xưa", "Tấm Cám - Chuyện chưa kể", Ngô Thanh Vân muốn khai thác sâu vốn quý dân tộc, đưa bản sắc đất nước phủ sóng điện ảnh.
"Thần đồng đất Việt" khi được chuyển thể sang điện ảnh có tên gọi khác là "Trạng Tí" và được Ngô Thanh Vân giao cho đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cầm trịch. Đảm nhiệm vai Trạng Tí kiệt xuất, hiếu thảo, yêu nước thương dân là diễn viên nhí Hữu Khang. Ekip sản xuất mất nhiều năm trời lựa chọn những câu chuyện đặc sắc nhất trong hơn 200 tập truyện để viết 5 tập của series phim điện ảnh "Trạng Tí". Các tập sẽ lần lượt được công chiếu vào dịp Tết hoặc hè hằng năm.
Hồi mới công bố những hình ảnh đầu tiên về dự án, "Trạng Tí" đã được người hâm mộ nức lòng đón đợi và ủng hộ nhiệt tình. Tạo hình các nhân vật trung thành với nguyên tác hứa hẹn sẽ tạo nên một bộ phim đáng xem. Năm nay, vì dịch Covid nên tập đầu tiên của series phim điện ảnh "Trạng Tí" phải hoãn ngày ra rạp 1-5 để chờ đợi lịch chiếu mới.
"Bad luck - Số nhọ" là truyện tranh thuộc thể loại học đường mới nổi lên gần đây của họa sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Châu. Chào sân bằng các thước truyện đăng lên mạng, "Số nhọ" nhanh chóng thu hút lượng fan "khủng" bởi tính độc lạ, hài hước, lầy lội và chất đời. Truyện kể về cô nữ sinh An nghịch ngợm và ngu ngơ.
Vào ngày sinh nhật thứ 17, An đón nhận tin "sét đánh" rằng cô sở hữu năng lực di truyền từ cha mình: khả năng đem lại sự xui xẻo cho người khác. Khả năng này nhanh chóng phát huy tác dụng khiến An và bạn bè cô đối diện với vô vàn chuyện tréo ngoe, oái oăm cười ra nước mắt.
Sự cuốn hút của bộ truyện đã chinh phục nhà xuất bản để "Số nhọ" đàng hoàng đến tay công chúng bằng ấn phẩm thơm mùi giấy mới. Nối tiếp niềm vui, họa sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Châu được hãng VG Entertainment ngỏ lời mua bản quyền "Số nhọ" để sản xuất phim sitcom và một phim điện ảnh chiếu rạp.
Cuối năm 2018, bản phim sitcom mang tên "Lời nguyền tuổi 17" chính thức lên sóng. Phim gồm 24 tập, quy tụ dàn diễn viên trẻ trung, tài năng như Trúc Mây, Lý Hồng Ân, Phát La, Tuấn Kiệt, Mạc Văn Khoa, Hoa hậu Phan Thị Mơ...
Lâu nay, giới làm phim trong nước luôn kêu ca về việc thiếu kịch bản trầm trọng. Để cầu cứu, nhiều phim Việt ồ ạt mượn hoặc làm lại (remake) kịch bản của nước ngoài. Số khác lấy cốt truyện từ các tác phẩm văn chương nổi tiếng. Lĩnh vực truyện tranh cũng là vựa kịch bản đắt giá cho điện ảnh. Thế nhưng ở nước ta, truyện tranh lại ít được chú ý.
Tính đến nay, chúng ta chỉ mới có hai phim chuyển thể từ truyện tranh với bước đi còn mang tính thăm dò. Trong khi ở nước ngoài, phim chuyển thể từ truyện tranh đã có bề dày và gặt hái thành công vang dội. Nổi bật nhất có thể kể đến các bộ phim đình đám của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... như: "Biệt đội siêu anh hùng", "Joker", "Ngôi nhà hạnh phúc", "Hoàng cung", "Tầng lớp Iteawon", "Thợ săn thành phố", "Định mệnh anh yêu em", "Thơ ngây", "Jin", "Thám tử Kindaichi", "Long hổ môn"...
Khi công chiếu tại Việt Nam, những tác phẩm này trở thành "bom tấn" ăn khách. Lượng fan truyện tranh hùng hậu là khán giả tiềm năng cho phim chuyển thể. Bởi ai cũng háo hức chờ đợi nhân vật truyện tranh mình yêu thích bước ra đời thật, là con người sinh động bằng xương bằng thịt. Truyện tranh rất gần với khâu vẽ chuyện nền cho một bộ phim live-action (phim người thật đóng) trước khi sản xuất vì nó có sẵn tạo hình nhân vật, bối cảnh, khuôn hình, phân cảnh, lời thoại...
Vậy nên, ekip sản xuất không cần quá nhọc công, chỉ cần bắt chước đúng những gì trong bản gốc là đã có thể lấy lòng ban đầu với khán giả. Chính vì vậy, hầu hết các bộ phim chuyển thể thành công đều giữ gần như nguyên vẹn tạo hình, tình huống, phân cảnh của bản truyện tranh.
Sở dĩ nhà làm phim ít chú ý đến truyện tranh Việt bởi số lượng tác phẩm đạt chất lượng và đủ sức lên được màn ảnh vô cùng khiêm tốn. Ngay trong giới truyện tranh, số tác phẩm chinh phục công chúng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để ý kỹ sẽ thấy các bộ truyện quốc tế được lên phim đều là truyện dài nhiều tập với nội dung nhiều kịch tính, lớp lang và thông điệp.
Trong khi đó ở nước ta lại rộ lên mốt truyện tranh ngắn và siêu ngắn với đề tài khá bựa, hài với một vài góc tranh đơn giản để giải trí hoặc châm biếm như "Mèo Mốc", "Chuyện tào lao của Vàng Vàng", "Thỏ Bảy Màu"...
Những truyện ngắn này không thể dựng thành phim. Họa sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Châu cho biết việc truyện ngắn phủ sóng rộng khắp bởi một số tác giả chạy theo kiểu ăn xổi, một số đi theo kiểu lấy ngắn nuôi dài.
"Thu nhập từ nghề sáng tác truyện tranh không đủ sống buộc họa sĩ phải làm nghề tay trái để mưu sinh. Để đỡ nhớ nghề và giữ chân độc giả, họ tìm vui với truyện siêu ngắn. Sáng tác truyện dài mất rất nhiều thời gian và tâm sức nên chỉ những ai thực sự đam mê, bền bỉ mới có thể gắn bó. Không ít bộ truyện dài từ 30, 40 tập, họa sĩ phải mất hàng chục năm trời mới hoàn thiện" - cô cho biết.
Ngoài ra, lâu nay ở xứ Việt, truyện tranh vẫn bị mặc định là dành cho thiếu nhi nên nội dung bó hẹp, đơn điệu. Các đề tài, câu chuyện của người lớn ít được truyện tranh Việt khai thác để cho ra lò những bộ truyện đình đám như các siêu cường truyện tranh Nhật Bản, Hàn Quốc. Truyện tranh nước bạn phát triển đến mức chia ra nhiều dòng như tâm lý tình cảm, hài hước, kinh dị, hành động, cổ trang, kỳ ảo, trinh thám..., rất phù hợp để giới làm phim tha hồ lựa chọn.
Vài năm gần đây, sự ra đời của cộng đồng truyện tranh Comicola với các hình thức gây quỹ cộng đồng đã giúp nhiều dự án truyện tranh dài hơi của Việt Nam được đỡ đầu. Đời sống truyện tranh Việt nhờ vậy thoát khỏi sự trầm lắng. Đột phá nhất và tiệm cận với nền truyện tranh thế giới có thể kể đến bộ "Long Thần Tướng", "Cánh hoa trôi giữa hoàng triều", "Bad luck - Số nhọ", "Địa ngục môn"....
Hiện những bộ truyện này vẫn đang trong giai đoạn hoàn thành các tập tiếp theo ở phần đầu dự án. Đây là "mỏ vàng" lý tưởng để nhà sản xuất đưa lên màn ảnh, góp thêm món ăn tinh thần phong phú, tươi mới. Phim chuyển thể từ truyện tranh là mảnh đất hứa hẹn sẽ bùng nổ trong tương lai, tạo thành xu hướng làm phim mới bởi dư địa phát triển còn quá rộng lớn và tiềm năng. Nhưng bùng nổ như thế nào và được đến đâu, tất cả đều trông chờ vào cái bắt tay của nhà làm phim và giới truyện tranh.
Bởi như ông Jeong Jong-kwon, Giám đốc văn phòng đại diện Học viện King Sejong (Hàn Quốc) tại Việt Nam nhận định: "Nếu truyện tranh Hàn Quốc đã có thị trường ổn định và phát triển mạnh mẽ thì tại Việt Nam mọi thứ còn ở giai đoạn bắt đầu. Do đó, nó là mảnh đất màu mỡ cần khai phá. Lực lượng họa sĩ Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp truyện tranh chỉ mới tăng lên vài năm gần đây và hứa hẹn tương lai sẽ tạo nên bứt phá ngoạn mục".