'Mối liên hệ' của hơn 400 tiểu sành mới phát hiện và tục cải táng
Việc các công nhân làm đường vào cuối tháng 11/2024 đã phát hiện tại ngõ 167 Tây Sơn, Hà Nội hơn 400 mộ tiểu và hài cốt, trong đó có khoảng 150 tiểu sành nằm thẳng hàng sát bên nhau được nhiều người quan tâm.
Về nguồn gốc của chúng, có giả thuyết cho rằng khu vực này xưa là một nghĩa địa nên số tiểu đó là của những người dân được chôn cách đây khoảng 50-70 năm. Giả thuyết khác lại cho đó là tiểu của những nạn nhân chết đói năm 1945.
Theo tôi, giả thuyết của nhà sử học Dương Trung Quốc coi đó là một phần khu mộ cải táng tập thể của các liệt sĩ Tây Sơn trong trận chiến diệt quân Thanh năm 1789, là có lý nhất.
Cơ sở cho giả thuyết đó là: số tiểu này nằm cách không xa chùa Kim Sơn, tên gốc là chùa Tây Sơn, xưa vốn là nơi cầu siêu cho anh linh các liệt sĩ Tây Sơn.
Tương truyền, sau trận chiến xuân Kỷ Dậu năm 1789, hàng ngàn thi thể tướng sĩ Tây Sơn trên đất Thăng Long đã được quy tập về chôn ở khu vực thuộc trại Kim Mã xưa. Từ đó, vào ngày giỗ trận Đống Đa mồng 5 tháng Giêng, chùa Kim Sơn đều tổ chức lễ tế vong hồn các liệt sĩ Tây Sơn.
Như vậy, rất có thể vào đầu thời Nguyễn, tức đầu thế kỷ XIX, chính các nhà sư chùa Kim Sơn đã kín đáo vận động người dân địa phương cải táng các hài cốt, lập ra khu mộ tập thể của các liệt sĩ Tây Sơn. Điều này lý giải việc các tiểu sành được chôn một cách rất quy củ, cẩn thận và di cốt trong tiểu sau hơn 200 năm(?) hầu như không còn.
Nhân sự phát hiện trên, chúng ta có thể tìm hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của tục cải táng trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Tục cải táng, trong sách báo Khảo cổ học và Dân tộc học trên thế giới thường được gọi là "lễ tang lần thứ hai", thường được tiến hành vài ba năm sau lễ tang đầu tiên dành cho người chết. Trong lễ tang thứ hai, từ phần xác đã tan rữa người ta thu gom phần xương, đặc biệt là xương sọ của người chết, làm sạch, tô điểm, cho chúng vào quan tài nhỏ và đưa chúng từ một chỗ tạm thời tới nơi an nghỉ vĩnh viễn.
Tư liệu khảo cổ học cho thấy tục cải táng đã tồn tại từ thời Đá Cũ (cách đây khoảng 5.000 năm) cho đến tận thời nay ở nhiều nơi trên thế giới.
Phong tục đó bắt nguồn từ một niềm tin phổ biến thời xa xưa, theo đó xương người là nơi trú ngụ của sức sống và linh hồn, là cội nguồn cho sự phục sinh hay tái sinh. Từ đó, người xưa có tục thu gom, làm sạch xương người chết, đặc biệt là sọ, chôn cất trong một vật riêng (tiểu sành, chum, vại…), đặt ở một chỗ riêng.
Người xưa cũng tin rằng, người chết sau khi chôn ở đám ma lần đầu, hồn còn gắn với xác, vẫn có thể làm hại người sống. Chỉ sau khi thể xác tan rã, xương được thu gom, cất giữ ở một nơi riêng, hồn người chết mới có thể siêu thoát thực sự. Lễ cải táng chính là nghi lễ để tiễn đưa hồn người chết về với tổ tiên ở thế giới bên kia, bằng cách đó, người sống - con cháu mới được an yên và may mắn. Từ quan niệm trên, ở người Việt, việc chôn cất hay mai táng thi thể trong đám ma lần đầu gọi là "hung táng", còn việc làm sạch, chôn cất xương người chết trong lễ cải táng gọi là "cát táng".
Ở nhiều tộc người, tục cải táng còn gắn với các quan niệm về địa lý - phong thủy, coi việc chôn xương tổ tiên ở nơi đất tốt - chứa nhiều linh khí, sẽ đem lại sự thịnh vượng tốt lành cho con cháu. Trong lịch sử, tục cải táng biến hóa rất đa dạng, từ quan niệm đến cách thức.
Tại vùng Trung Cận Đông thời Đá Mới cách đây 6.000 - 9.000 năm, trong lễ cải táng, người xưa bỏ đi xương hàm trên hộp sọ, hốc mắt mũi được phủ đất sét. Để giống khuôn mặt thật, vỏ ốc được lắp thay cho mắt và bột màu được tô vẽ tạo râu tóc. Các đầu người đó được dùng để tưởng niệm và thờ cúng. Chúng trở thành bằng chứng xa xưa nhất về tín ngưỡng và nghệ thuật tạo hình ở vùng này.
Di vật gắn với tục cải táng nổi tiếng nhất ở Đông Nam Á là chiếc tiểu dạng vò gốm được phát hiện ở hang Manunggul, đảo Palawan, Philippines, có niên đại cách đây hơn 2.700 năm.
Trong lễ cải táng của người xưa ở đảo này, di cốt được thu gom, tắm rửa ở một dòng sông rồi cho vào bình vò có nắp và đặt trong hang, được coi là nơi yên nghỉ cuối cùng của người chết. Con thuyền trên nắp vò thể hiện con thuyền đưa hồn người chết về với tổ tiên. Hình người ngồi ở đầu thuyền thể hiện người chết, hình người ngồi ở đuôi thuyền thể hiện pháp sư - người lái thuyền đưa người chết vượt sông biển về thế giới bên kia. Hoa văn trên vò thể hiện sóng nước, được vẽ bằng bột màu đỏ, màu của máu, sự sống, biểu tượng cho sự may mắn, tốt lành.
Về tục cải táng ở Việt Nam, có quan điểm cho rằng thời Đông Sơn, tục này chưa có ở người Việt và nó được người phương Bắc đưa vào, gắn liền với tục thu hồi và đưa di cốt người thân về chôn ở vùng đất gốc.
Tuy nhiên, thực ra tục này đã có ở người Đông Sơn, bằng chứng là thạp Đào Thịnh, chiếc thạp Đông Sơn lớn nhất hiện còn (cao 98cm) khi phát hiện, trong lòng thạp còn chứa tro xương của một người chết được hỏa táng. Hai chiếc thạp Thiệu Dương, Xuân Lập ở Thanh Hóa khi phát hiện trong thạp còn chứa sọ người. Thạp đồng Đông Sơn chính là sự phát triển một dạng thạp gốm của người Lạc Việt dùng chứa di cốt người chết từ thời Đá Mới (cách đây hơn 4.000 năm). Thạp gốm hoa nâu Lý - Trần, hậu duệ của thạp đồng Đông Sơn cũng được dùng chứa tro xương hỏa táng.
Cần nhấn mạnh, tục cải táng xưa không chỉ cho người chết đã hung táng mà cả cho người chết đã hỏa táng. Mặt khác, tư liệu Dân tộc học cũng cho thấy, người Việt cũng như nhiều nhóm con cháu của người Bách Việt thời Đông Sơn vẫn gìn giữ tục cải táng cho đến thời hiện đại.
Bằng chứng điển hình là người Ngaju Dayak, một nhóm con cháu người Đông Sơn ở Indonesia cho đến nay vẫn duy trì tục cải táng như hội lễ lớn nhất, quan trọng và linh thiêng nhất của mình và nhiều cảnh rất gần gũi với những hình khắc trên các trống đồng Đông Sơn sớm như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ.
Trong lễ Tiwah, di cốt người chết được thu gom, làm sạch, tẩm dầu thơm, rắc vàng tán bột, gói trong một tấm vải đỏ, đặt trong một chiếc chiêng rồi để trong một ngôi nhà mồ nhỏ khắc vẽ nhiều hoa văn gợi tới dạng nhà mái nhô hình thuyền trên trống Đông Sơn, xung quanh là các pho tượng gợi tới các pho tượng mồ Tây Nguyên (lễ bỏ mả ở đây chính là một biến thể của tục cải táng thời Đông Sơn, trong đó bỏ đi việc thu gom xương người chết).
Trong lễ Tiwah, người Dayak đội mũ lông chim, múa điệu múa mô phỏng vật tổ chim trong tiếng cồng chiêng… như người Lạc Việt thời Đông Sơn. Có thể coi cảnh hội lễ khắc trên trống Đông Sơn thể hiện một lễ cải táng Đông Sơn.
Nhìn chung, với nhiều tộc người ở Đông Nam Á, lễ cải táng là lễ quan trọng nhất, được tiến hành trọng thể nhất. Người chết được làm lễ cải táng được coi có địa vị cao hơn, được thờ cúng trang trọng hơn. Vì thế, một số nhóm chỉ làm lễ cải táng cho nam giới hay cho tầng lớp quý tộc giàu có, một số nhóm còn làm lễ cải táng tập thể cho nhiều người cùng dòng họ.
Ở người Việt, truyền thuyết về các nhà Đinh, Trần, Lê, Trịnh, Nguyễn đã phát nghiệp đế vương nhờ chôn di cốt tổ tiên vào nơi có huyệt đạo phong thủy tốt, cho thấy một dạng đặc biệt của tục này.
Với người Việt một thời, lễ cải táng luôn là một nghĩa vụ của con cháu để thể hiện lòng kính trọng, hiếu thảo với tổ tiên. Tuy nhiên, cũng có những lý do cụ thể khác dẫn đến tục này, như học giả Phan Kế Bính đã vạch ra: 1- Nhà nghèo, khi chôn dùng quan tài gỗ không tốt, nhanh hư nát, tác động tới thi hài; 2- Chỗ đất chôn bị mối kiến, lũ lụt; 3- Nhà gặp chuyện không may, có thể do chôn người chết ở chỗ đất xấu; 4- Gia đình muốn cầu công danh, phú quý.
Trở lại với những chiếc tiểu ở phố Tây Sơn, chúng không chỉ phản ánh một phong tục truyền thống của người Việt mà còn thể hiện lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc của người dân Hà Nội xưa với các anh hùng liệt sĩ Tây Sơn.