Mối liên hệ giữa bệnh 'khớp đớp tim' và tình trạng viêm họng khi thời tiết giao mùa, gió lạnh
Thời tiết giao mùa, gió lạnh, nắng mưa thất thường, ô nhiễm không khí …thường gây ra các bệnh lý về mũi họng cho cả người lớn và trẻ em.
Viêm họng, viêm amidan, viêm xoang là các bệnh lý thường gặp (80% là do vi rút, 20% là do vi khuẩn, trong đó nguy hiểm nhất là liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A), có thể tự khỏi nếu cơ thể có sức đề kháng tốt cùng với việc tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, trong trường hợp viêm mũi họng do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A, nếu điều trị không triệt để, có thể gây bệnh thấp tim nguy hiểm về sau.
Hiện nay, thấp tim vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh lý van tim (bệnh hẹp van 2 lá, hở van 2 lá, hẹp van động mạch chủ…) tại Việt Nam. Thấp tim làm gia tăng gánh nặng tử vong sớm trên toàn cầu. Tử vong do căn bệnh này thường là hậu quả của biến chứng như viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, rối loạn nhịp tim, suy tim và đột quỵ
Trường hợp một bệnh nhi 10 tuổi, tiền sử bị viêm amidan mủ đã đi khám và điều trị nhiều đợt nhưng chỉ uống thuốc 5 ngày, hết sốt không khám lại và ngừng thuốc. Đợt này, trẻ có biểu hiện sốt cao, đau khớp, amidan sưng phủ đầy giả mạc. Xét nghiệm có chỉ số nhiễm liên cầu ASLO tăng lên 2000 và có hồng cầu, protein trong nước tiểu.
Vậy bệnh thấp tim là gì? Mối liên hệ giữa bệnh thấp tim với tình trạng viêm họng như thế nào?
Bệnh thấp tim hay còn gọi là bệnh sốt thấp khớp, còn gọi theo truyền miệng là "bệnh khớp đớp tim", là một bệnh lý tự miễn xuất hiện sau khi bị nhiễm liên cầu tan huyết nhóm A (Steptococcus A) ở họng và đường hô hấp trên khoảng 2-3 tuần mà không được điều trị triệt để. Do mọi người vẫn quen gọi là bệnh "khớp đớp tim" nên có sự lầm tưởng rằng các bệnh lý về khớp có thể gây biến chứng tim mạch, khiến nhiều người bị các bệnh lý về khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp lo lắng.
Bệnh thấp tim có thể gây tổn thương nghiêm trọng tim, não, thận, khớp, da và có nguy cơ tái phát về sau. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp nhiễm liên cầu tan huyết nhóm A đều bị thấp tim mà có những yếu tố thuận lợi cho bệnh như tuổi thường gặp từ 5-15 tuổi, có thể gặp số ít trên 20 tuổi và những nơi có điều kiện sống chật chội, đông đúc, vệ sinh kém do vi khuẩn có thể lây truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp với những dịch và chất bài tiết từ mũi, họng của người đã mắc bệnh hoặc qua việc tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, vết loét trên da đã bị nhiễm trùng.
Nguyên nhân gây bệnh thường là sau viêm họng, viêm amidan, viêm xoang do liên cầu tan huyết nhóm A mà không được điều trị triệt để. Do đây là một bệnh lý thường gặp trong cộng đồng, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi, phần lớn bệnh sẽ tự hết nếu sức đề kháng tốt. Chính vì vậy nhiều người chủ quan , dùng thuốc không đúng chỉ định hoặc không đủ liều lượng, thời gian khiến bệnh tái phát nhiều lần và nguy cơ mắc bệnh tăng lên.
Vi khuẩn liên cầu beta tan huyết nhóm A không trực tiếp gây bệnh thấp tim mà vỏ của vi khuẩn có cấu trúc gần giống với cấu trúc trên màng tim, màng khớp và màng cầu thận. Do vậy, khi chúng xâm nhập vào cơ thể sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại vi khuẩn và vô tình gây ra phản ứng chéo, tấn công "nhầm" vào tim, khớp và thận của người bệnh.
Các biểu hiện của bệnh thấp tim như thế nào?
Sau khi bị viêm đường hô hấp trên do nhiễm liên cầu với các biểu hiện như: sốt cao (39-40 độ) đột ngột, họng đau đỏ, mệt mỏi, phát ban, nổi hạch nhiều hai bên cổ, đau cơ… khoảng 2-3 tuần thì xuất hiện các biểu hiện sau:
Tổn thương ở tim là biến chứng nguy hiểm và nặng nề nhất, gặp ở 40-50% các trường hợp với tình trạng viêm cơ tim (biểu hiện sốt, mệt mỏi, khó thở, tiểu ít, vã mồ hôi lạnh…), viêm màng ngoài tim, thậm chí bệnh nhân có thể tử vong do suy tim cấp. Mặt khác, sự "tấn công nhầm" của các kháng thể kháng liên cầu sẽ làm cho các lá van tim (van 2 lá, van động mạch chủ) dày lên và dính lại với nhau, kết hợp với hiện tượng lắng đọng canxi khiến cho lá van cứng hơn, dẫn đến hẹp, hở van tim và gây ra các bệnh lý như hẹp van hai lá, hẹp van động mạch chủ. Lâu ngày sẽ dẫn tới loạn nhịp tim (rung nhĩ), tăng áp lực động mạch phổi, huyết khối, suy tim mất bù và đột quỵ…
Tại khớp có biểu hiện sưng, nóng, đỏ đau các khớp như khớp gối, khớp khuỷu, khớp cổ tay… Viêm khớp thường không đối xứng hai bên, có tính chất di chuyển từ khớp này sang khớp khác và thường tự khỏi sau 7-10 ngày.
Tại da có thể gây ra các hồng ban vòng hoặc các nốt dưới da đường kình 0,5 - 2 cm, không đau, thường ở trên bề mặt các khớp.
Tại hệ thần kinh có thể gây múa giật, co giật…
Để phát hiện ra bệnh thấp tim có thể dựa vào các xét nghiệm tìm vi khuẩn liên cầu nhóm A như xét nghiệm cấy dịch họng tìm vi khuẩn liên cầu, test nhanh kháng nguyên liên cầu, xét nghiệm kháng thể kháng liên cầu trong máu ASLO,…
Điều trị bệnh: Các bác sĩ thường dùng kháng sinh nhóm Penicillin kết hợp với điều trị triệu chứng gồm thuốc chống viêm corticoid, thuốc điều trị suy tim. Ngoài ra do tính chất bệnh hay tái phát nên thời gian sử dụng thuốc có thể kéo dài nhiều năm tùy từng trường hợp cụ thể, để dự phòng các biến chứng về sau.
Các biện pháp dự phòng bệnh thấp tim gồm:
Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh cơ thể, đặc biệt là vùng mũi họng Tránh tiếp xúc với những người đang bị viêm nhiễm đường hô hấp trên do vi khuẩn có thể lây truyền qua các giọt bắn hoặc chất tiết của người bị bệnh.
Khi thời tiết thay đổi vào mùa đông cần giữ ấm vùng cổ, ngực và mũi họng kèm theo chế độ ăn khoa học giúp tăng sức đề kháng (bổ sung các loại vitamin A, C hoặc các thực phẩm chứa vi sinh vật sống có lợi hoặc chất xơ như sữa chua, men vi sinh…)
Trẻ em và người lớn khi bị viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, cần được điều trị tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng đề điều trị bệnh triệt để, tránh tự ý dùng thuốc không đúng hoặc liều lượng, thời gian dùng thuốc không đủ, gây bệnh tái phát nhiều lần, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ quan khác. Điều trị đúng và triệt để viêm họng do nhiễm liên cầu nhóm A là cách dự phòng bệnh thấp tim hiệu quả nhất.
Khi trẻ có chỉ định tiêm phòng bệnh thấp tim nên thực hiện đầy đủ thời gian để dự phòng tái phát và tránh để lại di chứng về sau. Khi trẻ có biểu hiện sốt, mệt, sưng đau khớp, phù, tiểu ít sau khi bị viêm họng, cần nhập viện ngay để điều trị bệnh. Nguy cơ biến chứng các bệnh lý về tim sau bệnh sốt thấp khớp là rất cao, do vậy, người bệnh cần được theo dõi và tái khám thường xuyên.