Mối liên hệ giữa nhóm máu và nguy cơ bệnh nặng khi mắc COVID-19
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
* Cảnh báo nguy cơ mắc bệnh tim mạch đối với người không tiêm vắc xin
Ngay từ giai đoạn đầu đại dịch COVID-19 bùng phát, các bác sĩ đã bắt đầu theo dõi mối liên hệ giữa mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này và nhóm máu của bệnh nhân.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã xác thực những quan sát ban đầu đó, phát hiện ra một số protein trong máu của các bệnh nhân có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ nhập viện và tử vong vì COVID-19.
Một số nghiên cứu quan sát sớm nhất về mối liên hệ này ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào năm 2020 đã chỉ ra mối tương quan giữa nhóm máu của một người và nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Quan sát chung cho thấy những người thuộc nhóm máu A có nguy cơ nhập viện và tử vong cao hơn nhiều so với những người thuộc nhóm máu O.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí PLOS Genetics đã cung cấp cái nhìn sâu nhất cho đến nay về mối quan hệ nguyên nhân - kết quả giữa nhóm máu và mức độ nghiêm trọng của COVID-19.
Nghiên cứu sử dụng một phương pháp phân tích được gọi là ngẫu nhiên Mendel để đánh giá mối quan hệ giữa các biến thể gene chi phối mức protein trong máu và tình hình sức khỏe của bệnh nhân mắc COVID-19.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sàng lọc hơn 3.000 protein trong máu và mức độ nghiêm trọng của COVID-19 được xác định thông qua việc nhập viện hoặc tử vong. Một trong những phát hiện quan trọng là mối liên hệ nguyên nhân - kết quả giữa mức độ nghiêm trọng của COVID-19 và một loại enzym được gọi là ABO, xác định nhóm máu của một người.
Ông Christopher Hübel tại Đại học King’s College London (Anh), đồng tác giả nghiên cứu, cho biết dù không xem xét cụ thể mối liên hệ giữa từng nhóm máu với nguy cơ bệnh nặng, song nghiên cứu chỉ ra rằng những phát hiện về ABO đã phần nào xác thực các nghiên cứu quan sát trước đây về mối liên hệ giữa nhóm máu A với việc tăng nguy cơ bệnh nặng khi mắc COVID-19.
Mặc dù vậy, vẫn có một số yếu tố nguy cơ ngoài nhóm máu được biết đến góp phần gây ra mức độ nghiêm trọng của COVID-19, từ tuổi tác đến bệnh tật từ trước. Vì vậy, những phát hiện mới trên không phải là nguyên nhân gây lo lắng cho những người có nhóm máu A.
Thay vào đó, như đồng tác giả nghiên cứu Gerome Breen giải thích những phát hiện này giúp các nhà khoa học, chuyên gia y tế nghiên cứu xây dựng phác đồ điều trị COVID-19 hiệu quả.
Đơn cử như một số protein trong máu đã được xác định trong nghiên cứu có mối liên hệ với việc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng. Những protein này, được gọi là các phân tử kết dính, đóng một vai trò trong sự tương tác giữa các tế bào miễn dịch và mạch máu.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng các phân tử kết dính này có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của COVID-19 ở giai đoạn cuối và có thể dựa vào phát hiện này để phát triển một liệu pháp giúp ngăn ngừa bệnh diễn biến nặng.
* Một nghiên cứu của chuyên gia tim mạch Malaysia cho thấy những người không tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có nguy cơ bị viêm cơ tim hoặc gặp các triệu chứng nghiêm trọng liên quan đến bệnh tim cao hơn khi bị mắc COVID-19 so với những người đã hoàn thành tiêm chủng đầy đủ các mũi cơ bản hoặc đã được tiêm mũi tăng cường. Tiến sĩ Dharmaraj Karthikesan, chuyên gia tư vấn tim mạch Bệnh viện Sultanah Bahiyah cho biết lợi ích của việc tiêm vắc xin lớn hơn nhiều so với những rủi ro vì tác dụng phụ sau tiêm.
Ông nhấn mạnh một số người sợ bị viêm cơ tim do vắc xin nhưng một người không được tiêm chủng đầy đủ bị nhiễm COVID-19 có khả năng bị viêm cơ tim hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng hơn nhiều so với người được tiêm chủng đầy đủ.
Vì vậy, lợi ích rõ ràng của việc tiêm vắc xin mang lại lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ mắc các tác dụng phụ. Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim là hai tác dụng phụ hiếm gặp được quan tâm đặc biệt (AESI) ở những người tiêm vắc xin COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA, như vắc xin Pfizer-BioNTech.
Tuy nhiên, khả năng xảy ra hai loại bệnh này là rất thấp, khoảng 1,2 ca/một triệu liều. Các triệu chứng viêm cơ tim bao gồm đau ngực, thở gấp hoặc khó thở, chóng mặt hoặc cảm thấy yếu ớt và nhịp tim không đều. Viêm màng ngoài tim khi bệnh nhân cảm thấy đau ngực thay đổi tùy theo vị trí của cơ thể và thay đổi nhịp thở, chẳng hạn như đau nhiều hơn khi hít thở sâu.
Ông cho biết các triệu chứng của viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim có nhiều khả năng diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 5 sau khi tiêm liều thứ hai của vắc xin nhưng rất hiếm khi xảy ra sự cố.
Ngoài ra, những người dưới 30 tuổi và nam giới có nhiều khả năng bị mắc hai sự cố này hơn so với các nhóm khác. Tuy nhiên, ông khẳng định rất khó dự đoán vì mọi người đều có phản ứng miễn dịch khác nhau và mỗi cá nhân đều là một cá thể duy nhất.
Đối với những người bị bệnh tim, tiểu đường và các bệnh khác, bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên nên tiêm phòng COVID-19 vì nếu không được tiêm phòng, những người có bệnh lý như trên sẽ có nguy cơ cao bị các biến chứng nặng và tử vong.
Để giảm thiểu nguy cơ của tác dụng phụ sau tiêm đối với những bệnh nhân tim, ông khuyến cáo nên tránh các hoạt động nặng hoặc tập thể dục ít nhất 1-2 tuần sau khi tiêm liều thứ hai. Tuy nhiên, ông cho biết hầu hết những người bị viêm cơ tim sẽ hồi phục hoàn toàn sau khi điều trị.