Mỗi lít nước đóng chai chứa đến 370.000 mảnh nhựa
Nghiên cứu vừa được công bố của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (NAS) cho biết, trung bình mỗi lít nước đóng chai chứa 240.000 mảnh nhựa, gấp 100 lần kết quả trước đây. Điều này làm dấy lên lo ngại về sức khỏe người dùng.
Giật mình vì số mảnh nhựa trong nước đóng chai
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã ứng dụng phương pháp soi kính hiển vi tán xạ Raman kích thích (SRS), sử dụng 2 tia laser quét qua mẫu thử để tạo ra cộng hưởng phân tử cụ thể rồi sau đó tiến hành phân tích thông qua thuật toán máy tính.
Kết quả cho thấy trong mỗi lít nước đóng chai từ 3 thương hiệu hàng đầu thị trường chứa 110.000 tới 370.000 mảnh nhựa trung bình ở mức khoảng 240.000 hạt/lít, trong đó 90% là hạt nhựa nano và 10% còn lại là hạt vi nhựa. Đối với các kỹ thuật sử dụng trước đây chỉ phát hiện khoảng 300 hạt nano mỗi lít.
Bên cạnh đó loại nhựa xuất hiện nhiều nhất trong số các nước đóng chai là nylon, có khả năng đến các bộ lọc nhựa dùng để lọc nước, và nhựa polyetylen terephthalate (PET), nguyên liệu phổ biến trong sản xuất vỏ chai.
Trưởng nhóm nghiên cứu còn cho biết thêm, hạt nhựa PET có thể vỡ ra thành nhiều hạt nhỏ hơn khi đóng mở nắp chai nhựa, bóp mạnh hoặc để ở nơi có nhiệt độ cao. Nhóm cũng mở rộng quy mô nghiên cứu sự tồn tại của nhựa trong nước máy nơi được cho là có chứa các hạt vi nhựa song ở mức độ thấp hơn.
Nghiên cứu đã cho thấy rõ hơn về rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng nước đóng chai. Bởi lẽ các hạt nhựa chứa các hóa chất có thể làm gián đoạn quá trình giải phóng hormone tự nhiên của cơ thể con người từ đó gây ra ung thư và rối loạn nội tiết.
Phó Giáo sư địa hóa học tại Đại học Columbia (Mỹ) Beizhan Yan, đồng tác giả nghiên cứu khuyến nghị người dùng nên cân nhắc sử dụng các nguồn nước thay thế. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh nhóm nghiên cứu không khuyến nghị dứt khoát không sử dụng nước đóng chai dù việc này sẽ mang lại một số rủi ro, khiến các hạt nhựa xâm nhập vào cơ thể.
Hiểm họa khôn lường
Theo các nhà khoa học, hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp hoặc ăn phải và gây ra nhiều phản ứng có hại bao gồm: - Phá vỡ hormone: Nhiều hóa chất trong vi nhựa hoạt động như các hợp chất gây rối loạn nội tiết (ví dụ như BPA) như estrogen, testosterone và insulin. Chúng hoạt động như những hormone khi xâm nhập vào cơ thể, bắt chước và phá vỡ những chức năng tự nhiên của những hormone này và gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như sự phát triển của hội chứng buồng trứng đa nang, làm giảm lượng hormone thực hiện chức năng sức khỏe sinh sản.
Thậm chí, các hạt vi nhựa còn tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính. Bởi tiếp xúc lâu dài với vi nhựa gây rối loạn nội tiết, tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch.
Dưới góc nhìn khoa học, Giáo sư Lê Huy Bá, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, với các ưu điểm vượt trội được thừa nhận trong nhiều lĩnh vực, nên không thể tẩy chay vai trò của nhựa, mà phải tìm biện pháp để thu hồi - xử lý rác thải nhựa theo quy trình tái tạo trong nền kinh tế tuần hoàn.
Trước tiên bằng cách kiểm soát, thu hồi nhựa thải và giải pháp công nghệ sẽ ngăn chặn sự phát triển đáng sợ của vi hạt nhựa. Về lâu dài cần phải phân loại rác ngay từ nguồn thải để rác thải nhựa được tách biệt, thu gom triệt để, sau đó là xử lý.
Ông Tạ Anh Tuấn - Đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) từng nhấn mạnh rằng, hệ sinh thái biển toàn cầu đang đứng trước mối đe dọa liên quan đến rác thải nhựa, xuất phát từ những vật dụng tiện lợi, rẻ tiền gắn chặt với đời sống nhân loại nhiều năm qua. Đặc biệt, rác thải nhựa đại dương không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, mà còn đe dọa sự sống của những sinh vật biển, hay sâu xa hơn là sức khỏe con người.