Mối lo dịch bệnh tay chân miệng bùng phát phức tạp

Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 4 người tử vong do mắc tay chân miệng. Thông tin này được đưa ra trong công văn Bộ Y tế gửi các UBND tỉnh, thành phố nhằm tăng cường công tác chống dịch tay chân miệng tại một số địa phương.

Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 4 người tử vong do mắc tay chân miệng. Thông tin này được đưa ra trong công văn Bộ Y tế gửi các UBND tỉnh, thành phố nhằm tăng cường công tác chống dịch tay chân miệng tại một số địa phương.

Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng được bác sĩ Bệnh viện Phụ sản- Nhi Đà Nẵng khám.

Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng được bác sĩ Bệnh viện Phụ sản- Nhi Đà Nẵng khám.

Đà Nẵng - số trẻ em mắc chân tay miệng tăng cao

Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, Đà Nẵng ghi nhận số lượng lớn bệnh nhân tay chân miệng, đa số là trẻ em, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trước tình trạng trên, ngành Y tế TP Đà Nẵng đã tích cực triển khai các biện pháp để ngăn ngừa dịch lây lan trong cộng đồng.

Mấy ngày gần đây, Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng mỗi ngày tiếp nhận từ 10 đến 20 trẻ bị bệnh tay chân miệng. Hiện có hơn 70 trường hợp đang điều trị bệnh tay chân miệng tại đây. Đa số là bệnh nhi trú tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và thường bị bệnh tay chân miệng mức độ 2B. Một số trường hợp, Bệnh viện phải sử dụng các biện pháp hồi sức hô hấp. Sau khi phát hiện bé N.T.Q (21 tháng tuổi, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) xuất hiện những nốt nhỏ, sốt 39 độ. Gia đình đã khẩn trương đưa bé vào khám tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, các bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh tay chân miệng.

Chị Đ.T.H.T (trú tại phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) có con nhỏ bị tay chân miệng cho hay, cháu được gia đình đưa vào viện trong tình trạng sốt cao, kèm theo nôn, xuất hiện những nốt nhỏ quanh miệng và lòng bàn tay. Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, với loại bệnh này, nếu người nhà đưa bệnh nhân nhập viện trễ sẽ gây biến chứng dẫn đến viêm màng não, phù phổi cấp rất nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh cho biết, trước tình trạng bệnh tay chân miệng có dấu hiệu tăng, Trung tâm thành lập các đội cơ động phòng, chống dịch; sẵn sàng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là hóa chất để cấp cho các đơn vị, bệnh viện có thu dung điều trị bệnh tay chân miệng phục vụ việc xử lý, sát khuẩn môi trường…

Diễn biến nguy hiểm ở nhiều tỉnh thành khác

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, 4 trường hợp tử vong tại Kiên Giang (2), An Giang (1) và Long An (1). So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc tay chân miệng tăng 4 lần, chủ yếu ở khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành như TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

Theo ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 130 bệnh nhi mắc tay chân miệng. Đặc biệt, bệnh viện liên tục ghi nhận các trường hợp trẻ mắc tay chân miệng ở mức độ nặng. TS, BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Khoa Nhi Tổng hợp, cho biết, bệnh tay chân miệng xuất hiện rải rác quanh năm, nhưng thời gian gần đây, số lượng cũng như mức độ nặng của các ca mắc tay chân miệng ở tỉnh gia tăng nhanh. Khi bệnh chuyển cấp độ nặng thì rất dễ xảy ra các biến chứng về thần kinh, tim mạch, phù phổi, suy hô hấp, sốc, suy tim. Do đó, phụ huynh cần chú ý theo dõi, phát hiện kịp thời để điều trị.

Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết, trung tâm Kiểm soát Bệnh tật đã tham mưu cho Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cho các trường học thực hiện tốt công tác phòng tránh dịch trong trường học. Trung tâm cũng đã phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra công tác phòng chống dịch tay chân miệng tại các trường học.

“Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa. Do đó, để phòng tránh bệnh, cần tuân thủ việc ăn chín, uống sôi, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng đúng cách, đồng thời vệ sinh, khử khuẩn môi trường, nhà ở, đồ chơi trẻ em… Khi con mắc tay chân miệng, bố, mẹ cần theo dõi kỹ, nếu phát hiện trẻ có các biểu hiện giật mình, lừ đừ, co giật, hôn mê, mạch đập nhanh… thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Lê Phúc khuyến cáo.

B.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_241138_moi-lo-dich-benh-tay-chan-mieng-bung-phat-phuc-tap.aspx