Mối lo giá hàng hóa tiếp tục tăng mạnh trở lại
Giá của nhiều loại hàng hóa đang có diễn biến tăng mạnh trở lại, áp lực sẽ càng lúc càng lớn hơn không chỉ trong 2 tháng cuối cùng của năm 2022 mà còn sang năm 2023 khi các dư địa về tài khóa để kiểm soát giá không còn nhiều như thời gian đầu năm 2022.
Nói về áp lực tăng giá hàng hóa trong 2 tháng cuối năm này, ông Trí - Giám đốc của một doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống (F&B), cho biết 80% nguyên liệu chế biến của công ty được nhập khẩu hàng tháng và tất cả hợp đồng đều được quy định thanh toán bằng USD. Việc tỷ giá USD tăng mạnh thời gian qua khiến chi phí đầu vào của DN đội lên khoảng 10%.
Mặt trái của phụ thuộc nhập khẩu giữa áp lực tỷ giá
Trước tình hình như vậy, theo ông Trí, để tránh lỗ tỷ giá thì công ty buộc phải tăng giá bán. Tuy nhiên, do sức mua không cao nên công ty phải “vắt óc” làm sao để điều chỉnh giá cho hợp lý mà không mất khách.
Trước áp lực tỷ giá vào thời điểm cuối năm, nhiều DN phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đang buộc phải tăng giá bán ra để bù lỗ do giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao.
“Gía USD đi lên đang tác động đến tất cả DN nhập khẩu vì hầu hết các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào chủ yếu được thanh toán bằng USD. Vì vậy, khi tỷ giá USD/VND thay đổi là tác động ngay đến tình hình hoạt động của công ty’, ông Trí nói.
Nhiều DN vốn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng rơi vào tình cảnh như ông Trí và buộc phải tăng giá bán ra để bù lỗ do giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao. Bên cạnh đó, cũng có những DN vẫn đang gồng mình chịu lỗ cho khoản chênh lệch tỷ giá vì sợ người dùng cắt giảm chi tiêu nếu họ không chấp nhận được mức giá mới.
Trong chuyện tăng giá bán, trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc một DN thực phẩm ở Tp.HCM, cho biết công ty có vài hợp đồng nhập khẩu hàng hóa phải thanh toán 60% trong tháng 11/2022 trong khi biến động tỷ giá từ lúc ký hợp đồng tới lúc thanh toán là quá lớn.
Chính vì vậy, theo ông Tuấn, công ty phải tiếp tục tính toán lại giá bán tới tay người dùng. Dẫu biết tăng giá dễ gây ra sự tăng giá dây chuyền khiến sức tiêu thụ hàng chậm hơn nhưng nếu tình hình sắp tới vẫn căng thẳng thì DN vẫn phải chấp nhận phương án sau cùng là phản ánh vào giá thành.
Quan sát tình hình khó khăn như trên của các DN, nhiều ý kiến cho rằng một khi các DN vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, từ các nguyên nhiên liệu cho đến trang thiết bị, máy móc và vô số thứ khác thì việc tiếp tục tăng giá trở lại các loại hàng hóa là khó tránh khỏi.
Nhất là với hàng nhập khẩu, một khi có biến động mạnh về tỷ giá USD thì kéo theo chi phí, cước vận tải hàng nhập khẩu cũng tăng theo, dẫn đến đội chi phí giá thành lên. Chưa kể, nếu DN vay VND để mua USD nhằm thanh toán hợp đồng nhập khẩu, với lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng thì càng thêm áp lực. Cho nên, với biến động tỷ giá như hiện tại thì các DN phải cố gắng chèo chống.
Tính tới cuối tháng 10/2022, theo đánh giá mới đây từ bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đồng VND đã giảm mạnh 4,09% so với đồng USD. So với cuối năm 2021, đồng VND đã giảm tới 8,1%. Riêng trong tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện 2 lần nâng giá bán USD, tổng cộng ở mức 945 đồng, lên 24.870 VND/USD vào cuối tháng 10/2022, đồng thời nới biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ ±3% lên ±5%, lần đầu tiên sau khoảng 7 năm.
Chờ củng cố nguồn cung nội địa
Hiện tại, rủi ro chính của tỷ giá USD/VND tới từ động thái Fed (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) tiếp tục nâng lãi suất trong 2 cuộc họp cuối cùng của năm, với mức lãi suất nâng thêm từ 1,25-1,5%.
Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá để hướng tới hỗ trợ cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh đồng tiền các quốc gia khác đã biến động mạnh.
Với những tác động này, theo chuyên gia phân tích của BVSC, đồng VND vẫn còn chịu tác động từ diễn biến mạnh lên của đồng USD trong đợt tăng lãi suất của Fed vào tháng 11 và tháng 12/2022, mức mất giá của VND trong thời gian còn lại của năm có thể thêm 1-1,5%.
Trước áp lực tỷ giá, tình hình tăng giá hàng hóa thể hiện rõ trong số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê. Cụ thể, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tháng 10/2022 tăng 0,21% so với tháng trước do giá nguyên liệu chế biến cao. Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,34% so với tháng trước do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và tỷ giá USD tăng cao.
Riêng với giá các mặt hàng thực phẩm của 10 tháng năm 2022 được cho là tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng 0,2 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 10/2022 tăng 0,2% so với tháng trước do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông tăng.
Còn nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 10/2022 tăng 0,69% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,08% do giá xi măng, gạch xây, gạch bê tông, tấm lợp, sơn tường tăng theo giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Hoặc như chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 10/2022 tăng 0,12% so với tháng trước. giá xe máy; phụ tùng ô tô; lốp, săm xe máy; lốp, săm xe đạp tiếp tục tăng lần lượt là 0,31%; 0,15%; 0,28%; 0,73% do nhu cầu tăng và nguồn cung hạn chế.
Chuyên gia phân tích của BVSC nhận định, giá của nhiều loại hàng hóa đang có diễn biến tăng mạnh trở lại, áp lực sẽ có lớn hơn trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2023 khi các dư địa về tài khóa để kiểm soát giá không còn nhiều như thời gian đầu năm 2022. Và theo dự báo, trong 2 tháng còn lại của năm 2022, chỉ số CPI của Việt Nam nhiều khả năng sẽ vẫn cao hơn 4%.
Nhìn chung, trước mối lo giá hàng hóa có thể tiếp tục tăng trở lại thì trong 2 tháng cuối năm này các DN còn đối mặt khó khăn khi sức mua giảm cả trong nước và quốc tế. Với áp lực tỷ giá như hiện tại, để hạn chế phần nào tác động tiêu cực thì điều quan trọng là các DN Việt cần củng cố nguồn cung cấp trong nước, hạn chế nhập khẩu. Nhà nước cũng nên tiếp tục có những chính sách hỗ trợ thiết thực các DN có tỷ lệ nội địa hóa cao để hạn chế phần nào việc tăng giá hàng hóa trong thời gian tới.
Thế Vinh