Mối lo lạm phát dịu đi, Dow Jones lập đỉnh cao lịch sử mới
Những phát biểu của Chủ tịch Fed đã phát huy tác dụng trong việc trấn an mối lo của thị trường về lạm phát...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (24/2), khi nhà đầu tư giảm bán tháo cổ phiếu công nghệ và tiếp tục mua mạnh các cổ phiếu chu kỳ. Những phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell đã phát huy tác dụng trong việc trấn an mối lo của thị trường về lạm phát.
Theo tin từ Reuters, có lúc chỉ số Nasdaq giảm tới 1,3% trong phiên, nhưng rồi chuyển "xanh" thành công và chốt phiên trong trạng thái tăng. Về phần mình, chỉ số Dow Jones thiết lập một kỷ lục mới.
Một diễn biến thu hút sự chú ý trong phiên này là cổ phiếu GameStop tăng gấp hơn 2 lần dù không có một chất xúc tác cụ thể nào. Khối lượng giao dịch cổ phiếu GameStop cũng lớn gấp hơn 2 lần mức bình quân hàng ngày của 10 phiên gần nhất. GameStop là trung tâm của cuộc giằng co giữa lực lượng nhà đầu tư cá nhân trên diễn đàn Reddit và các quỹ đầu cơ bán khống ở Phố Wall hồi tháng 1 vừa qua.
Điều trần trước Ủy ban Tài chính thuộc Hạ viện Mỹ ngày 24/2, ông Powell nói rằng có thể phải mất hơn 3 năm nữa lạm phát ở nước này mới có thể đạt mục tiêu mà Fed đề ra. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy Fed có dự định giữ nguyên lãi suất ở mức siêu thấp trong một thời gian dài sắp tới.
"Những nhân tố dẫn dắt thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện nay là kế hoạch kích cầu, là sự mềm mỏng của Fed, mức lợi nhuận mạnh mẽ của các doanh nghiệp, cũng như việc sắp có thêm một vaccine Covid thứ ba được phê chuẩn", Giám đốc đầu tư Richard Saperstein thuộc Treasury Partners phát biểu.
Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 24/2 cho biết vacccine Covid-19 của hãng Johnson & Johnson cho thấy sự an toàn và hiệu quả trong thử nghiệm. Tuyên bố của FDA mở đường cho việc vaccine Johnson & Johnson có thể được phê chuẩn để sử dụng khẩn cấp tại Mỹ ngay trong tuần này.
Giá cổ phiếu Johnson & Johnson tăng 1,3% sau khi thông tin trên được đưa ra.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 1,35%, đạt 31.961,86 điểm. S&P 500 tăn 1,14%, đạt 3.925,43 điểm. Nasdaq tăng 0,99%, đạt 13.597,97 điểm.
Cả ba chỉ số này đều đang trên đà hoàn tất một tháng tăng mạnh mẽ, trong đó Dow Jones và S&P 500 có thể sẽ đạt mức tăng tháng mạnh nhất kể từ tháng 11.
Gần đây, giới đầu tư ở Phố Wall hướng sự chú ý tới xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và ảnh hưởng tiềm tàng của xu hướng này đối với cổ phiếu tăng trưởng. Ông Saperstein nói rằng lợi suất tăng có thể gây áp lực lên giá cổ phiếu nhưng sẽ không làm trệch xu hướng đi lên của thị trường.
"Tôi không cho rằng việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 1% lên 1,5% sẽ làm thay đổi những toan tính của nhà đầu tư về việc sở hữu những cổ phiếu công nghệ lớn", ông Saperstein nói.
Nhóm cổ phiếu tài chính thuộc S&P 500 đạt đỉnh cao mọi thời đại trong phiên này. Những nhóm cổ phiếu chu kỳ khác gồm công nghiệp, năng lượng và nguyên vật liệu cũng đi lên. Nhờ đó, chỉ số S&P 500 Value - một thước đo của những cổ phiếu giá trị - tăng phiên thứ tư liên tiếp.
Chỉ số S&P 500 Growth - một thước đo của những cổ phiếu công nghệ có tốc độ tăng giá mạnh - chịu áp lực giảm trong những phiên gần đây do nỗi lo rằng mức định giá cổ phiếu đã bị đẩy lên quá cao và đang bị đe dọa bởi lợi suất trái phiếu tăng. Phiên này, chỉ số giảm chậm lị nhờ mối lo lạm phát được xoa dịu.
Cổ phiếu Microsoft, Amazon, và Apple giảm từ 0,4-1,1%, nhưng cổ phiếu Facebook, Netflix và Alphabet đảo ngược xu thế giảm ở đầu phiên và chốt phiên trong sắc xanh.
Cổ phiếu Tesla tăng 6,2% sau khi quỹ Ark Invest của nhà đầu tư có tiếng Cathie Wood cho biết đã đầu tư thêm 171 triệu USD cổ phiếu của hãng xe điện này sau khi cổ phiếu Tesla sụt mạnh vào đầu tuần.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 2,1 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,62 lần. Toàn thị trường có 13,68 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 16,01 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.