Mối lo ở các chợ truyền thống
Nhếch nhác, lối đi lại chật hẹp, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), phòng cháy, chữa cháy (PCCC)... là những điều dễ nhận thấy tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương đã chủ động đầu tư tu sửa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tuy vậy vẫn còn không ít bất cập.
Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh có 389 chợ đang hoạt động (trong đó có 12 chợ hạng 1, 43 chợ hạng 2 và 334 chợ hạng 3); 355/389 chợ đạt tiêu chuẩn kinh doanh thực phẩm; 8 chợ do HTX quản lý, 110 chợ do doanh nghiệp quản lý, còn lại chợ do UBND cấp xã quản lý dưới hình thức khoán thầu cho cá nhân kinh doanh, khai thác. Thực hiện phương án phát triển mạng lưới chợ tỉnh Thanh Hóa, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh quy hoạch 420 chợ, năm 2030 là 486 chợ. Bên cạnh một số chợ được quan tâm, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, các hạng mục phụ trợ khác, hiện nay một số chợ truyền thống do chính quyền địa phương quản lý, vận hành có biểu hiện xuống cấp, không đảm bảo về ATVSTP, vệ sinh môi trường...
Ghi nhận tại một số chợ Giắt (thị trấn Triệu Sơn), chợ Bến Sung (thị trấn Như Thanh), chợ Chuối (thị trấn Nông Cống)... việc niêm yết giá bán vẫn chưa được các tiểu thương chấp hành tốt. Theo lý giải của các hộ tiểu thương tại đây, hàng hóa bán ở chợ khá đa dạng, nhiều mặt hàng giá cả lên xuống thất thường, đặc biệt là rau, củ, thực phẩm, nếu phải niêm yết giá từng mặt hàng thì rất khó thực hiện. Riêng hàng quần áo, giày dép các loại do người tiêu dùng thường có thói quen mặc cả nên dù niêm yết giá vẫn rất khó bán hàng, dẫn đến việc người bán không để bảng giá mà chỉ khi khách hỏi, mới đưa ra giá bán...
Do không nằm trong hệ thống chợ theo quy hoạch của tỉnh, nhiều năm nay chợ Vạn Hà (thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa) không được đầu tư, nhiều hạng mục cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Chợ có diện tích trên 13.000m2, với khoảng 150 ki-ốt, quầy bán hàng. Để duy trì hoạt động của chợ cũng như đảm bảo một số quy định về PCCC, ATVSTP, năm 2022 UBND thị trấn đã kêu gọi các hộ tiểu thương mua sắm 150 bình phòng cháy dưới hình thức huy động xã hội hóa. Đồng thời, phân công trách nhiệm cho từng cá nhân, tập thể trong quản lý, vận hành chợ. Đối với công tác đảm bảo ATVSTP giao cho cán bộ thú y kiểm soát; vệ sinh môi trường giao cho ban quản lý chợ; cán bộ địa chính, nông nghiệp tập trung giám sát các loại rau, củ, quả cũng như phối hợp với đội liên ngành theo dõi, xử phạt nếu có đối với các trường hợp buôn bán không niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng... Tuy nhiên, theo quan sát công tác vệ sinh môi trường tại khu chợ chưa đảm bảo, rác thải còn ùn ứ, hệ thống nước thải ở một số hộ giết mổ gia cầm chưa qua xử lý chảy thẳng xuống sông Chu. Không gian dành cho các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm đan xen, lẫn lộn với các mặt hàng khác, hệ thống cấp, thoát nước còn tạm bợ...
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thiệu Hóa cho biết, chợ Vạn Hà có lịch sử hình thành từ rất lâu, là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương tự bao đời nay. Do tác động của thời gian, một số hạng mục của chợ xuống cấp, bà con tiểu thương rất mong muốn chợ được nâng cấp, sửa sang. Tuy vậy, việc cải tạo nâng cấp chợ gặp nhiều khó khăn do không nằm trong quy hoạch hệ thống chợ của tỉnh, trong khi địa phương cũng không thể lấy ngân sách để đầu tư, xây dựng.
Trung bình mỗi ngày chợ Chuối (thị trấn Nông Cống) có khoảng trên 800 lượt người đến mua sắm. Thời gian qua chính quyền địa phương đã quan tâm, đầu tư nâng cấp, xây mới một số hạng mục cơ sở vật chất khang trang, kiên cố hơn, vệ sinh môi trường cơ bản đảm bảo. Dẫu vậy, tại một số khu vực, lối đi lại chật hẹp. Nhiều gian hàng bố trí, sắp xếp hàng hóa cản trở hành lang, lối thoát nạn, thoát hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao...
Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông Cống cho biết, hàng năm địa phương cũng tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về ATVSTP, PCCC cho các hộ tiểu thương. Đồng thời chủ động đầu tư, cải tạo, khắc phục một số hạng mục xuống cấp để đảm bảo yêu cầu về PCCC, an ninh trật tự và vệ sinh an toàn thực phẩm. Phấn đấu cuối năm 2023, được công nhận chợ ATVSTP.
Việc duy trì chợ truyền thống vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân, nhất là ở những khu vực nông thôn. Không chỉ vậy, phát triển quy mô chợ còn là động lực thúc đẩy sản xuất tại chỗ của địa phương, kích thích nhu cầu về đầu tư, du lịch phát triển bền vững.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/moi-lo-o-cac-cho-truyen-thong/29681.htm