Mối lo trong mùa mưa bão hiện nhiều khắp nơi
Đã 1 năm trôi qua, những thiệt hại do các cơn bão, đợt thiên tai năm trước gây ra còn chưa được khắc phục dứt điểm ở nhiều địa phương. Mùa mưa bão mới lại đang vào những tháng nguy cơ cao nhất, trong khi các giải pháp, sự chuẩn bị phòng chống thiên tai vẫn còn những tồn tại không thể không lo lắng.
Tàu thuyền tránh trú bão số 3 vào ngày 2-8-2020 tại âu tránh trú bão Lạch Trường.
Tại huyện miền núi Quan Sơn, theo khảo sát của huyện, hiện còn 659 hộ gia đình vẫn phải sinh sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Những cơn lũ ống, lũ quét, nguy cơ sạt lở đất luôn là mối lo thường trực mỗi khi có mưa to, nước lớn. Mặt khác, hầu hết các sông, suối qua địa bàn huyện đều chảy từ nước bạn Lào về nên việc phối hợp để có thông tin lượng nước từ đầu nguồn về là không dễ dàng và kịp thời. Toàn huyện còn 6 bản chưa có cầu qua sông nên mỗi khi mưa lũ lớn, các bản bị chia cắt hoàn toàn. Thời điểm mưa lũ, 2 dòng sông Luồng và sông Lò khá lớn, độ dốc cao nên nước chảy siết, nếu muốn tiếp cận phải có ca nô, xuồng cao tốc hiện đại thì huyện lại chưa có.
Tại huyện Mường Lát, tuy mới vào mùa mưa bão, nhưng đã có nhiều nhà dân và 3 phòng học bị tốc mái do lốc xoáy và mưa đá. Các bản: Lốc Há xã Nhi Sơn, Sim xã Quang Chiểu và Poọng xã Tam Chung tưởng chừng an toàn, nhưng lại bị ảnh hưởng lớn của các đợt thiên tai năm trước, nên hiện đang nứt những vệt dài hàng trăm mét trên đồi, nhiều nguy cơ sạt sở nếu có mưa lớn kéo dài. Huyện đã có nhiều văn bản đề nghị tỉnh và các sở, ngành hỗ trợ bố trí 6 khu tái định cư cho tổng số 322 hộ gia đình trên địa bàn, nhưng tiến độ một số khu vẫn còn chậm nên chưa thể giải quyết dứt điểm. Hiện nay, Nhân dân và chính quyền các địa phương trên địa bàn vẫn bất an lo lắng mỗi khi có mưa lớn. Những năm trước, phương án phòng chống thiên tai của các xã trên địa bàn thường chưa sát thực tế nên triển khai chưa đúng trọng tâm. Giao thông lên huyện lại là tuyến đường độc đạo, thường xuyên sạt lở, khi có mưa lũ thường bị chia cắt, hư hỏng hệ thống điện lưới và thông tin liên lạc. Do vậy, mỗi khi có thiên tai, công tác ứng cứu từ phía các lực lượng liên quan hỗ trợ cho huyện vùng biên Mường Lát còn nhiều hạn chế và thường chưa kịp thời.
Có tới hơn 40 km chạy dài có dân cư sinh sống dọc ven 2 bờ sông Mã, huyện Cẩm Thủy luôn tiềm ẩn nhiều khả năng ngập úng. Tính riêng trong cơn bão số 3 năm ngoái, 692 hộ gia đình trên địa bàn huyện phải chịu cảnh ngập lụt khi nước sông dâng cao. Hàng nghìn người dân đã phải sơ tán, chuyển đến nơi an toàn trong nhiều ngày mới có thể trở về nhà. Tuy chưa thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản là không nhỏ, cuộc sống người dân bị đảo lộn, việc phát triển kinh tế bị gián đoạn. Hiện nay, đa phần sông Mã qua đây không có đê, lại xuất hiện tình trạng sạt lở lớn 2 bên bờ nên sự an nguy đến tính mạng và tài sản người dân luôn thường trực. Công trình khẩn cấp phòng chống thiên tai là kè Cẩm Vân đã có chủ trương đầu tư từ năm 2019, nhưng đến tận mùa mưa bão này mới đang “rục rịch” triển khai. Trên địa bàn huyện, hiện cũng còn 4 hồ đập xuống cấp, không bảo đảm an toàn. Tại huyện Như Thanh, hàng chục hộ dân đang sinh sống ven lòng hồ Sông Mực. Nhiều đợt mưa bão trước khi có mưa lớn kéo dài, lượng nước dâng cao gây ngập lụt, ảnh hưởng đến đời sống và sự an toàn cho Nhân dân địa phương. Trước đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng địa phương đã có kế hoạch di vén dân lên cao hoặc tái định cư, song đến nay chưa bố trí được kinh phí thực hiện.
Với các địa phương ven biển, nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho tàu thuyền có ý nghĩa quan trọng. Việc bố trí nơi neo đậu cho phương tiện khai thác hải sản tránh trú bão chính là một trong những việc làm quan trọng nhất trong thực hiện nhiệm vụ ấy. Tại TP Sầm Sơn, cửa lạch và âu tránh trú bão Lạch Hới cho tàu thuyền thành phố, các huyện lân cận hiện bị bồi lắng nghiêm trọng gây khó khăn cho việc đưa tàu thuyền vào tránh trú. Nhiều đợt mưa bão, tàu thuyền có khi phải chờ cả nửa ngày khi nước triều lên mới có thể vào âu. Khi neo phía ngoài để chờ trong điều kiện bão gió, sóng lớn có thể gây va đập, lật thuyền và nhiều tai nạn khác cho người và phương tiện.
Một nỗi lo khác là trong quá trình khai thác hải sản trên biển, ngư dân nhiều địa phương chưa có đầy đủ các thiết bị thông tin liên lạc hoặc có nhưng lại tắt khi khai thác hải sản để giấu ngư trường, dẫn đến không thể kịp thời liên lạc khi có sự cố. Qua khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có khoảng 40% số tàu thuyền là trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc theo các khuyến cáo. Nhiều chủ tàu thuyền còn thiếu cả trang bị phao cứu sinh và các thiết bị an toàn cho người lao động trên biển. Nhiều thời điểm thời tiết bất thuận, phía đất liền không thể kết nối với các chủ tàu để thông báo tình hình thời tiết diễn biến nguy hiểm và kêu gọi vào tránh trú. Trên thực tế, khi có gió mùa hoặc bão sắp vào gây biển động thì lượng cá nổi lên tầng nước trên rất nhiều, ngư dân vẫn chủ quan không chịu vào bờ tránh trú nên trở tay không kịp. Hàng chục vụ tai nạn chết người trên biển trong nhiều năm qua là do nguyên nhân này. Mặt khác, nhiều vụ tàu thuyền bị nạn trên biển ở khá xa đất liền, trong khi các phương tiện của các lực lượng liên quan chưa đủ hiện đại để tiếp cận và ứng cứu kịp thời. Qua tìm hiểu, các tàu thuyền của lực lượng kiểm ngư, bộ đội biên phòng tại Thanh Hóa hiện tại chưa thể ra khơi ứng cứu khi có gió bão từ cấp 9, cấp 10 trở lên.
Nếu xét tổng quan về các giải pháp phòng chống thiên tai, thì vẫn còn nhiều vấn đề khác cần giải quyết. Công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai của tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung vẫn chưa thực sự chính xác ở nhiều thời điểm. Phương án phòng ngừa, ứng phó của nhiều địa phương chưa tốt nên khi xảy ra thiên tai vẫn còn lúng túng. Thời gian gần đây, nổi lên tình trạng vận hành liên hồ chứa của các công trình thủy điện trên sông Mã nhiều thời điểm chưa phù hợp. Công tác quản lý Nhà nước các công trình phòng chống thiên tai nhiều nơi còn chưa hiệu quả, đơn cử như còn để xảy ra tình trạng hút cát trái phép gây sạt lở, tình trạng xe ô tô chở hàng hóa quá khổ, quá tải làm hư hỏng hệ thống đê điều...