Mối lo từ xe quá tải
Nhiều ngày nay, người dân sinh sống ở khu vực ngoại thành Hà Nội như dọc tuyến đường 70, đê hữu Hồng, tuyến tỉnh lộ 421B… bức xúc khi hằng ngày có hàng trăm xe tải chở vật liệu xây dựng, hàng hóa nối đuôi nhau chạy từ sáng sớm đến đêm khuya, gây tiếng ồn, bụi bẩn, mất an toàn giao thông… Đây là mối lo cần sớm được cơ quan chức năng giải quyết triệt để trong thời gian tới.
Xe quá tải trọng lưu thông trên đường 70, đoạn qua địa bàn quận Nam Từ Liêm.
Đường sá bị xuống cấp, hư hỏng
Khảo sát tại tuyến đường 421B từ xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai) đi Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) cho thấy, có rất nhiều xe quá tải chở vật liệu xây dựng, hàng hóa chạy qua. Chỉ khoảng 30 phút trong tối 2-8 có mặt ở đây, phóng viên Báo Hànôịmới đếm được 10 xe tải quá khổ chở hàng chạy qua với những tấm bạt phủ qua quýt, như các xe biển kiểm soát: 29C-968.17; 29C-364.88; 29R-053.34… Bà Nguyễn Thị Thanh, thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) bức xúc: "Xe quá tải chạy rầm rập từ sáng sớm đến đêm khuya, khiến đường sá liên tục lún nứt, nhất là đoạn gần dốc đê giáp đình, chùa thôn Cấn Thượng".
Tình trạng trên cũng diễn ra trên tuyến đê hữu Hồng, đoạn qua địa phận quận Hoàng Mai. Bà Đinh Hồng Hạnh ở phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) cho biết, do khu vực này có nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng, các chủ bến luôn cho xe hoạt động trong tình trạng chở hàng quá tải và không che phủ kín thùng xe...
Phải hứng chịu bụi bẩn, tiếng ồn đã kéo dài nhiều năm nay ở tuyến đường 70, bà Nguyễn Ngọc Quyên ở phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), cũng bức xúc vì mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải chạy qua đây khiến đường sá bị xuống cấp, hư hỏng.
Đề cập đến vấn đề này, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Lê Xuân Tiến cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Thanh tra Sở đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính hơn 5.100 trường hợp, phạt tiền trên 22 tỷ đồng, trong đó có 836 trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải; 46 trường hợp vi phạm kích thước thành thùng xe. Đặc biệt, có tới hơn 2.500 trường hợp xe tải làm rơi vãi, lôi kéo đất đá, gây mất vệ sinh môi trường. Theo ông Lê Xuân Tiến, nguyên nhân chủ yếu là do các chủ xe muốn rút ngắn thời gian vận chuyển nên cố tình chở hàng quá tải trọng; che chắn cẩu thả và thường di chuyển vào ban đêm để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Trong khi đó, chế tài xử phạt còn nhẹ, mức xử phạt chỉ từ 2 đến 4 triệu đồng với lái xe gây rơi vãi, lôi kéo bùn đất, chưa đủ sức răn đe nên vi phạm tái diễn.
Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe tải lưu thông qua địa phận huyện Chương Mỹ.
Cần tăng chế tài
Đề cập đến những hạn chế, bất cập trong việc xử lý vi phạm, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Đăng Cường cho biết, lực lượng Công an phường không có chức năng xử phạt nên trong quá trình tuần tra, kiểm soát nếu phát hiện xe vi phạm quá khổ, quá tải, gây rơi vãi bùn đất phải báo cáo Công an quận Nam Từ Liêm, phối hợp xử lý. Còn theo Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) Nguyễn Quang Khải, ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xã còn rà soát và đề xuất UBND huyện, Sở Giao thông - Vận tải bổ sung biển báo hạn chế tốc độ, hạn chế tải trọng… tại các vị trí giao cắt gây nguy hiểm. Bên cạnh đó, UBND xã cũng chủ động phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông - Vận tải phối hợp với Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng xe quá khổ, quá tải "hoành hành" trên địa bàn, nhằm bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.
Liên quan đến tình trạng trên, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Vũ Quỳnh cho biết, UBND quận đã giao Đội Thanh tra Giao thông - Vận tải quận, công an xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, xử lý khi phát hiện các hành vi chở hàng quá trọng tải, không che chắn cẩn thận thùng xe... Lực lượng chức năng cũng kiểm tra các bãi tập kết vật liệu, các cơ sở bốc xếp hàng hóa, qua đó yêu cầu các chủ bến, bãi ký cam kết bốc xếp hàng hóa đúng trọng tải của xe.
Theo Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Lê Xuân Tiến, tình trạng xe quá tải gia tăng trong thời gian qua, lực lượng thanh tra đã báo cáo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng tăng chế tài xử phạt; trong đó ngoài xử phạt lái xe như quy định hiện hành nên xử phạt cả chủ xe để đủ sức răn đe. Yêu cầu chủ công trình thi công, đơn vị kinh doanh vận tải vận chuyển vật liệu cho công trình phải xuất trình hợp đồng, hành trình, phương tiện vận chuyển, qua đó phối hợp với chính quyền địa phương giám sát, có căn cứ xử phạt xe chở quá khổ, quá tải...
Thiết nghĩ, bên cạnh những đề xuất nêu trên, các lực lượng chức năng như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, chính quyền xã... cũng cần xem xét trách nhiệm của chính các đơn vị này nếu để tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động gây bức xúc dư luận. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân với từng cung đường được giao quản lý, qua đó nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/974969/moi-lo-tu-xe-qua-tai