Mối lương duyên Việt - Nhật từ 400 năm: Cảm hứng sáng tạo văn học, nghệ thuật
Chuyện tình yêu thơ mộng và đẹp đẽ giữa công nữ Ngọc Hoa của Việt Nam và chàng thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro cách đây 400 năm lưu truyền ở hai quốc gia, đang được kể lại trên sân khấu bằng vở opera 'Công nữ Anio' và trên những trang sách qua bộ truyện tranh cùng tên.
Đó không chỉ là những dự án kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023) mà chuyện tình có thật đầy tính nhân văn ấy đã và đang gợi cảm hứng cho văn học, nghệ thuật.
Mối tình lịch sử xuyên biên giới
Mối tình giữa công nữ Ngọc Hoa - con gái nuôi của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, với thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro là câu chuyện có thật. Đầu thế kỷ XVII, thương nhân Araki Sotaro từ Nagasaki (Nhật Bản) đến vùng đất ở miền Trung Việt Nam, tình cờ gặp gỡ công nữ Ngọc Hoa và hai bên nảy sinh tình cảm. Năm 1619, công nữ Ngọc Hoa được gả cho Araki Sotaro và sang Nhật làm dâu. Tại đây, người con gái Việt Nam thông minh, nhân hậu nhanh chóng hòa nhập, học ngôn ngữ và phong tục Nhật Bản, đồng thời mang đến xứ người một số nét văn hóa Việt Nam. Nàng được người dân Nagasaki yêu mến gọi với cái tên “Anio-san”. Bởi theo các nhà nghiên cứu, nàng dâu Việt thường gọi chồng là “Anh ơi”, người dân địa phương nghe thành “Anio” và từ đó về sau, họ gọi nàng như vậy.
Cuộc hôn nhân vượt qua khác biệt giai cấp và biên giới quốc gia đã trở thành một biểu tượng trường tồn, đến bây giờ vẫn truyền cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tạo. Trong đó, nổi bật là dự án opera “Công nữ Anio” và bộ truyện tranh cùng tên. Công diễn lần đầu vào tối 22-9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội và liên tục có các buổi biểu diễn kín chỗ ngồi vào các ngày 23 và 24-9, sau đó sẽ đến với khán giả Hưng Yên vào tối 27-9, vở opera “Công nữ Anio” do Ban điều hành “Công nữ Anio” (gồm Brain Group, Công ty TNHH Âm nhạc Yamaha Việt Nam, Hiệp hội Xúc tiến giao lưu quốc tế NPO - Nhật Bản) phối hợp Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức, với sự tham gia sản xuất và diễn xuất của đội ngũ nghệ sĩ hùng hậu hai quốc gia, gây ấn tượng với người xem. Những lời ca tha thiết, êm đềm, hòa quyện cả tiếng Việt và tiếng Nhật, từ các giọng ca tuyệt vời như Đào Tố Loan, Bùi Thị Trang (Việt Nam) và Kobori Yusuke, Yamamoto Kohei (Nhật Bản), đưa người xem hồi tưởng về quá khứ và hướng đến tương lai tươi sáng.
Không chỉ bằng hình thức opera, các nghệ sĩ hai nước còn bắt tay thể hiện câu chuyện bằng hình thức manga (truyện tranh Nhật Bản) - loại hình văn hóa được cả trẻ em và người lớn hai nước yêu thích. Bộ manga “Công nữ Anio” do tác giả Akiko Higashimura sáng tác, theo nội dung vở opera, được Nhà Xuất bản Kim Đồng dịch và phát hành tại Việt Nam gồm bản điện tử và bản sách giấy. Những nét vẽ hiện đại, dễ thương, khắc họa tính cách hoạt bát, ham học hỏi của công nữ Ngọc Hoa và sự chín chắn, đáng tin cậy của thương nhân Araki Sotaro đang cuốn hút độc giả...
Truyền cảm hứng, tăng tình hữu nghị
Cùng với truyền cảm hứng, quá trình sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật về mối tình xuyên biên giới đã thắt chặt thêm mối quan hệ giữa nghệ sĩ hai nước. Tham gia cố vấn danh dự dự án opera “Công nữ Anino”, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio chia sẻ, nền tảng phát triển của quan hệ Nhật Bản - Việt Nam có sự thấu hiểu và đồng cảm giữa con người với con người. Những ví dụ thể hiện sự thấu hiểu và đồng cảm đó có thể thấy trong lịch sử lâu đời, vượt xa phạm vi 50 năm và một trong những minh chứng tiêu biểu nhất là câu chuyện tình yêu giữa thương nhân Araki Sotaro và công nữ Ngọc Hoa, đã trở thành chủ đề cho nhiều tác phẩm nghệ thuật.
Là tổng đạo diễn, đồng thời chỉ huy dàn nhạc cho vở opera “Công nữ Anio”, nhạc trưởng Honna Tetsuji chia sẻ: “Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để tạo nên một tác phẩm được lưu truyền trong tương lai, suốt 50 năm hay 100 năm về sau. Hy vọng, tác phẩm sẽ góp phần vào sự phát triển nền âm nhạc hai quốc gia và thúc đẩy tình hữu nghị song phương”.
Còn nghệ sĩ Yamamoto Kohei, người đóng vai Araki Sorato tâm sự: “Thông qua các buổi luyện tập âm nhạc cũng như ngôn ngữ, tôi thấy mình nhận được rất nhiều năng lượng tích cực từ nghệ sĩ cũng như đội ngũ sản xuất phía Việt Nam”. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng khẳng định, việc ông viết thành công phần nhạc cho một số cảnh của vở diễn có sự góp sức, hỗ trợ rất nhiều của đạo diễn, tác giả kịch bản, tác giả soạn lời Oyama Daisuke.
Trong khi đó, tác giả của bộ manga “Công nữ Anio” Akiko Higashimura chia sẻ: “Tôi cảm thấy vui và may mắn khi vừa vẽ vừa có cơ hội học hỏi thêm về lịch sử và truyền câu chuyện tình yêu thời xa xưa đến độc giả”.
Chắc chắn, mối tình lay động nhiều trái tim người dân Việt Nam và Nhật Bản này vẫn tiếp tục truyền cảm hứng và sẽ được kể lại bằng nhiều hình thức văn học, nghệ thuật hấp dẫn, đồng thời đem lại những mối lương duyên mới…