Mỗi máy bay Boeing sản xuất ra, đều có linh kiện từ Việt Nam
Nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới Boeing nuôi tham vọng làm được như Samsung, Intel… tại Việt Nam, kết nối được với nhiều nhà cung ứng và hỗ trợ phát triển công nghiệp hàng không Việt Nam.
Lần đầu tiên, hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới Boeing đã tổ chức Diễn đàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ tại Việt Nam. Điều này, theo ông Michael Nguyễn, Giám đốc Boeing Việt Nam, đã cho thấy vai trò quan trọng của thị trường Việt Nam đối với Boeing.
Diễn đàn được tổ chức nhằm chia sẻ tầm nhìn đối với việc tăng cường cơ hội của Việt Nam trong các lĩnh vực đào tạo hàng không vũ trụ, chuỗi cung ứng, hàng không bền vững và nghiên cứu và phát triển…
“Thị trường hàng không Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. Và chúng tôi muốn trở thành đòn bẩy hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành hàng không”, ông Michael Nguyễn đã nói như vậy trong cuộc chia sẻ với báo giới bên lề Diễn đàn.
Theo ông Michael Nguyễn, các dự báo gần đây cho thấy, trong vòng 30 năm tới, khu vực Đông Nam Á cần khoảng 4.000 máy báy mới để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, trong đó Việt Nam là quốc gia cần nhiều máy bay nhất.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường và trở thành đối tác chiến lược với Việt Nam, Boeing không chỉ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, mà còn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, nâng cao năng lực hàng ngành hàng không vũ trụ của Việt Nam lên tiêu chuẩn quốc tế.
“Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và trường đại học trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ tại Việt Nam để xây dựng nền tảng cho sự phát triển lâu dài”, ông Michael Nguyễn nói.
Không giấu giếm tham vọng của mình, ông Michael Nguyễn cho biết, Boeing muốn “theo gương” Samsung, Intel trong phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
“Mỗi chiếc Boeing được sản xuất ra trên thế giới, đều có linh kiện từ Việt Nam”, ông Michael Nguyễn nói và ví dụ một vài linh kiện máy bay được sản xuất tại Việt Nam, như cánh máy bay, cửa máy bay…
Một chiếc máy bay cần tới hơn 6 triệu linh kiện và do vậy, nhu cầu còn lớn. Ông Michael Nguyễn cho biết, Boeing sẵn sàng làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam trong cung cấp linh phụ kiện cho sản xuất máy bay.
Hiện tại, để xây dựng chuỗi cung ứng, Boeing đang làm việc với 7 nhà cung ứng tại Việt Nam.
“Có thể trước mắt, các công ty Việt Nam chưa làm việc được thẳng với Boeing mà phải thông qua các công ty Nhật, Hàn… Chúng tôi cũng muốn làm việc thẳng với các công ty Việt Nam, tuy nhiên, tôi cho rằng, các công ty Việt Nam cũng cần phải đi trước khi chạy”, ông Michael Nguyễn nói và cho biết, Boeing sẵn sàng hỗ trợ để các công ty Việt Nam có thể đi nhanh và chạy nhanh.
Trong khi đó, theo ông Craig Abler, Phó chủ tịch khu vực Chuỗi cung ứng châu Á của Boeing, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, việc tăng cường hợp tác với các nhà cung ứng Việt Nam và nâng cao kỹ năng người lao động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ của Việt Nam sẽ giúp Boeing nâng cao khả năng cạnh tranh.
Theo đó, Boeing sẽ cùng hợp tác với các công ty Việt Nam để áp dụng những phương pháp thực hành tốt nhất cho sản xuất tinh gọn, quản lý nhà cung cấp và đào tạo chuyên ngành khác.
Liên quan đến vấn đề này, khi phát biểu tại Diễn đàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ Boeing tại Việt Nam, ông Đỗ Nhất Hoàng đã đề nghị Boeing nói riêng và các doanh nghiệp Hoa Kỳ nói chung tiếp tục tăng cường hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất và dịch vụ kỹ thuật ngành hàng không, như sản xuất linh kiện, bảo dưỡng tàu bay, công nghiệp sản xuất vệ tinh, công nghệ sóng viễn thông...
Cùng với đó, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên toàn cầu.
“Riêng đối với Boeing, chúng tôi mong muốn Tập đoàn sẽ nghiên cứu phát triển trung tâm đào tạo phi công, chuyên gia, kỹ sư trong lĩnh vực hàng không vũ trụ cũng như thiết lập cơ sở sản xuất tàu bay tại Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng nói.