Mỗi năm chia nhau gần 6.000 tỷ, làng tỷ phú hiếm có Việt Nam
Chỉ trồng rau, cây ăn trái, chăn nuôi gia trại,... theo chuỗi liên kết mà người nông dân ở một số vùng quê nước ta có thể thu tới vài ngàn tỷ đồng một năm. Nhiều hộ gia đình nhờ đó có cơ hội đổi đời, trở thành tỷ phú.
Thu vài ngàn tỷ từ vườn quả, vựa rau
Trong khi ở nhiều vùng nông thôn nước ta, bà con nông dân vẫn còn thấp thỏm lo âu vì sợ cảnh “được mùa mất giá” hay ảnh hưởng của khí hậu bất thường, thì người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) đón cái Tết đầm ấm khi năm 2019 vừa qua ngoài quả vải thiều, họ thu thêm 600 tỷ từ bán cam, bưởi.
Để trở thành "vùng quê ngàn tỷ như" Lục Ngạn, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chia sẻ, từ năm 2007, người dân nơi đây đã bắt tay vào sản xuất chuyên nghiệp, đẩy mạnh làm thương hiệu. Đây được ví như cuộc cách mạng đổi đời cho cây vải Lục Ngạn. Đấy cũng chính là lý do năm 2018, vải thiều được mùa được cả giá, nông dân Bắc Giang thu về gần 5.800 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải đạt khoảng 3.500 tỷ, còn lại là từ các ngành dịch vụ phụ trợ.
Sang năm 2019, vải thiều rơi vào cảnh mất mùa, sản lượng giảm gần một nửa so với năm 2018, nhưng nhờ làm tốt khâu thị trường, người dân Bắc Giang thu được hơn 6.000 tỷ đồng, cao hơn năm trước tới 500 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ vải thiều của riêng huyện Lục Ngạn đạt 4.675 tỷ đồng.
Thế nên, giờ đây nhắc đến Lục Ngạn, người ta sẽ liên tưởng tới vùng cây ăn quả lớn ở miền Bắc, là vùng đất mà nông dân có thể chia nhau vài ngàn tỷ mỗi năm. Cuộc sống nơi đây cũng đổi thay, không còn cảnh nghèo đói, người trồng vải xây được nhà lầu, sắm được ô tô, trở thành những nông dân tỷ phú.
Cùng chung hướng đi như người dân Lục Ngạn, ở tỉnh Hải Dương, dịp đầu năm nay người nông dân cũng thu 2.000 tỷ đồng từ cây cà rốt.
Thống kê từ Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, vụ Đông Xuân niên vụ 2018-2019, tổng diện tích gieo trồng cà rốt trên địa bàn toàn tỉnh đạt 1.430 ha, năng suất bình quân từ 40-45 tấn/ha, sản lượng thu được đạt khoảng 49.500 tấn. Trong đó, hai xã Đức Chính và Thái Tân thuộc huyện Cẩm Giàng đạt sản lượng khoảng 250.000 tấn, chiếm hơn 50% tổng diện tích và sản lượng cà rốt toàn tỉnh.
Đáng chú ý, thay bằng việc trồng tự phát như những năm trước, năm 2019, nông dân tham gia liên kết với doanh nghiệp tạo thành chuỗi sản xuất sạch từ trồng trọt tới chế biến và tiêu thụ. Vậy nên, cà rốt tại các địa phương không chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa mà còn xuất khẩu đi Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, một số nước châu Âu,...
Kết quả, nhờ liên kết chuỗi mà nơi đây trở thành vùng quê ngàn tỷ, nhiều hộ nông dân đổi đời thành tỷ phú.
Cả làng thành tỷ phú nhờ làm gia trại
Tương tự, ở Yên Thế (Bắc Giang), sau nhiều năm chật vật tìm hướng đi cho con gà đồi, thậm chí có thời điểm người chăn nuôi còn bị thua lỗ nặng vì giá giảm, đầu ra gặp khó thì vài năm gần đây, gà đồi Yên Thế đã thực sự hồi sinh nhờ thay đổi nhận thức của người chăn nuôi.
Ở đây, người dân không còn chạy theo số lượng, tăng đàn ồ ạt mà chuyển sang phương thức chăn nuôi có kiểm soát, nâng cao chất lượng đàn gà theo hướng an toàn.
Ông Lương Văn Hiến - Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Thế, cho biết, hộ dân nuôi gà ở Yên Thế được tập huấn chăn nuôi an toàn, được hỗ trợ để thành lập HTX nhằm liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Nhờ đó, giá gà những năm gần đây luôn ổn định ở mức 50.000-75.000 đồng/kg. Mỗi lứa xuất bán, người nuôi thu lãi trên 15 triệu đồng/1.000 con.
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Thế, tổng đàn gà của huyện luôn duy trì ổn định 4-4,5 triệu con, tập trung ở các xã Tiến Thắng, Tam Tiến, Đồng Vương,...
Đáng chú ý, nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm quy mô tập trung mà mỗi năm người dân trong huyện có doanh thu lên tới 1.300-1.500 tỷ đồng, giúp cuộc sống của họ ngày càng sung túc hơn. Đặc biệt, ngoài thị trường trong nước, nhãn hiệu gà đồi Yên Thế đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại ba nước Lào, Trung Quốc và Singapore.
Cũng chăn nuôi theo hướng gia trại, ở cao nguyên xanh Mộc Châu (Sơn La) còn có làng tỷ phú nhờ nuôi bò sữa liên kết với doanh nghiệp.
Nghe vậy chắc sẽ có người hoài nghi, song qua lời kể của người nông dân chăn bò cần mẫn nơi đây về chuyện ngày 2 lần chở sữa bò đi bán để đến cuối tháng thu hàng tỷ đồng mới thấy vì sao họ thành những tỷ phú nông dân.
Ông Phạm Hải Nam - đại diện doanh nghiệp sữa có liên kết với nông dân tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, cho biết, ở nông trường hiện có gần 600 hộ dân chăn nuôi bò sữa và có ký hợp đồng bán sữa cho công ty. Tổng đàn bò sữa khoảng 25.000 con. Lượng sữa vắt ra để bán cho doanh nghiệp sữa lên trên 80.000-85.000 tấn/năm, giá trị ước khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể hàng trăm tỷ đồng mỗi năm công ty chi ra để thưởng cho các hộ dân làm tốt, sữa có chất lượng đạt chuẩn.
Thế mới có chuyện, cùng lúc gần 600 nông dân nuôi bò kéo nhau đến dự hội nghị tuyên dương nông dân làm kinh tế giỏi của tỉnh khiến hội trường “vỡ trận”.
Xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) mấy năm gần đây cũng nổi lên thành làng quê tỷ phú, dân xây nhà lầu, sắm xe hơi nhờ chăn nuôi bò sữa theo hướng liên kết với thu khoảng 400-500 tỷ đồng.
Những năm gần đây, Việt Nam đã ký kết rất nhiều thương mại. Vì thế, người đứng đầu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cho rằng, để cạnh tranh được trên thị trường thế giới và không bị thua ngay trên “sân nhà”, người nông dân cần nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản mình làm ra. Thay vì sản xuất manh mún nhỏ lẻ, phải liên kết với doanh nghiệp thành các chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra được các sản phẩm đồng đều trên quy mô lớn.
Thực tế đã chứng minh thành công từ hướng đi này. Như ở Sơn La, Bắc Giang, người dân từ làm tự phát sang hướng liên kết quy mô lớn nên đem lại hiệu quả cao, sản phẩm xuất khẩu được sang các thị trường khó tính nhất. Những mô hình này đều hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, thậm chí nông dân có thể làm giàu từ nông nghiệp.
Bộ trưởng NN-PTNT dẫn chứng ở vùng vải thiều Lục Ngạn, người nông dân làm tốt khâu sản xuất theo hướng VietGap, hữu cơ có sự liên kết với doanh nghiệp, khâu thị trường được chú trọng mà năm 2019 dù mất mùa nhưng doanh thu vẫn tăng hơn so với năm 2018 tới cả mấy trăm tỷ đồng.
Chúng ta có thị trường trong nước rộng lớn với 90 triệu dân, thị trường thế giới còn nhiều dư địa. Giải pháp cần thiết cần làm ngay, theo Bộ trưởng Cường, là vận động nông dân tham gia vào các hợp tác xã kiểu mới hay bắt tay liên kết cùng với các doanh nghiệp trong ngành làm hàng hóa ở quy mô lớn, theo chuỗi. Như thế, nông dân mới tồn tại và có cơ hội làm giàu.