Mỗi năm, khoảng 2.600 tỷ USD bị đánh cắp thông qua hành vi tham nhũng
Theo Báo cáo của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), mỗi năm, ước tính khoảng 1 nghìn tỷ USD bị dùng vào việc hối lộ, trong khi khoảng 2.600 tỷ USD bị đánh cắp thông qua hành vi tham nhũng-một con số tương đương với 5% GDP toàn cầu.
Ngày 16/11, UNODC đã phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức Tọa đàm có chủ đề "Tham vấn đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ".
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Nguyễn Nguyệt Minh, chuyên gia chương trình, Phụ trách UNODC Việt Nam cho biết, tham nhũng là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế xã hội trên thế giới. Mỗi năm, ước tính khoảng 1 nghìn tỷ USD bị dùng vào việc hối lộ, trong khi khoảng 2.600 tỷ USD bị đánh cắp thông qua hành vi tham nhũng-một con số tương đương với 5% GDP toàn cầu.
"Phòng chống Tham nhũng là vấn đề trung tâm trong chương trình nghị sự phát triển toàn cầu. Việt Nam cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng khi phê chuẩn Công ước phòng chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC) có hiệu lực vào ngày 14/12/2005", bà Minh nhấn mạnh.
Theo bà Minh, với tư cách là cơ quan bảo vệ UNCAC, UNODC đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong quá trình sửa đối pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng. Tọa đàm lần này cũng là tọa đàm lần thứ ba nhằm lấy ý kiến xây dựng Nghị quyết của TANDTC về việc áp dụng các quy định của Bộ Luật Hình sự về các tội tham nhũng và liên quan đến chức vụ.
“Chúng ta đã rất quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, và điều này là nhờ sự đóng góp lớn của các cơ quan tố tụng”, Phó Chánh Án TANDTC Tiến sỹ Nguyễn Trí Tuệ cho biết.
Buổi tọa đàm diễn ra khá sôi nổi với sự tham gia thảo luận của các đại diện ngành Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, cũng như cố vấn và chuyên viên đại diện UNODC. Các đại biểu nêu lên những vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các vụ án tham nhũng, phát biểu góp ý đối với dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đưa ra các dẫn chứng thực tiễn khó khăn trong quá trình xét xử các tội phạm tham nhũng tại các TAND địa phương.