Mỗi năm, người Singapore làm ra 3,5 tỷ đồng, người Việt chỉ 256 triệu đồng
Tính theo sức mua tương đương (quy đổi ra USD), năng suất lao động Việt Năm năm 2018 đạt hơn 11.142 USD/người (256 triệu đồng). Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực năng suất lao động của người lao động Việt Nam thấp hơn rất nhiều và chênh lệch năng suất ngày càng tăng.
Báo cáo mới nhất về năng suất lao động Việt Nam so sánh tương quan với năng suất lao động của các nước trong khu vực vừa được Tổng cục Thống kê công bố.
Cụ thể, năm 2018, năng suất lao động theo sức mua tương đương của người Singapore đạt hơn 152.400 USD (3,5 tỷ đồng/người/năm), người Malaysia đạt hơn 58.670 USD (1,3 tỷ đồng); người Thái Lan là hơn 30.100 USD (698 triệu đồng); người Indonesia là hơn 24.800 USD (571 triệu đồng) và người Philippines là hơn 19.900 USD (458 triệu đồng). Trong khi đó, năng suất lao động của người Việt là 102 triệu đồng (năm 2018), quy đổi ra sức mua tương đương là hơn 11.142 USD/người/năm.
Năng suất lao động của lao động Việt Nam hiện chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; gần 45% của Indonesia và bằng 56% của Philipines.
Thực tế nếu không tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của người Việt năm 2018 là 102 triệu đồng/người/năm, mức tăng gấp đôi so với năm 2011. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê mức tăng này vẫn rất thấp so với các nước khu vực bởi năng suất lao động của các nước trong khu vực cũng tăng nhanh.
Cụ thể, chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo sức mua tương đương 2011) từ năm 2011 đến 2018 của các nước đều hơn Việt Nam.
Cụ thể, mức chênh năng suất lao động Singapore và lao động Việt Nam tăng từ 3 tỷ đồng (năm 2011) lên 3,2 tỷ đồng (năm 2018), tăng 200 triệu đồng.
Với lao động Malaysia, mức chênh lệch năng suất từ 975 triệu đồng năm 2011, nhưng đến năm 2018 năng suất của người Malaysia đã chênh người Việt 1 tỷ đồng/năm.
Mức chênh thu nhập của người lao động Thái Lan từ 344 triệu đồng năm 2011, năm 2018 đã tăng lên 436 triệu đồng. Với lao động Indonesia, mức chênh thu nhập từ 260 triệu đồng năm 2011 đã lên 315 triệu đồng năm 2018 và với người Philippines, mức chênh thu nhập với lao động Việt từ 140 triệu đồng năm 2011, nhưng đến 2018 đã tăng lên 200 triệu đồng.
Tổng cục Thống kê khẳng định: Mức chênh lệch năng suất lao động tính theo sức mua tương đương cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước trong khu vực.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về năng suất lao động Việt Nam, hiện ngành khai khoáng có năng suất cao nhất khi thu nhập cao hơn với các ngành khác, trong khi đó lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn có năng suất thấp nhất trong các ngành kinh tế.
Là nước có từ 70-80% lao động làm nông nghiệp, thu nhập bấp bênh, giá cả nông, hải sản rẻ, thiên tai, lũ bão và bệnh dịch kéo giảm thu nhập thực tế của người dân, điều này khiến năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế giảm đi.
Năm 2018, năng suất lao động khu vực công nghiệp và xây dựng theo giá hiện hành đạt 131 triệu đồng/lao động; trong khi đó lao động vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lại có mức NSLĐ rất thấp, thấp nhất trong các khu vực kinh tế, đến năm 2018 theo giá hiện hành đạt 39,8 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 39% năng suất chung của toàn nền kinh tế.