Mỗi năm thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt khoảng 1.700 tỷ đồng
Bộ Tài chính cho biết, tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho thấy khả năng điều tiết của thuế còn thấp. Số thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bình quân khoảng 1.700 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 0,14% tổng thu ngân sách nhà nước.
Cử tri Vĩnh Long đề nghị sửa đổi Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thực tế qua công tác thu thuế đất phi nông nghiệp ở địa phương nhiều năm qua cho thấy hiệu quả không cao do diện tích đất nằm trong hạn mức chịu thuế của người dân còn rất ít. Vì vậy cử tri đề xuất cần nghiên cứu trình Quốc hội xem xét miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Về nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, Hiện pháp năm 2013 quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Luật Đất đai năm 2024 quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất (Điều 12). Một trong những nguyên tắc sử dụng đất là sử đụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả (Điều 5).
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai, nhà nước đã ban hành các chính sách tài chính đối với đất đai trong đó có chính sách thuế sử dụng đất. Hiện hành, chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN) được thực hiện theo quy định tại Luật thuế SDĐPNN số 48/2010/QH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2012.
Luật thuế SDĐPNN quy định đối tượng chịu thuế bao gồm: đất ở (đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị); đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh. Hạn mức đất ở làm căn cứ tính thuế là hạn mức giao đất ở mới theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thuế suất thuế SDĐPNN đối với đất ở áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần (0,03% đối với phần diện tích trong hạn mức, 0,07% đối với phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức, 0,15% đối với phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức); đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh áp dụng thuế suất là 0,03%.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc thực hiện chính sách thuế SDĐPNN trong thời gian qua đã góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ đất đai, góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách địa phương và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, qua đánh giá tình hình thực hiện chính sách thuế SDĐPNN cho thấy khả năng điều tiết của thuế SDĐPNN còn thấp (số thu thuế SDĐPNN bình quân khoảng 1.700 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 0,14% tổng thu ngân sách nhà nước).
Theo Bộ Tài chính, căn cứ Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19 – KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, Chính phủ đã có Báo cáo số 71/BC-CP ngày 16/3/2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBNTVQH15, trong đó đã báo cáo kết quả rà soát, nghiên cứu đối với Luật thuế SDĐPNN.
Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, hiện các nội dung liên quan đến hoàn thiện chính sách thuế đối với người sử dụng đất đang được Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tổng thể để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế và đặt trong tổng thể cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2021 - 2030.