Mỗi năm, Việt Nam có 12-13 nghìn người tử vong do lao
Việt Nam nằm trong Top 11 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất thế giới, đồng thời cũng trong Top 11 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Mỗi năm, có khoảng 12-13 nghìn ca tử vong do lao.
Thực trạng này cho thấy vai trò quan trọng của Chương trình chống lao Quốc gia (CTCLQG) cũng như trách nhiệm nặng nề của các thầy thuốc ở Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương.
Chia sẻ bên lề hội nghị Tổng kết CTCLQG năm 2023 và các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, diễn ra sáng nay, 22/12, tại Hà Nội, TS. Đinh Văn Lượng - Giám đốc BV Phổi Trung ương - CTCLQG - cho biết: Năm 2023 là năm rất thành công của CTCLQG, khi tất cả các mục tiêu chính đều đạt cao, từ phát hiện mới đến điều trị cũng như chuyển đổi sau dịch COVID-19.
Đây là nỗ lực rất lớn của hệ thống CLQG trong bối cảnh Việt Nam là 1 trong các nước có bệnh lao trở lại hàng đầu sau đại dịch, cùng với bệnh phổi hậu COVID-19 tạo nên gánh nặng lớn; việc đấu thầu vật tư trong nước và đấu thầu quốc tế gặp khó khăn, khiến cho việc kiểm soát bệnh thách thức hơn. Bên cạnh đó là những vướng mắc của năm đầu tiên thanh toán thuốc chống lao bằng BHYT.
TS. Đinh Văn Lượng - Giám đốc BV Phổi Trung ương - CTCLQG: Năm 2023 là năm rất thành công của CTCLQG
Tuy nhiên, Bộ Y tế đã chỉ đạo và can thiệp sát sao với CTCLQG, đồng thời, lãnh đạo CTCLQG cùng hệ thống BV lao trong toàn quốc đã nỗ lực rất lớn, nên đã giải quyết được nước khó khăn cho bệnh nhân lao khi thanh toán thuốc từ Quỹ BHYT.
Những vướng mắc trong mua sắm đấu thầu hiện cũng đã được giải quyết, đặc biệt, Quỹ Toàn cầu đã đấu nối với các tổ chức thế giới sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế họp với các nước liên quan để tháo gỡ.
“Với những nỗ lực của hệ thống CTCL toàn quốc, với chủ trương CTCLQG gắn với y tế cơ sở, gắn với các BV và hệ thống các thầy thuốc có chuyên môn tốt, hy vọng Việt Nam sẽ thực hiện được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035 hoặc có thể sớm hơn” - TS. Đinh Văn Lượng bày tỏ.
Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bình Hòa - Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương - Chương trình CLQG - thông tin: Sau dịch COVID-19, tình hình mắc lao tăng lên do bị gián đoạn điều trị. Tuy nhiên, hệ thống phòng, chống lao trong toàn quốc đã nỗ lực hết sức để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phát hiện và điều trị bệnh lao.
PGS.TS. Nguyễn Bình Hòa - Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương - Chương trình CLQG
PGS.TS. Nguyễn Bình Hòa đưa ra các hoạt động đáng chú ý của CTCLQG trong năm 2023: Có sự chỉ đạo ngay từ đầu của CTCL tuyến Trung ương, mô hình Phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng đã được xây dựng với quy mô rộng và thí điểm mô hình Chấm dứt bệnh lao ở từng địa phương; Lồng ghép tầm soát các bệnh phổi, tăng huyết áp, đái tháo đường; tổ chức chiến dịch 2X để tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và lao tiềm ẩn tại 41 điểm/20 tỉnh. Quỹ PASTB đã nhận được hỗ trợ tương đương hơn 943 triệu đồng ủng hộ.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, số phát hiện, chẩn đoán bệnh nhân mới của CTCLQG tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, đạt gần 80%, để phục hồi lại chất lượng và tác động tích cực của chương trình: Phát hiện 78.674 trường hợp mắc lao các thể, tăng 1.909 bệnh nhân, tương đương tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 19.214 (32,3%) so với cùng kỳ năm 2021 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19. Riêng phát hiện lao kháng đa thuốc 9 tháng đầu năm 2023 là 2.764 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 9%, 44% và 4%.
Đây là kết quả sự nỗ lực của hệ thống chống lao trên toàn quốc trong việc mở rộng và đẩy mạnh phát hiện chủ động bệnh lao, với sự tham gia của hệ thống y tế cơ sở và sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo địa phương trong lĩnh vực này.
Hoạt động điều trị cũng có bước tiến đáng kể với tỷ lệ thành công duy trì ở mức cao, >90%, đảm bảo chỉ tiêu của WHO. Tỷ lệ khỏi của bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới cũng tiếp tục cải thiện, đạt 80% (cao hơn so với cùng kỳ năm 2021), tỷ lệ hoàn thành điều trị là 10,4%.
PGS.TS. Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương - CTCLQG - thăm hỏi, động viên bệnh nhân điều trị tại bệnh viện
Hoạt động phối hợp y tế công tư rất hiệu quả nên tổng số bệnh nhân lao phát hiện do y tế công - tư chuyển đến trong 6 tháng đầu năm là 26.300 (chiếm khoảng 33,4%).
Bên cạnh đó, PGS.TS. Nguyễn Bình Hòa cũng cho biết: Hệ thống cung ứng thuốc của CTCLQG cũng gặp những khó khăn do việc chuyển đổi cơ chế mua sắm thuốc chống lao từ NSNN sang BHYT. Nhiều tỉnh vẫn lúng túng trong việc triển khai mô hình PPM do thiếu nhân lực, thiếu kinh phí và sự chỉ đạo của Sở Y tế.
Việc cấp phép nhập khẩu ở Bộ Y tế kéo dài do sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, quy trình phê duyệt… ảnh hưởng đến tiến độ tiếp nhận hàng, hạn sử dụng của hàng hóa khi về đến Việt Nam còn lại ngắn. Một số mặt hàng đang thiếu trầm trọng do chưa xin được giấy phép nhập khẩu là sinh phẩm Tubeculin PPD và thuốc lao hàng 2.
Hội nghị Tổng kết CTCLQG năm 2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024,
Tuy nhiên, năm qua, CTCLQG đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch mua sắm thuốc lao hàng 1 cho những người bệnh lao không có thẻ BHYT từ nguồn viện trợ Quỹ Toàn cầu; phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức đấu thầu gói thầu giai đoạn 2024-2025 và kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được Bộ Y tế phê duyệt, đang tiến hành các bước tiếp theo để có kết quả đấu thầu trong đầu năm 2024.
Trong kế hoạch của CTCLQG năm 2024, PGS.TS. Nguyễn Bình Hòa cho hay: CTCLQG sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp toàn diện để bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị; ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy, tiếp sau đó là đảm bảo chất lượng quản lý điều trị; mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng.
Giảm tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong do lao là một mục tiêu quan trọng mà CTCLQG hướng tới.