Mỗi năm Việt Nam mất 1 tỷ USD vào túi hãng tàu nước ngoài
Hiện nay 99% hàng hóa contaner xuất nhập khẩu ở VN rơi vào hãng tàu nước ngoài. Uớc tính mỗi năm VN mất 1 tỷ USD vào túi hãng tàu nước ngoài.
Chiều 4/8, Bộ GTVT chủ trì Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho DN vận tải biển thông qua việc sửa đổi, bổ sung thông tư 54/2018 của Bộ GTVT.
Tại hội nghị, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, quy định giá dịch vụ hàng hải đã giúp DN cảng biển có nguồn thu tốt hơn. Tuy nhiên, mức giá hiện nay còn thấp và vẫn còn khoảng cách khá xa với các nước trong khu vực.
“Vì vậy, việc xây dựng mức giá mới cần theo lộ trình làm sao đến năm 2025 phải bằng 70-80% với các cảng biển trong khu vực”, Thứ trưởng Công cho hay.
Tăng giá để tái đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ
Ông Nguyễn Tường Anh, Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng nêu thực tế, hiện nay giá bốc xếp containe 20 feet hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng chỉ 33 USD, mức giá này quá thấp, không đủ nguồn thu để cảng tái đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ.
Do vậy, ông đề xuất mức giá bốc xếp container tăng 10% từ năm 2021 và lộ trình tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo để đến 2025 tiệm cận với giá dịch vụ các cảng biển khu vực.
Riêng với hàng hóa container nội địa, ông Anh cho rằng, mức giá hiện nay còn thấp do được bao cấp, nhất là các cảng nhỏ nội địa hoạt động không hiệu quả nên cần thiết phải tăng giá dịch vụ bốc xếp từ 12-15% mỗi năm để có nguồn đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đại diện Hiệp hội chủ tàu VN cho rằng, hiện nay giá dịch vụ cảng biển nước ta thấp, nhiều doanh nghiệp cảng biển đầu tư lớn đã phải chuyển đổi công năng do thu không đủ bù chi.
Đơn cử cả nước có 3 cảng biển liên danh, trong đó có Cảng Cái Mép khai thác vượt quá công suất thiết kế nhưng bức tranh tài chính vẫn không “ổn” do giá dịch vụ thấp. Vì thế, họ không thể tiếp tục đầu tư khi giá dịch vụ không được điều chỉnh tăng lên.
Tiền rơi vào tay hãng tàu nước ngoài
Đại diện Hiệp hội chủ tàu VN cho hay, vừa rồi dịch Covid - 19 nhưng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển VN vẫn tăng, thậm chí liên minh tàu của Nhật có lãi lớn ở thị tường VN.
Việc hãng tàu nước ngoài lãi lớn có tác động không nhỏ của việc phí dịch vụ bốc xếp cảng biển VN còn quá thấp so với các cảng biển trong khu vực.
Ông Phan Quốc Long, Chi hội phó chi hội chủ tàu contaner (Hiệp hội chủ tàu VN) cho biết, hiện nay 99% hàng contaner xuất nhập khẩu ở nước ta rơi vào hãng tàu nước ngoài.
Chủ hàng giao một container mất 300 – 400 USD nhưng chủ hãng tàu nước ngoài thu lợi được từ 55 - 80 USD do giá dịch vụ cảng biển ở nước ta thấp. Do vậy, ước tính mỗi năm chúng ta mất 1 tỷ USD vào túi hãng tàu nước ngoài.
“Chúng ta tăng giá dịch vụ cảng biển đương nhiên các hãng tàu nước ngoài họ sẽ kêu, nhưng thực tế hãng tàu họ thu 120 USD/ container 20 feet nhưng họ chỉ trả cho các cảng của ta 30 USD. Đây cũng là lý do tại sao trong đợt dịch Covid-19 các hãng tàu nước ngoài vào VN vẫn lãi lớn”, ông Long nói.
Ngoài tăng mức giá dịch vụ vận tải hàng hóa, thông tư sửa đổi cũng đề xuất tăng mức giá trần đối với vận tải hành khách lên 5 USD/khách. Tuy nhiên, đại diện Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Tập đoàn Sungroup) đề xuất cần nâng mức trần từ 5 USD lên 7 USD/ người để dễ đàm phán, điều chỉnh.
Thứ trưởng Công nói rõ, ở đây chỉ tăng giá trần và không tăng giá sàn. Việc tăng giá trần là để có khoảng cách cho chủ tàu đàm phán nên không ảnh hưởng gì.
“Nhiều chủ tàu nước ngoài nói với tôi, Việt Nam thật lạ, chủ tàu muốn tăng giá dịch vụ cảng biển cũng không tăng được vì mức trần quá thấp.
Ở đây, chúng ta không lo ngại xảy ra cạnh tranh không lành mạnh vì nếu DN cảng biển thu cao quá thì tàu không vào nữa”, Thứ trưởng Công nói.
Đại diện Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) nhất trí việc sửa đổi bổ sung thông tư vì mức giá quy định kế thừa các mức giá từ phí sang nên không còn phù hợp.
“Mức giá thực hiện nhiều năm rồi nên cần phải đánh giá lại cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Nguyên tắc định giá là phải bù đắp được chi phí hợp lý và phù hợp với thị trường trong nước, trong khu qua qua từng thời kỳ”, đại diện Cục quản lý giá cho biết.