Mỗi năm Việt Nam thu được 3,5 - 4 tỷ USD kiều hối từ hoạt động xuất khẩu lao động
Đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (xuất khẩu lao động) là hướng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước; góp phần tăng cường quan hệ hợp tác về nhiều mặt giữa Việt Nam với những nước sử dụng lao động.
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Bá Hoan tại hội thảo: "Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 27/12 tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Theo ông Nguyễn Bá Hoan, những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Bộ LĐTB&XH, hàng trăm doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép để đưa người lao động đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ làm việc. Từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn là hơn 1,4 triệu người, mỗi năm gửi về khoảng 3,5 - 4 tỷ USD kiều hối.
"Những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn. Người lao động đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến quốc tế; đồng thời năng cao kỹ năng, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước", ông Hoan cho biết.
Cũng theo ông Hoan, tại những địa phương có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài, người lao động không chỉ thoát nghèo mà diện mạo quê hương có nhiều thay đổi với nhà cửa khang trang, hiện đại, an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm. Có được thành quả như trên, ngoài nỗ lực của ngành LĐTB&XH thì vai trò của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Bộ LĐTB&XH cũng nhận định việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, một số cơ chế, chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ; chi phí đi làm việc ở nước ngoài cao, tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng, hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước chậm được khắc phục...
Tại hội thảo, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho biết, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng là một chủ trương hết sức đúng đắn, tốt đẹp của Đảng và Nhà nước, đồng thời là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 1991, Chính phủ ban hành Nghị định 370/HĐBT về quy chế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đồng thời cho phép các tổ chức kinh tế được thành lập và cấp giấy hoạt động xuất khẩu lao động.
"32 năm qua, đã có hàng trăm ngàn lượt người lao động đến nhiều nước để làm việc, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống gia đình, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Những thành quả về hoạt động xuất khẩu lao động là nhờ Việt Nam biết nắm bắt và vận dụng có hiệu quả các chương trình hợp tác lao động với các nước có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam", ông Tuân cho biết.
Trong khi đó, theo ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐTB&XH, Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ LĐTB&XH tại TP.HCM, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thời gian qua vẫn tồn tại một số hạn chế. Đó là chưa thống nhất trong sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề. Hiện nay, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách cho cơ quan quản lý nhà nước địa phương chủ yếu do doanh nghiệp làm, trong khi đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Ngoài ra công tác liên kết đào tạo nghề chưa đạt. Theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải có cơ sở đào tạo hoặc liên kết đào tạo, nhưng hiện nay việc ký hợp đồng liên kết đào tạo của doanh nghiệp chủ yếu mang tính chất đối phó nhằm chứng minh có cơ sở đào tạo, chứ không thực hiện công tác đào tạo trên thực tế. Bên cạnh đó vẫn có rào cản từ cơ quan quản lý, đặc biệt là ở cấp huyện, xã, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện tư vấn, triển khai chính sách đến người lao động.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc ESUHAI Group cho biết, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng khi đạt 100 triệu dân với 22,1 triệu lao động trong độ tuổi 16-30. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê dự báo, giai đoạn này chỉ kéo dài khoảng 20 năm nữa, tức vào khoảng năm 2034 nước ta sẽ bước vào giai đoạn dân số già. Vì vậy lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần được phát triển thành một chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng lao động và chuyên gia một cách bền vững. Có như vậy Việt Nam mới có thể tận dụng cơ hội dân số vàng để nâng tầm giá trị.