Mỗi ngày có hơn 1 triệu lượt tài khoản VNeID giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia
Chiều 22/11, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, trong tháng 11, mỗi ngày có hơn 1 triệu lượt tài khoản VNeID đã được người dân sử dụng để giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Những ứng dụng từ dữ liệu CCCD, VNeID đang ngày càng đi vào đời sống, phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.
Gia tăng sử dụng VNeID trên Cổng dịch vụ công quốc gia
Nhằm thu hút người dân tham gia ngày càng mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và các địa phương triển khai những biện pháp như miễn giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến nay đã có 46/63 địa phương tham mưu, ban hành Nghị quyết của HĐND về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Trong tháng 11, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tiếp nhận 479 nghìn tài khoản đăng ký mới, hơn 9,6 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái. Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành tiếp nhận, xử lý hơn 1,5 triệu lượt thực hiện các dịch vụ công tiện ích; hơn 2,9 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện (chiếm 38,57%); 1,36 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với tổng số tiền là 591 tỷ đồng (chiếm 33,92%).
Đến nay, đã tích hợp, cung cấp 4.423 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; phục vụ xác thực, định danh và đăng nhập một lần của gần 10,8 triệu tài khoản; hơn 261,84 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 25,8 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; 33,1 triệu hồ sơ trực tuyến, hơn 19 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 8.901 tỷ đồng; có hơn 383.000 cuộc gọi tới tổng đài.
Văn phòng Chính phủ đã phối hợp Bộ Công an hoàn thành việc sử dụng tài khoản VNeID làm cơ sở để triển khai đối với các Cổng dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương đối với các tài khoản cá nhân. Hiện, đã sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập và thực hiện các dịch vụ công của Cổng dịch vụ công quốc gia với trung bình 1.149.013 lượt tài khoản truy cập bằng VNeID/ ngày.
Cũng theo Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh thực hiện 53 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06. Đặc biệt, tập trung triển khai có hiệu quả 2 dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng”. Đến 15/11, đã thu nhận 342.450 hồ sơ liên thông khai sinh (tăng 101.730 hồ sơ so với tháng 10/2023) và 26.990 hồ sơ liên thông khai tử (tăng 6.967 hồ sơ so với tháng 10/2023). Một số địa phương có hồ sơ phát sinh lớn như Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương.
Hiện, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Cụ thể, cung cấp dịch vụ làm sạch dữ liệu hồ sơ khách hàng cho ngân hàng tổng số 42 triệu dữ liệu theo hình thức offline và online qua API đối với những hồ sơ khách hàng phát sinh mới trong tháng. Cung cấp dịch vụ làm sạch dữ liệu cho 3 nhà mạng viễn thông (Vinaphone, Viettel, Mobifone) với 132,39 triệu yêu cầu xác thực theo hình thức trực tuyến; 5 nhà mạng viễn thông (ASIM, ITEL, Vietnamobile, Gtel Mobile, Mobicast) theo hình thức offline yêu cầu xác thực. Cùng với đó, các đơn vị chức năng cũng đang đề xuất những nhà mạng nhỏ được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch thông tin thuê bao di động, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo, “tín dụng đen”.
Đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu phục vụ an sinh xã hội
Trong phiên họp của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ được tổ chức ngày 20/11 vừa qua, các thành viên của tổ công tác đánh giá: CCCD gắn chip đã được ứng dụng hiệu quả, mạnh mẽ trên các lĩnh vực, tạo được nhiều kết quả nổi bật. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đặc biệt ấn tượng và vui mừng thông tin về kết quả ứng dụng CCCD đối với hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên cả nước. Tính đến ngày 16/10, 100% cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh sử dụng BHYT.
Đặc biệt, trong lĩnh vực ngân hàng hiện có 53 tổ chức tín dụng (TCTD) đang phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ CCCD gắn chip để nghiên cứu, triển khai giải pháp xác thực khách hàng tại quầy giao dịch.
Có 48 TCTD đang trao đổi về phương án làm sạch dữ liệu; 13 TCTD đã và đang liên hệ với Bộ Công an để ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử VNeID; 22 TCTD đã liên hệ Bộ Công an để triển khai hoặc tự tổ chức đào tạo nội bộ, phổ biến kiến thức về nhận diện CCCD thật/giả; 12 TCTD đang phối hợp với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH tìm hiểu giải pháp chấm điểm tín dụng. Đối với việc rà soát tài khoản nghi ngờ, giả mạo phục vụ phòng, chống tội phạm, tích xanh tài khoản đảm bảo, báo cáo thống kê trên nền tảng dữ liệu dân cư, xác thực thông tin đa chiều hiện có 7 TCTD liên hệ với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH để tìm hiểu nội dung về báo cáo thống kê trên nền tảng dữ liệu dân cư, 1 TCTD (VIB) đã gửi dữ liệu để thực hiện rà soát.
Ngày 18/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1123 về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử. Trước đó, Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã được ban hành vào tháng 4/2023 với những nội dung liên quan đến chống thất thu thuế, thất thu ngân sách. Bám sát vào những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách.
Đến 10/11, đã có 36.391 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công (tăng 1.791 doanh nghiệp so với tháng 10/2023), với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 57,68 triệu hóa đơn (tăng 11,4 triệu hóa đơn so với tháng 10/2023). Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ kỳ vọng sắp tới sẽ triển khai 100% cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với cơ sở kinh doanh (CSKD) dịch vụ ăn uống tại 4 địa phương gồm: TP Hà Nội (CSKD đã triển khai, trong đó 2.189 CSKD thuộc lĩnh vực ăn uống), TP Hồ Chí Minh (5,703 CSKD đã triển khai, trong đó 2.336 CSKD thuộc lĩnh vực ăn uống), TP Hải Phòng (1147 CSKD đã triển khai, trong đó 430 CSKD thuộc lĩnh vực ăn uống) và tỉnh Quảng Ninh (2.199 CSKD đã triển khai).
Cũng tại phiên họp Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tháng 11, Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt lưu ý các thành viên tổ công tác ở các bộ, ngành tập trung hoàn thành 27 nhiệm vụ chậm, muộn, nhất là ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa dữ liệu, CCCD gắn chip, tài khoản VNeID đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ nhân dân, những đối tượng chính sách, yếu thế dịp Tết Nguyên đán 2024 sắp tới. Hiện, thống kê của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh mẽ trong xã hội.
Đến nay, có 51/63 địa phương thực hiện chi trả qua tài khoản cho 340.177 người (tăng 42.255 người so với tháng 10/2023) với số tiền hơn 674 tỷ đồng; trong đó, chi trả cho 246.108 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền hơn 276,3 tỷ đồng; 83.424 đối tượng người có công với số tiền hơn 381,97 tỷ đồng; 10.645 đối tượng khác với số tiền 16,1 tỷ đồng. Tổng số đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thuộc ngành lao động quản lý là gần 5 triệu người, trong đó có gần 1 triệu người đã có tài khoản và mong muốn được chi trả qua tài khoản.
Đặc biệt, có tới 87,9% các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc các trường Đại học Y, Dược đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần nâng cao công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống hiệu quả tình trạng thất thoát tài sản, tham nhũng vặt…