Mỗi ngày có khoảng 2,5 triệu giao dịch qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hàng ngày có trung bình khoảng 2,5 triệu giao dịch qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Đã có 2,2 tỷ giao dịch qua nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia
Thông tin về lĩnh vực Chính phủ số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình đủ điều kiện ước đạt 100%. Hiện có 83/83 bộ, tỉnh đã ban hành danh mục DVCTT toàn trình, một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP; tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 81%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 48%.
Đáng chú ý, về DVCTT toàn trình ở khối bộ, ngành, tỷ lệ DVCTT toàn trình trung bình đạt 59,68%. Một số bộ, ngành đạt 100% như các Bộ Công Thương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông. Bên cạnh đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trung bình đạt 50%, thì Bộ Công Thương đạt tỷ lệ cao nhất 79,94%.
Hiện nay, toàn quốc có 62/63 địa phương ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng DVCTT; 15/63 tỉnh đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT; thành phố Hà Nội ban hành chính sách quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, là nền tảng quan trọng trong phát triển Chính phủ số.
Hiện nay, Nền tảng đã kết nối 103 bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức ở Trung ương; đã kết nối 10 cơ sở dữ liệu, 15 hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên NDXP. Số lượng người dùng hàng tháng: 90/103 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với tổng số giao dịch từ khi đưa vào khai thác (2019) đến hết tháng 6/2024 ước đạt khoảng 2,2 tỷ giao dịch. Trong 6 tháng đầu năm 2024 phát sinh khoảng 471,44 triệu giao dịch; hàng ngày có trung bình khoảng 2,5 triệu giao dịch.
Trong thời gian, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số và hướng dẫn xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh.
Đồng thời, ban hành các văn bản: Văn bản chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá, đề xuất các giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT tại các bộ, ngành, địa phương, tránh dàn trải, hình thức, gây phiền hà, bức xúc và lãng phí nguồn lực; đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP);
Tiếp đó, văn bản hướng dẫn đánh giá các cổng dịch vụ công, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng tỷ lệ sử dụng DVCTT; tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đồng bộ đầy đủ dữ liệu giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC).
Ngoài ra, phối hợp với Bộ Công an rà soát, tháo gỡ các vướng mắc về tiêu chuẩn, quy trình công nghệ thông tin và về pháp lý liên quan đến thực hiện Đề án 06.
Thói quen ngại thay đổi là một trong các rào cản lớn nhất
Tuy nhiên, bên cạnh một số địa phương triển khai rất tốt DVCTT toàn trình như Đà Nẵng (95,56%), còn nhiều địa phương triển khai hạn chế với 28/63 tỉnh mới chỉ triển khai dưới 50% là DVCTT toàn trình (Bà Rịa - Vũng Tàu đạt tỷ lệ thấp nhất 24,2%). Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của khối tỉnh cũng còn rất hạn chế, mới đạt 17%.
Với hiện trạng này, nguy cơ đến năm 2025 Việt Nam khó đạt được các mục tiêu về DVCTT đã đặt ra tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVCTT mức độ toàn trình; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến.
Bên cạnh đó, về chia sẻ dữ liệu còn hạn chế, triển khai chậm các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp và khuyến nghị từng địa phương Danh mục chi tiết các thủ tục hành chính (chưa triển khai trực tuyến) có phát sinh hồ sơ trong năm 2024 để triển khai dịch vụ công trực tuyến (một phần và toàn trình) và Danh mục chi tiết các dịch vụ công trực tuyến một phần có phát sinh hồ sơ trong năm 2024 để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Về chia sẻ dữ liệu, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, cần ưu tiên kinh phí đầu tư dứt điểm cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin. Xây dựng cơ chế bảo đảm kinh phí xây dựng, duy trì, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối, chia sẻ dữ liệu, đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống", "dọc ngang thông suốt". Ưu tiên nguồn lực đầu tư trang thiết bị, giải pháp an toàn thông tin cho kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, từ thực tiễn triển khai DVCTT thời gian qua, có thể nhận thấy thói quen ngại thay đổi là một trong các rào cản lớn nhất và để có thể thuyết phục người dân, doanh nghiệp thay đổi thói quen thì cần: Chính cơ quan nhà nước phải gương mẫu thay đổi mình; chất lượng của DVCTT phải tốt như dịch vụ của khu vực tư.
UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản giao chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tới cho các cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố ban hành chính sách giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT. Hội đồng nhân dân hoặc UBND tỉnh, thành phố ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT.
Các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo triển khai cung cấp DVCTT trên thiết bị di động bảo đảm cho thuận tiện cho người dân truy cập, sử dụng. Triển khai kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu bảo đảm tuân thủ khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc chính phủ điện tử/chính quyền điện tử của các bộ, tỉnh, nhằm tối thiểu hóa thông tin, tài liệu người dân phải cung cấp cho CQNN khi thực hiện thủ tục hành chính.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 trong lĩnh vực Chính phủ số, đó là, hoàn thiện Đề án “Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của DVCTT giai đoạn 2024-2025 và định hướng đến năm 2030” theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.
Xây dựng trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giao dịch điện tử về cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối và chia sẻ dữ liệu, dữ liệu mở phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước.
Cùng với đó, triển khai mô hình ngôn ngữ lớn Tiếng Việt và Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức. Thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) với tốc độ tăng trưởng giao dịch thực hiện qua NDXP trung bình 20%/năm. Đo lường, đánh giá, công bố xếp hạng mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và của quốc gia (DTI).