Mỗi ngày, có khoảng 660 doanh nghiệp chờ giải thể, hoặc đã phá sản
Trong 5 tháng đầu năm 2021, có gần 60.000 doanh nghiệp tại Việt Nam rút lui khỏi thị trường, tức là mỗi ngày có khoảng 660 doanh nghiệp chờ giải thể, hoặc đã phá sản.
Theo báo cáo phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phát hành, trong 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có 55.769 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Số doanh nghiệp mới được thành lập trong giai đoạn đầu của năm 2021 đang cao nhất trong 5 năm vừa qua. Điều này thể hiện niềm tin và sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với triển vọng phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 65,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp mới thành lập là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 133,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Cá biệt, vào tháng 5/2021, tại TP.HCM có 2 doanh nghiệp đăng ký số vốn đột biến lần lượt là 25.000 tỷ đồng và 500.000 tỷ đồng.
Mỗi ngày, có khoảng 660 doanh nghiệp chờ giải thể, hoặc đã phá sản.
Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm 2021 là 59.820, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa, mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tương ứng với 660 doanh nghiệp rút lui/ngày.
Trong đó, có 31.818 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 53,2% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ngoài ra, có 19.979 doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7% so với năm ngoái. Số doanh nghiệp đã giải thể trong 5 tháng qua là 8.023 doanh nghiệp, tăng 32,3% so với năm ngoái.
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, một trong những nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp giải thể trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng cao là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Do đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của dịch bệnh, Chính phủ, cùng các Bộ, ngành liên quan đã ban hành hàng loạt các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong đó, nhiều giải pháp đã đem lại hiệu quả nhất định, như Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 84, Nghị quyết 154, Quyết định 32;...
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến cuối tháng 1/2021 đã thực hiện giải ngân gần 13.000 tỷ đồng, để thực hiện hỗ trợ cho 13 triệu người và 32.400 hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, cả nước có 1,105 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tính đến cuối tháng 1/2021. Với tổng số tiền là 18.900 tỷ đồng, mức hưởng bình quân là 3 triệu đồng/người/tháng.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, tổng kinh phí đã thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vừa qua đã lên tới hơn 32.000 tỷ đồng.