Mỗi ngày nạo vét 3.000 khối bùn âu thuyền Thọ Quang, nhận chìm ngoài khơi vùng biển Đà Nẵng
Sau những ngày đầu làm quen địa hình, ngày 14-4, 2 tàu ngoạm cỡ lớn và 4 sà lan có sức chứa 600 khối bùn bắt đầu đẩy mạnh hiệu suất nạo vét ở vùng nước phía đông âu thuyền Thọ Quang. Đây là hạng mục quan trọng và tốn kém trong kế hoạch tổng thể xử lý điểm nóng ô nhiễm môi trường tại âu thuyền, cảng cả lớn nhất miền Trung mà thành phố Đà Nẵng phấn đấu hoàn thành từ nay đến năm 2025.
Bắt đầu từ sáng sớm, góc phía đông âu thuyền Thọ Quang, đoạn từ cầu cảng số 3 về phía tuyến đường Chu Huy Mân như một công trường dưới nước. 2 tàu ngoạm, 4 sà lan loại lớn và khoảng 40 công nhân làm việc hết công suất để đạt tiến độ, thực hiện phương án cuốn chiếu, vừa làm vừa đánh giá hiệu suất cũng như đảm bảo yếu tố môi trường.
2 tàu ngoạm và sà lan cùng hoạt động liên tục trên góc phía Đông âu thuyền Thọ Quang
Dự án nạo vét, nhận chìm khối lượng bùn khổng lồ của âu thuyền Thọ Quang do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là Liên danh Cty CP TNHH Xây dựng và thương mại 126 và Cty CP Tư vấn và xây dựng Phú Xuân.
Gàu múc loại 3 khối sẽ nạo vét bùn ở độ sâu từ 2-4m tầng đáy âu thuyền
Gàu múc sẽ ngoạm sâu để thu gom lớp bùn bên trên khoảng 0,5-0,7m, tiếp đó là các lớp bùn pha sét, lớp sét và sét pha cát với độ dày 3 lớp này 1,3-1,5m.
Bùn được múc lên đổ vào lưới chắn trên sà lan, các loại rác sẽ được giữ lại để xử lý riêng
Gàu múc của máy ngoạm mỗi lần múc khoảng 2-3 khối bùn và đưa lên sà lan có khoang chứa dung tích khoảng 600 khối
Lớp lưới lọc rác được đặt trên để ngăn và giữ lại chất thải rắn xử lý riêng
Phải mất nhiều giờ đồng hồ để múc đầy sà lan. Sau đó bùn được đưa ra khu vực được phê duyệt để nhận chìm tại tọa độ 16°11'25.10"N - 108°17'32.78"E ngoài vịnh Đà Nẵng, cách phao số 0 hơn 12km.
Sà lan di chuyển từ âu thuyền ra ngoài vịnh Đà Nẵng để thực hiện phương án nhận chìm
Trong suốt quá trình nạo vét, di chuyển, nhận chìm, cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng có một bộ phận chuyên trách giám sát để đảm bảo thực hiện đúng phương án được phê duyệt, hạn chế những ảnh hưởng đến vấn đề môi trường
Sẽ mất gần 1 giờ đồng hồ để các sà lan di chuyển từ âu thuyền Thọ Quang ra vị trí nhận chìm
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, vị trí được thành phố phê duyệt để nhận chìm cách đất liền khoảng 20km, được đánh dấu khoanh vùng bằng các loại phao lớn. Hình ảnh khi thực hiện nhận chìm được ghi nhận lại bằng cả flycam và máy quay dưới nước.
Một trong các cột phao đánh dấu vị trí nhận chìm
Khi neo đậu ổn định đúng vị trí, sà lan sẽ mở cửa phía bụng để bùn được nhận chìm dưới biển. Máy quay dưới nước cũng sẽ ghi nhận thực tế để truyền hình ảnh về cho cơ quan chức năng giám sát.
Các cửa dưới bụng sà lan mở ra và bùn từ từ được thả xuống biển
Ông Trần Đức Sang - Phụ trách kỹ thuật của dự án cho biết, qua 3 ngày đầu tiên việc nạo vét, nhận chìm được thực hiện đúng phương án. Khó khăn lớn nhất hiện nay chính là mặt bằng thi công bị vướng vì tàu thuyền ngư dân neo đậu thiếu quy củ trong âu thuyền. Việc nạo vét, đi lại khó khăn cũng làm chậm tiến độ của việc thi công. Nhà thầu cũng đã có kiến nghị cơ quan chức năng thành phố chỉ đạo Ban Quản lý âu thuyền Thọ Quang sớm có phương án khắc phục để việc nạo vét hoàn thành trong tháng 10-2022, ngay trước mùa mưa bão.
Công Khanh