'Mỗi nghiên cứu khoa học thất bại là một tài sản trí tuệ giá trị'

Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu khoa học nằm 'đắp chiếu', số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của Việt Nam lại rất ít, thậm chí ít hơn nhiều so với chủ đơn đăng ký nước ngoài.

Các nghiên cứu khoa học cần bám sát với nhu cầu của thị trường (Ảnh: Vũ Dung)

Các nghiên cứu khoa học cần bám sát với nhu cầu của thị trường (Ảnh: Vũ Dung)

Lí do của thực trạng này là việc đăng ký bảo hộ chỉ có giá trị khi những nghiên cứu này có thể ứng dụng vào thực tế và được thương mại hóa. Điều này thể hiện khả năng thương mại hóa của các nghiên cứu khoa học tại Việt Nam còn tương đối yếu.

Vẫn câu chuyện “bám sát nhu cầu của thị trường”

Phát biểu tại hội thảo “Sở hữu trí tuệ trong định hướng nghiên cứu và công bố khoa học”, ông Nguyễn Hồng Hiếu - Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Công ty Cổ phần Tư vấn Chuyển giao Sở hữu trí tuệ quốc tế (SIPC) cho rằng, việc định hướng các hoạt động nghiên cứu khoa học là rất quan trọng.

Các giảng viên tại trường đại học và viện nghiên cứu cần có mục tiêu đi theo ngành, theo chiến lược quốc gia, tuy nhiên, định hướng này cũng cần phải tương thích với nguồn lực hiện có và nhu cầu của thị trường.

Nhà nghiên cứu có thể lấy điểm giao giữa các định hướng và nhu cầu này, sau đó, tập trung vào việc nghiên cứu những gì thị trường cần, xã hội đòi hỏi và người dân mong muốn.

"Khi nghiên cứu đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường, các kết quả nghiên cứu khoa học mới có khả năng được ứng dụng trong thị trường, từ đó tạo nguồn thu mới và tái bổ sung nguồn lực để thúc đẩy sự đổi mới," ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Hiếu cũng nhấn mạnh rằng, sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định định hướng nghiên cứu khoa học phù hợp. Sở hữu trí tuệ là công cụ và "chìa khóa" giúp các giảng viên tiến hành nghiên cứu hiệu quả.

Với hoạt động tìm kiếm, tra cứu và đánh giá thông tin về sở hữu trí tuệ, các giảng viên, nhà nghiên cứu có thể nắm bắt được các khía cạnh kỹ thuật và xác định thị trường, cụ thể là ai là đối tượng tiềm năng, ai là đối thủ cạnh tranh…

Ngoài ra, việc khảo sát nhu cầu của khách hàng và áp dụng chiến lược sử dụng bằng độc quyền và đơn đăng ký để bảo vệ tài sản trí tuệ cũng rất quan trọng. Đây là chiến lược nghiên cứu khoa học phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Cần có cái nhìn đúng với những nghiên cứu thất bại

Trong khi đó, bà Ngô Phương Trà - nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại miền Trung - Tây Nguyên lại cho rằng, trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy, các giảng viên, các nhà khoa học cần quan tâm nhiều đến vấn đề quyền tác giả trong cơ sở giáo dục đào tạo.

Trong lĩnh vực cơ sở giáo dục đào tạo, quyền tác giả đối với các tác phẩm viết và bài giảng đóng vai trò rất quan trọng. Các tác phẩm viết có thể là giáo trình, bài báo và các công trình nghiên cứu, thậm chí trong quá trình nghiên cứu, các giảng viên có thể lưu lại nhật kí nghiên cứu, và những nhật kí này cũng được xem như các tác phẩm có giá trị khoa học, ngay cả trong trường hợp nghiên cứu không thành công.

Theo bà Trà, một nghiên cứu thất bại vẫn mang lại kết quả. Các công ty lớn trong ngành dược cũng bảo vệ nghiên cứu thất bại như bí mật kinh doanh, bởi những thông tin này có thể mang lại lợi ích như tránh sai lầm hoặc tạo ra hướng đi mới trong nghiên cứu.

Có thể một công trình nghiên cứu ban đầu định hướng điều gì đó, nhưng kết quả cuối cùng lại dẫn đến khám phá mới, và những thông tin này có thể được giữ bí mật vì tính quan trọng của chúng.

Trong khi đó, theo TS.BS Ngô Minh Vinh, Phó Phòng Nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, để đạt được các sản phẩm liên quan đến sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế và giải pháp hữu ích, cần phải có sự phối hợp giữa các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Trong đó, định hướng phát triển của Chính phủ là đầu vào, là bài toán cần giải quyết, và doanh nghiệp chính là đầu ra quan trọng cho công trình nghiên cứu, sản phẩm.

Hương Giang

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/moi-nghien-cuu-khoa-hoc-that-bai-la-mot-tai-san-tri-tue-gia-tri-1690170997776.htm