Mỗi ngư dân là một chiến sĩ Trường Sa
Ngư dân đi biển đối mặt nhiều hiểm nguy, họ không chỉ mưu sinh mà họ còn là những 'chiến sĩ' thầm lặng góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nhiều ngư dân vinh dự được nhận huy hiệu 'Chiến sĩ Trường Sa' của Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng.
Sóng cả không ngã tay chèo
Ông Trần Xề (87 tuổi, thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) từ nhỏ đã theo cha trên những chiếc ghe đánh cá. Năm 1960, khi vừa 21 tuổi đã sở hữu một chiếc tàu để đánh cá quanh đảo Lý Sơn. Ra được đảo, ông Xề lại muốn đi xa hơn nữa, là một trong lớp thế hệ ngư dân đầu tiên đưa chiếc tàu 60CV ra quần đảo Trường Sa để đánh bắt cá.

Ông Trần Xề là 1 trong 6 ngư dân xã Bình Châu vinh dự được nhận huy hiệu "Chiến sĩ Trường Sa" do Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng. Ảnh: NGUYỄN TRANG
“Thời đó không có máy định vị, máy dò cá, máy quét và cũng không có thiết bị giám sát hành trình, thuyền trưởng phải mò mẫm đi tìm luồng cá, xác định hải trình", ông kể.
Đi nhiều ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, ông Xề thông thạo hải trình các hòn đảo lớn, nhỏ… Ông kể: “Ở những vùng nước lớn, vực sâu từ 200-500m, diện tích rộng đủ cho tàu bủa lưới bao trọn đàn cá, thuyền trưởng phải có kinh nghiệm đo tính dòng chảy của nước, độ sâu để dẫn dụ cá, đánh cá”.
Công nghệ đóng tàu thời đó cũng không hiện đại, hầm chứa đá không giữ được lâu, sau nhiều lần thay tàu, đổi máy, ông Xề đóng mới hẳn một chiếc tàu cá dài 17m, QNg-5693 TS, công suất 450CV, trị giá 3 tỷ đồng. Vào thời điểm cách đây 20 năm, đây là chiếc tàu lớn nhất nhì trong xã. Tàu cá này có 2 hầm đá, ông Xề sắm 300 tấm lưới để ra khơi.

Ngư dân xã Bình Châu tiếp nối truyền thống đi biển
Ông Xề nói: “Thời đó, nhiều ngư dân ở xã Bình Châu cũng chuyển sang nghề lặn nhưng tôi vẫn quyết quăng lưới đánh cá, vào mùa cá chuồn ở quần đảo Trường Sa từ tháng Giêng đến tháng 5 là thời điểm đánh bắt thuận lợi nhất, tàu chạy liên tiếp vài tháng, vào bờ xong lại chạy ra đánh bắt thì cũng đủ nuôi cả gia đình và anh em bạn thuyền”.
Cuộc đời ông gắn bó với nghề biển, quần đảo của Tổ quốc và xem như đây là ngôi nhà thứ 2 trên biển. Về sau, chiếc tàu của ông được trao lại cho con trai tiếp tục nối nghiệp đi biển.
“Chiến sĩ Trường Sa”
Năm 2011, ở tuổi 73, ông Xề vẫn còn kéo cờ Tổ quốc vượt sóng ra khơi. Trong năm này, ông cùng Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi thăm quần đảo Trường Sa, khu vực nhà giàn DK 1, một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ông vinh dự nhận huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” do Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng cho ngư dân góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc.

Các ngư dân xã Bình Châu chụp ảnh lưu niệm tham quan đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây
Ông Xề chia sẻ: “Cầm trên tay huy hiệu do Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng, tôi thấy một đời tôi hiện diện trên ngư trường truyền thống, duy trì hoạt động đánh bắt hải sản, góp phần thể hiện sự sống và chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển này. Cũng là sự kiên cường của ngư dân trước khó khăn, thách thức trên biển, minh chứng cho tinh thần yêu nước, ý chí bảo vệ biển đảo của Tổ quốc”.
Đi tham quan các đảo, ông vui và nhớ vì trên đảo đã có trường học và có dân mình đang sinh sống. Ông nói: “Bây giờ tàu đi biển gặp sóng to, gió lớn thì vào đảo tránh trú, nếu gặp nạn trên biển thì có bộ đội ta ở Trường Sa hỗ trợ, có quân y cứu chữa kịp thời, ngư dân không còn lo lắng khi vươn khơi ra biển lớn”.
Người em trai của ông Xề là ông Trần Công (75 tuổi, thôn Định Tân, xã Bình Châu) cũng vinh dự được nhận huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” cũng trong năm 2011. Đối với 2 ông, đây là niềm vinh dự của một gia đình có 3 đời nối nghiệp nghề biển, canh giữ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Khi kể về Trường Sa, ông Công thường ví rằng “Trường Sa nay đẹp như một thị trấn vậy”.

Ông Trần Công vinh dự nhận huy hiệu "Chiến sĩ Trường Sa". Ảnh: NGUYỄN TRANG
Ông Công đi biển từ năm 14 tuổi, những chiếc ghe nhỏ chòng chành quanh đảo Lý Sơn, rồi đi bạn với các tàu lớn ra Hoàng Sa, Trường Sa. Cả cuộc đời của ông gắn bó với quần đảo này. Cách đây 3 năm, một người con trai của ông đã mất tích trên biển khi hành nghề ở quần đảo Trường Sa trong cơn bão, đây cũng là nghiệt ngã của nghề biển. Nếu có ai đó nói với ông “đừng đi biển nữa!” thì ông sẽ đáp ngay: “Biển là Tổ quốc. Sống bám biển, bám ngư trường, nhìn xuống thấy nước, ngửa mặt lên thấy trời xanh vời vợi”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho biết: “Xã Bình Châu có 6 ngư dân vinh dự được Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” và thăm quần đảo Trường Sa, trong đó có tôi. Đến với Trường Sa có lẽ chỉ có một lần trong đời nhưng hành trình cảm xúc thì cứ mãi neo giữ trong tim, nhắc nhở ngư dân vững tay chèo vượt sóng ra khơi”.
Ông Hùng cho biết: “Xã Bình Châu là địa phương có đội tàu khai thác hải sản xa bờ hùng mạnh nhất tỉnh Quảng Ngãi với 375 tàu, trong đó hơn 240 tàu thường xuyên bám biển dài ngày tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với 1.700 lao động. Sản lượng khai thác bình quân ước đạt 20.000 tấn/năm, đem lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/moi-ngu-dan-la-mot-chien-si-truong-sa-post788749.html