'Mọi người cần nhận biết nguy cơ về bệnh đái tháo đường của mình và biết cách ứng phó'
Đó là chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường (ĐTĐ) (14/11) năm nay. Trưởng khoa Bệnh không lây thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ (BS) Chuyên khoa I Trần Huỳnh Đức có một số chia sẻ về bệnh ĐTĐ và cách phòng tránh.
- Phóng viên (PV): BS cho biết tình hình bệnh ĐTĐ ở tỉnh hiện nay như thế nào?
BS Trần Huỳnh Đức: Theo thống kê, tại Việt Nam hiện có trên 3,5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, mỗi ngày có ít nhất 80 người tử vong liên quan đến bệnh và các biến chứng của ĐTĐ nhưng có tới gần 70% số người mắc ĐTĐ không được chẩn đoán.
Tại Long An, trong 9 tháng năm 2023, phát hiện mới 4.204 bệnh nhân mắc ĐTĐ, cộng dồn đến nay là 20.823 người, trong đó, đang quản lý điều trị 19.364 người. Điều trị đạt đường máu mục tiêu, nghĩa là phòng bệnh làm chậm xuất hiện các biến chứng mạch máu lớn, biến chứng mạch máu nhỏ, cải thiện sức khỏe toàn diện và điều trị các biến chứng chỉ có 4.514 người, chiếm 23,31% số bệnh nhân đang quản lý điều trị ĐTĐ trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại, chỉ 62,71% người mắc bệnh ĐTĐ được phát hiện, 58,31% số người được phát hiện bệnh ĐTĐ được quản lý điều trị theo hướng dẫn chuyên môn; số người 40 tuổi trở lên được xét nghiệm đường huyết 1 lần trong năm là 25.985 người, chỉ chiếm 4,72% tính theo dân số của Long An là trên 1.660.000 người.
- PV: Nguyên nhân khiến căn bệnh này càng trở nên phổ biến và trẻ hóa là gì, thưa BS?
BS Trần Huỳnh Đức: Do chế độ ăn uống thiếu lành mạnh hoặc thiếu kiểm soát, thường ăn các loại đồ ăn nhanh, dầu mỡ, tinh bột, kẹo bánh, đồ ngọt, lười vận động dẫn đến béo phì và làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh. Ngoài ra, yếu tố gia đình cũng là một nguy cơ của ĐTĐ.
Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2, việc nhận biết rõ nguy cơ và những việc cần làm ngay là rất quan trọng để phòng bệnh, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng, hậu quả đáng tiếc xảy ra.
- PV: Những ai có thể bị mắc bệnh ĐTĐ, thưa BS?
BS Trần Huỳnh Đức: Những người có nguy cơ cao bị mắc ĐTĐ: Người thừa cân, béo phì; người ít vận động thể lực; trong gia đình có người bị ĐTĐ ở thế hệ cận kề như cha, mẹ, anh chị em ruột; người bị tăng huyết áp; người bị tăng mỡ máu; phụ nữ bị buồng trứng đa nang; phụ nữ đã mắc ĐTĐ thai kỳ; người có rối loạn đường máu hay tiền ĐTĐ; người có tiền sử bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch.
- PV: BS cho biết những biến chứng thường gặp ở người mắc bệnh ĐTĐ?
BS Trần Huỳnh Đức: Bệnh ĐTĐ là một bệnh nguy hiểm vì phần lớn diễn biến âm thầm trong nhiều năm mới có biểu hiện, do đó, khi phát hiện người bệnh đã có nhiều biến chứng. Bên cạnh đó, các biến chứng của bệnh ĐTĐ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và ảnh hưởng chất lượng sống, ví dụ như đường huyết quá cao gây hôn mê, biến chứng tim, biến chứng não, mắt và đặc biệt là biến chứng thận,...
Tuy nhiên, đây là một bệnh có thể kiểm soát được nếu hiểu biết về bệnh và tuân thủ điều trị, không nên quá sợ hãi. Đây là bệnh mãn tính, diễn biến trong nhiều năm và cần biết cách thông minh để chung sống khỏe mạnh với bệnh.
- PV: Thưa BS, làm thế nào để xác định chính xác một ai đó mắc bệnh ĐTĐ?
BS Trần Huỳnh Đức: Bệnh ĐTĐ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, kinh tế của cả quốc gia và mỗi gia đình. Mọi người cần nhận biết nguy cơ của chính mình để biết cách ứng phó với bệnh ĐTĐ. Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất để phát hiện bệnh ĐTĐ và điều trị sớm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Mọi người đừng quên làm xét nghiệm đường máu định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh ĐTĐ, đặc biệt là phụ nữ mang thai vì sức khỏe của mẹ và bé.
- PV: BS cho biết cần làm gì để phòng căn bệnh này?
BS Trần Huỳnh Đức: Để kiểm soát tốt bệnh ĐTĐ, đặc biệt là những người đã bị bệnh, ngoài chế độ ăn uống lành mạnh, có kiểm soát, ăn nhiều rau xanh, giảm đường, chất béo và cân bằng dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, vừa sức còn phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là kiểm tra chỉ số đường máu là cực kỳ quan trọng để tránh biến chứng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
- PV: Xin cảm ơn BS!
Thanh Bình(thực hiện)